Nga hoán đổi máy bay chiến đấu Su-35 lấy UAV vũ trang của Iran: Triển vọng có khả thi?

Anh Tú |

Nhà Trắng cho biết các quan chức Nga đã đến thăm sân bay Kashan ở miền Trung Iran để xem xét các UAV vũ trang Shahed-129 và Shahed-191 do Tehran tự phát triển nội địa.

Những đồn thổi về thương vụ hoán đổi vũ khí giữa Nga và Iran

Suy đoán mới nhất hiện nay về tương lai mối quan hệ quốc phòng giữa Nga và Iran là Tehran có thể mua các máy bay chiến đấu Su-35 Flanker của Nga để đổi lấy việc Moscow sẽ nhận được nhiều loại máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất.

Ngày 2 tháng 8, một tài khoản Twitter chuyên về thông tin tình báo nguồn mở đã trích dẫn các nguồn tin không chính thức tuyên bố rằng “Iran đã chuyển giao lô UAV đầu tiên đến Nga để tiến hành thử nghiệm trên thực địa”.

Ngoài ra, “các phi công và kỹ thuật viên Iran cũng được cử đến Nga để huấn luyện sử dụng Su-35,” tài khoản Twitter trên cho biết thêm.

Mặc dù chưa thể xác minh tuyên bố này một cách độc lập nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington, D.C. lưu ý rằng những thông tin đó “phù hợp với các báo cáo gần đây về việc Tehran và Moscow đang theo đuổi một chương trình hợp tác không quân lớn hơn nhằm né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga và Iran, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động của Nga ở Ukraine”.

Nga hoán đổi máy bay chiến đấu Su-35 lấy UAV vũ trang của Iran: Triển vọng có khả thi?  - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Shahed 129 của Iran trong một lễ kỷ niệm ở Tehran

Nếu đúng như vậy, điều đó cho thấy Iran có thể nhận được các máy bay Su-35 của Nga và đổi lại, Moscow sẽ được cung cấp các máy bay không người lái. Đây có thể là một phần của thỏa thuận được Moscow và Tehran ký vào ngày 26/7.

ISW nhận định, Tehran có thể tìm cách sử dụng thỏa thuận này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua máy bay chiến đấu của Nga.

Hồi giữa tháng 7, Nhà Trắng cho biết các quan chức Nga đã đến thăm sân bay Kashan ở miền Trung Iran để xem xét các máy bay không người lái có vũ trang Shahed-129 và Shahed-191 do Tehran phát triển nội địa. Chính quyền Mỹ sau đó tuyên bố rằng Nga đang mua sắm “hàng trăm máy bay không người lái do Iran chế tạo”.

Ngay từ tháng 12 năm 2021, Nga và Iran đã tuyên bố, vào tháng 1 năm 2022 họ sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 10 tỷ USD trong vòng 20 năm. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Iran 24 máy bay Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 như một phần của thỏa thuận.

Nga hoán đổi máy bay chiến đấu Su-35 lấy UAV vũ trang của Iran: Triển vọng có khả thi?  - Ảnh 2.

Máy bay Sukhoi Su-35S trình diễn trong lễ kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga vào 09/05/2021

Một khởi đầu triển vọng cho chương trình hợp tác quốc phòng mới?

Một sự hoán đổi như vậy sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Iran rất thành thạo trong việc chế tạo máy bay không người lái có vũ trang. Trong khi đó, Nga đã chế tạo một số máy bay chiến đấu tương đối tiên tiến, chẳng hạn như Su-35 và Su-34 Fullback nhưng Moscow lại chưa thật ưu tiên cho phát triển máy bay không người lái của riêng mình.

Thời gian gần đây, Iran đã bày tỏ rõ ý đồ muối trao đổi hàng hóa khí tài quân sự hơn là sử dụng tiền mặt để chi trả. Ví dụ, vào năm 2021, họ đã tìm cách mua 36 máy bay chiến đấu Chengdu J-10C tiên tiến từ Trung Quốc và đề nghị trả tiền cho chúng bằng dầu hoặc khí tự nhiên.

Do đó, Tehran có thể cũng sẵn sàng trao đổi một phi đội máy bay không người lái do mình tự chế tạo để nhận về các máy bay phản lực hiện đại của Nga. Tất nhiên, kèm theo đó là việc chuyển giao công nghệ và đào tạo về các chiến thuật đã được Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ thử nghiệm trên các chiến trường Trung Đông.

Hoặc sẽ có một tình huống đơn giản hơn nhiều so với kịch bản hoán đổi có thể xảy ra như nhận định của ISW. Theo đó, Tehran chỉ đơn thuần cử cố vấn tới huấn luyện cho các nhân viên người Nga về cách vận hành máy bay không người lái của họ, đồng thời cử phi công và kỹ thuật viên làm quen với Su-35 trước khi tiến hành mua sắm.

Nga hoán đổi máy bay chiến đấu Su-35 lấy UAV vũ trang của Iran: Triển vọng có khả thi?  - Ảnh 3.

Máy bay không người lái Shahed-171 (Simorgh) trong Triển lãm kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo ở trung tâm Tehran ngày 2 tháng 2 năm 2019.

Cho dù bằng cách thức nào thì Iran cũng sẽ được trang bị máy bay chiến đấu mới lần đầu tiên sau 30 năm và Nga lần đầu tiên có một phi đội máy bay không người lái của Iran. Như vậy, hợp tác hàng không mở rộng giữa hai nước như ISW đề cập sẽ có một khởi đầu tốt.

Iran chắc chắn có thể xúc tiến chương trình hợp tác bằng cách mua một số máy bay chiến đấu mới từ Nga nếu xét tới tình hình thực tiễn không mấy sáng sủa mà nước này đang gặp phải.

Ngày 3 tháng 8, một chiếc Su-22 Fitter cổ lỗ mà Iran mua từ thời Liên Xô đã bị rơi tại một căn cứ không quân ở Shiraz sau “lỗi kỹ thuật”. Ngày 18 tháng 6, một trong những chiếc F-14A Tomcat do Mỹ chế tạo, loại chiến đấu cơ mang tính biểu tượng của Iran, đã bị rơi, cùng một loạt vụ tai nạn tương tự khác xảy ra những tháng trước đó.

Việc mua sắm máy bay phản lực của Nga vào thời điểm hiện tại là rất rủi ro nếu xét đến các vấn đề dài hạn trong chuỗi cung ứng mà Moscow có thể sẽ phải đối mặt nhiều năm tới đây. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc cung cấp phụ tùng và dịch vụ kỹ thuật cho các nhà khai thác khí tài quân sự của Nga ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Tehran có thể không bận tâm nếu họ có thể đạt được một thỏa thuận thuận lợi cho các máy bay phản lực mới.

Cần biết rằng, Iran đã từng duy trì thành công một phần lớn lực lượng không quân do Mỹ cung cấp trong nhiều thập kỷ đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí mà Washington áp đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại