Nga giúp Trung Quốc đóng siêu hạm, tên lửa phòng không

Tuấn Vũ |

Không chỉ giúp Trung Quốc đóng chiến hạm Type-054A, Nga còn âm thầm giúp Bắc Kinh phát triển tên lửa phòng không HQ-16. Động thái này khiến chính Moskva đối mặt với nguy cơ mới.

Tạp chí Jane's vừa tiết lộ thông tin mới về chương trình phát triển tên lửa phòng không HQ-16 của Trung Quốc. Điều bất ngờ, trái ngược với các thông tin cho rằng HQ-16 là bản sao chép không phép mẫu tên lửa Buk hay là Shtil của Nga, thì đây lại là dự án hợp tác có hợp đồng giữa Moskva và Bắc Kinh.

Theo nguồn tin này, Tập đoàn Almaz-Antey của Nga đã cung cấp công nghệ tên lửa để hỗ trợ phát triển tên lửa tầm trung HQ-16. Nó có thể tấn công mục tiêu máy bay ở cự ly đến 40km, với tên lửa hành trình là từ 3,5-18km, có thể tấn công mục tiêu ở độ cao thấp, cực thấp hoặc độ cao lớn tới 18km.

Qua hình ảnh được công bố của HQ-16, Jane's cho rằng nó tương tự loạt tên lửa xuất khẩu 9M38E - thành phần của hệ thống tên lửa hải đối không Shtil của Almaz-Antey mà Trung Quốc mua của Nga để sử dụng trên tàu khu trục Project 956E/EM và Type 052B.

Tuy nhiên, HQ-16 cũng trông có vẻ giống như đạn tên lửa 9M317M của tổ hợp tên lửa phòng không lục quân Buk. Việc HQ-16 na ná giống các vũ khí của Nga được tạp chí Jane's lý giải rằng đây chính là dấu vết của Nga trên vũ khí do Trung Quốc sản xuất.

Nếu thông tin này được xác thực thì đây là vũ khí chiến lược tiếp theo do Trung Quốc sản xuất có bàn tay giúp đỡ của Nga sau trường hợp của "siêu hạm" Type 054A.

Theo thông tin được Want China Times (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, tàu hộ vệ Type 054A và các biến thể được phát triển dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Nga.

Thông tin này được Want China Times dẫn lại nguồn từ báo Nga hồi đầu năm 2015, tuy nhiên nguồn tin lại không nêu rõ trang tiếng Nga cụ thể. Hiện nay, trong biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN), số tàu Type 054A nhiều hơn bất cứ số lượng tàu chiến thuộc lớp nào khác.

Chỉ tính đến đầu năm 2014, Hải quân Trung Quốc có 15 chiếc tàu loại này biên chế. 5 chiếc khác tiếp tục được chế tạo tại 2 nhà máy đóng tàu ở Quảng Châu và Thượng Hải. Các tàu này có một số khác biệt ở hệ thống vũ khí so với những tàu được hoàn thiện trước đó.

Đây là lớp tàu hộ vệ mới nhất của hải quân nước này, được trang bị toàn diện từ tên lửa phòng không cho đến ngư lôi chống ngầm, có khả năng đảm nhận nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay. Tuy nhiên, theo Want China Times, việc Nga nhiệt tình giúp Trung Quốc phát triển vũ khí đang đặt chính Moskva vào thế khó.

Theo nguồn tin này, từ HQ-16, hiện Trung Quốc đang phát triển biến thể HQ-16A dành cho xuất khẩu sang thị trường châu Phi, Mỹ la tinh và một số khách hàng tiềm năng tại châu Á - những khu vực đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa vũ khí Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, theo nhận định được tạp chí quốc phòng Kanwa (trụ sở tại Canada) nhận định, sắp tới có thể tàu hộ vệ Type 054A của Trung Quốc sẽ trở thành sản phẩm tiếp theo được xem xét xuất khẩu rộng rãi. Điều đặc biệt là khách hàng Trung Quốc hướng đến vẫn là những thị trường nếu trên.

Và một khi những vũ khí này chính thức được Trung Quốc chào bán, Bắc Kinh sẽ có lợi thế hơn hẳn Moskva về giá thành, và điều này có thể khiến thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga bị thu hẹp, Kanwa nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại