Lợi thế nghiêng về Nga
Nga có nhiều binh lính hơn Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin đã đặt nền kinh tế vào chế độ thời chiến, sử dụng doanh thu lớn từ dầu mỏ để bù đắp cho chi phí sản xuất vũ khí gia tăng. Trong khi đó, sự chia rẽ về ý chí chính trị ở Mỹ và châu Âu đang đe dọa nguồn cung vũ khí và tài chính cho Ukraine.
Rạn nứt trong lòng phương Tây và việc Nga ngày càng chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực cho xung đột kéo dài được dự đoán sẽ tạo ra những thách thức lớn cho Kiev.
Binh lính Ukaine khai hỏa lựu pháo tự hành 2S22 Bohdana về phía Nga gần Bakhmut thuộc khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
"Những lợi thế năm 2024 về cơ bản sẽ nghiêng về phía Nga nhưng không đủ mang tính quyết định để Moscow có thể đạt được các mục tiêu của mình", Michael Kofman, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Washington cho hay.
"Việc khẳng định rằng Nga đang giành chiến thắng trong cuộc xung đột này là không chính xác. Tuy nhiên, nếu những lựa chọn phù hợp không được đưa ra vào năm tới trong hướng tiếp cận của Ukraine và nguồn lực của phương Tây thì triển vọng thành công của Kiev sẽ rất ảm đạm", chuyên gia này đánh giá.
Mỹ, EU và Anh có quy mô nền kinh tế hàng năm tương đương với 45.000 tỷ USD, gấp 20 lần Nga và có ưu thế lớn hơn về công nghệ. Về lý thuyết, các nước ủng hộ Ukraine mạnh hơn nhiều đối thủ của Kiev. Tuy nhiên, Nga đang hành động nhiều hơn.
Kế hoạch tài chính của chính phủ Nga cho năm 2024 - 2026, được thông qua vào đầu tháng này, cho thấy nước này sẵn sàng tập trung nguồn lực lớn hơn cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 tỷ USD vào năm tới, mức cao nhất kể từ thời Liên Xô. Các nhà máy đang chuyển từ sản xuất hàng hóa dân sự sang sản xuất xe tăng và UAV.
Moscow cũng tận dụng hoạt động thương mại với các nước thứ ba để nhập khẩu các công nghệ bị phương Tây trừng phạt mà các nhà sản xuất vũ khí đang cần. Nước này cũng tìm ra cách để phá vỡ kế hoạch của phương Tây khi áp giá trần lên xuất khẩu dầu mỏ Nga bằng cách tăng cường các đội tàu chở dầu không phải là mục tiêu của các quy định phương Tây.
Việc sản xuất hàng loạt đã cho phép Nga bắt kịp Ukraine về UAV chiến đấu cỡ nhỏ - một lĩnh vực mà trước đó Kiev có lợi thế những việc dựa vào các công xưởng nhỏ và tình nguyện viên đang cho thấy những hạn chế.
Phương Tây chật vật đáp ứng nhu cầu của Ukraine
Phương Tây đang thực hiện những bước đi hạn chế nhằm thúc đẩy sản xuất quân sự. EU cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3 năm sau nhưng các quan chức của liên minh này thừa nhận không đủ khả năng đáp ứng mục tiêu trên.
Các nước châu Âu cũng đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược có thể cung cấp cho Ukraine. Đạn pháo từ Hàn Quốc từng giúp pháo binh Ukraine đạt được lợi thế phần nào trong một thời gian nhưng hiện nay các lực lượng của Kiev lại rơi vào thế bất lợi.
Sự nhất trí lưỡng đảng ở Washington nhằm ủng hộ Ukraine đang dần suy giảm khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cận kề với tiếng nói phản đối trong đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng về việc hỗ trợ cho Kiev.
EU cũng chật vật trong nỗ lực thông qua các gói ngân sách. Liên minh này cam kết cung cấp cho Kiev 50 tỷ euro trong những năm tới, tương đương 55 tỷ USD nhưng cam kết trên đang bị đặt câu hỏi. Chính phủ Đức ngày 24/11 quyết định dỡ bỏ các quy định hạn chế về nợ công của mình, còn được gọi là “phanh nợ”, nhằm tìm ra biện pháp thoát khỏi sự phong tỏa tài chính công. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đe dọa sẽ phủ quyết việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine.
Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova mới đây cho biết, kho vũ khí của nước này không còn nhiều để có thể gửi cho Kiev. Tuy nhiên, theo bà, Prague có ý định sẽ ký hợp đồng với các công ty tư nhân để tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược. Thông báo trên của Cộng hòa Séc được đưa ra sau khi chính phủ mới ở nước láng giềng Slovakia ngăn chặn kế hoạch của người tiền nhiệm về việc cung cấp 40,3 triệu euro (43 triệu USD) vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Trong khi đó, ở Kiev, cuộc phản công mùa hè thất bại cũng khoét sâu những chia rẽ giữa giới lãnh đạo chính trị và quân sự. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhniy đánh giá xung đột đang rơi vào bế tắc, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định quân đội nước này có thể tiếp tục tiến công. Mục tiêu của ông Zelensky là khôi phục hoàn toàn biên giới của Ukraine, điều mà chính các nước phương Tây cũng cho là phi thực tế.
Đức cho rằng Ukraine đang rơi vào thế bế tắc quân sự và nhận định một lệnh ngừng bắn hoặc đàm phán với Moscow sẽ nằm trong lợi ích của Ukraine, mặc dù Berlin không muốn gây sức ép cho ông Zelensky.
Dù vậy, thậm chí cả khi Tổng thống Putin chấp nhận lệnh ngừng bắn thì Kiev lo ngại Moscow sẽ tận dụng thời gian này để tăng cường lực lượng và tiến hành các cuộc tấn công mới. Nhiều quan chức phương Tây dự đoán Nga đang chờ đợi ai sẽ dành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.
Một số quan chức châu Âu thì lo ngại vị thế của Ukraine trên chiến trường sẽ suy yếu trong mùa đông này. Quân đội Ukraine thiếu binh lính sau khi chịu tổn thất nghiêm trọng trong cuộc phản công mùa hè và nỗ lực phòng thủ đẫm máu ở Bakhmut vào mùa đông năm ngoái.
Tình trạng thiếu đạn dược cũng đồng nghĩa với việc Ukraine chưa thể tiến hành một trận đánh lớn trong tương lai gần. Tuy nhiên, quân đội Nga cũng khó có khả năng đạt được tiến triển đáng kể mặc dù có lợi thế về lực lượng và trang thiết bị. Giới quan sát cho rằng cả hai bên hiện nay đều khó tiến công qua các vùng đồng bằng trống trải được cài mìn dày đặc và UAV liên tục bay lượn trên cao.