Chad đe dọa xé thỏa thuận, Mỹ có thể phải rút quân
Hãng tin CNN dẫn 4 nguồn tin của Mỹ cho hay, sau Niger, Washington có nguy cơ mất đi sự hiện diện quân sự ở một quốc gia châu Phi khác, đó là Cộng hòa Chad.
Chính phủ Chad mới đây đã gửi thư đe dọa chấm dứt thỏa thuận an ninh quan trọng với Mỹ, khiến Washington đứng trước nguy cơ mất thêm một phần sức ảnh hưởng trong khu vực vào tay Nga.
Trong bức thư gửi tới tùy viên quốc phòng Mỹ, các quan chức Chad đe dọa sẽ hủy bỏ Thỏa thuận Tình trạng Lực lượng (SOFA) - vốn xác định các quy tắc và điều kiện cho phép quân nhân Mỹ hoạt động tại nước này.
Mặc dù bức thư không trực tiếp yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi Chad, nhưng các quan chức Mỹ cho biết, tất cả các lực lượng của nước này sẽ phải rời khỏi căn cứ ở N'Djamena.
Theo 2 nguồn tin từ Mỹ, bức thư đặc biệt đề cập tới Đơn vị tác chiến các chiến dịch đặc biệt (SOTF) của Mỹ tại căn cứ N'Djamena - một trung tâm quan trọng của đặc nhiệm Mỹ trong khu vực. Ngoài SOTF, tại N'Djamena còn có các lực lượng khác của Mỹ, tất cả cá quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ tại Chad đều đóng quân ở đây.
Nguồn tin tình báo Mỹ nói với CNN rằng, bức thư này đến từ Tham mưu trưởng Không quân Chad Idriss Amine - một động thái được đánh giá là bất thường khi cần truyền tải thông điệp quan trọng như vậy tới Washington.
Đáng lưu ý, bức thư không được gửi qua kênh ngoại giao chính thức (kênh liên lạc tiêu chuẩn giữa hai nước để giải quyết các vấn đề tương tự). Do đó, hai nguồn tin từ giới chức Mỹ cảnh báo rằng, lá thư này có thể là một chiến thuật đàm phán của chính phủ Chad, nhằm đạt được một thỏa thuận mới có lợi hơn cho họ.
Hiện chưa rõ số lượng quân nhân Mỹ đóng tại Chad, nhưng một quan chức Mỹ nói rằng con số có thể ít hơn 100 người.
Theo CNN, động thái của Chad diễn ra chỉ 1 tháng sau khi chính phủ quân sự nước láng giềng Niger chấm dứt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ hoạt động trên lãnh thổ của họ. Bên cạnh đó, nó cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với lợi ích của Mỹ ở châu Phi, khi các quan chức Washington cảnh báo rằng ảnh hưởng của Nga đang mở rộng trên khắp lục địa này.
Trước đó, vào ngày 19/4, giới chức Mỹ thông báo, hơn 1.000 quân nhân Mỹ sẽ rời khỏi Niger trong vài tháng tới, sau khi nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hợp tác với chính quyền quân sự Niger bất thành. Các cuộc thảo luận với Niger để lên kế hoạch "rút quân có trật tự và có trách nhiệm" sẽ bắt đầu trong vài ngày tới, và quá trình này sẽ mất vài tháng để hoàn thành.
Theo tờ Guardian (Anh), việc Mỹ rút quân đã mang lại chiến thắng chiến lược cho Nga, và buộc chính quyền Tổng thống Biden phải suy nghĩ lại về chiến lược chống khủng bố của mình.
Tướng Thủy quân lục chiến Michael Langley - chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) cho biết, Nga đang "cố giành lấy Trung Phi, cũng như Sahel" với tốc độ nhanh chóng.
Trong phiên điều trần riêng với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ vào tháng 3, ông Langley cho biết, các nước Trung Phi đang ở "tình thế tiến thoái lưỡng nan", cần tới sự hỗ trợ phát triển của Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vị tướng Mỹ cảnh báo các nước này cần cân bằng nhu cầu đó trước "những rủi ro đối với chủ quyền quốc gia".
Ông Langley đã tới thăm Chad vào tháng 1 năm nay cùng Thiếu tá Michael Woods - cố vấn cấp cao của AFRICOM. Theo thông cáo báo chí của AFRICOM vào thời điểm đó, ông Langley đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quân sự của Chad, trong đó có Tướng Abakar Abdelkerim Daoud - Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Chad.
Langley cho biết trong thông cáo rằng AFRICOM "vẫn tận tâm xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài với Chad và các quốc gia châu Phi khác".
Do đó, những diễn tiến mới diễn ra này có thể xem là một bất ngờ đau đầu với Mỹ.
Tín hiệu từ cuộc gặp của ông Putin
Theo Viện nghiên cứu chiến tranh (trụ sở tại Washington), chính quyền Chad có thể sẽ bắt đầu liên kết với chính quyền Sahelian do Nga hậu thuẫn và chính phủ Nga.
Điều này sẽ thúc đẩy mục tiêu lâu dài của Nga là tăng cường sức ảnh hưởng ở nước này, từ đó loại bỏ phương Tây ra khỏi khu vực và giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga do cuộc chiến ở Ukraine.
Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống chuyển tiếp của Cộng hòa Chad Mahamat Idriss Deby Itno đã có chuyến thăm tới Moscow - một động thái hiếm thấy của Chad trong 56 năm qua (kể từ năm 1968).
Mở đầu của họp với ông Mahamat, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, Nga sẽ giám sát chặt chẽ tình hình tại Chad và sẽ đóng góp vào sự ổn định của quốc gia này. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cam kết "sẽ hỗ trợ bằng mọi cách" nhằm ổn định tình hình ở Chad.
Ông Putin cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Chad đã "phát triển đặc biệt sâu sắc trong những năm gần đây". Nhà lãnh đạo Nga thời điểm đó tiết lộ rằng "một bộ tài liệu đang được chuẩn bị để củng cố và mở rộng khuôn khổ pháp lý của hai nước".
Sau cuộc gặp, ông Putin đã mời ông Mahamat Idriss Deby Itno dự bữa trưa, nơi họ "có thể trực tiếp thảo luận các vấn đề trong quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế".
Ông Mahamat Idriss Deby Itno được quân đội Công hòa Chad bổ nhiệm làm Tổng thống chuyển tiếp vào năm 2021, sau khi cha của ông là Idriss Deby Itno - vị tổng thống lãnh đạo lâu năm ở nước này - thiệt mạng trên chiến trường khi thị sát quân đội chiến đấu với lực lượng nổi dậy.
Hội đồng quốc gia chuyển tiếp và chính phủ chuyển tiếp được thành lập ngay sau đó.
Các phe đối lập tại Chad nhất trí gia hạn thời gian chuyển tiếp cho đến năm 2024. Vào tháng 12/2023, hiến pháp mới của Chad, được thông qua qua một cuộc trưng cầu dân ý, đã cho phép ông Mahamat Idriss Deby Itno tranh cử tổng thống.
Ngày bầu cử Tổng thống ở Chad vẫn chưa được ấn định nhưng dự kiến diễn ra trước cuối năm nay.
Theo chuyên gia Nikolai Shcherbkov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi tại Đại học Quốc gia Moscow, Chad hiểu rằng, nếu không duy trì quan hệ với Nga thì sự ổn định ở khu vực Sahel (khu vực thảo nguyên phía nam sa mạc Sahara ở Tây Phi, bao gồm 12 quốc gia, trong đó có Mali, Burkina Faso, Niger...) rất khó khăn.
Hiện Pháp vẫn là phía giữ vai trò đảm bảo an ninh chủ chốt trong khu vực này, nhưng "cơ hội của Paris không phải là vô hạn".
Ông Andrey Maslov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi HSE, với chuyến thăm Moscow vào tháng 1 năm nay, ông Deby đang cố gắng củng cố quyền lực trong đất nước của mình. Xu hướng thân Nga rất mạnh mẽ trong xã hội Chad.
Trong khi đó, Nga đang muốn hướng sang châu Phi để bù đắp tổn thất về chính sách đối ngoại ở các hướng khác, đồng thời xây dựng chuỗi các quốc gia đối tác ở miền Nam bán cầu.