Hệ thống phòng không Antey 2500 của Nga
Nga đưa thiết bị phòng không tiên tiến tới Iran
Ngày 6/8, The New York Times dẫn lời các quan chức Iran cho biết, Nga đã bắt đầu chuyển giao thiết bị phòng không và radar tiên tiến cho Iran, sau khi các quan chức ở Tehran yêu cầu Điện Kremlin cung cấp vũ khí.
Thông tin này được đưa ra khi truyền thông nhà nước Iran đưa tin về cuộc gặp giữa tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu. Trong cuộc gặp, tân Tổng thống Iran cho biết Tehran quyết tâm mở rộng quan hệ với đối tác chiến lược của mình.
"Nga là một trong những quốc gia đã sát cánh cùng Iran trong thời kỳ khó khăn", ông Pezeshkian nói với Sergei Shoigu.
Tổng thống Iran cũng cho rằng "hành động tội phạm" của Israel ở Gaza và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran tuần trước "là những ví dụ rõ ràng về hành vi vi phạm mọi luật pháp và quy định quốc tế".
Nga đã lên án vụ giết hại ông Haniyeh và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các bước đi có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.
Trước đó, kênh truyền hình Zvezda của Nga cũng đưa tin về cuộc gặp giữa ông Shoigu với Chuẩn đô đốc Ali Akbar Ahmadian, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Người đứng đầu nước Mỹ đến ngay Phòng Tình huống
Trong khi đó, theo tờ The Hill, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đã có cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng vào ngày 4/8, khi Iran tái khẳng định ý định trừng phạt Israel vì vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran.
Phòng Tình huống được xem là nơi tuyệt mật nhất nước Mỹ. Đây được xem là đầu não xử lý gần như tất cả chiến dịch quân sự-ngoại giao của mọi nội các Mỹ từ năm 1961 đến nay. Gần đây nhất, cựu Tổng thống Obama cũng có mặt tại Phòng Tình huống để theo dõi vụ tiêu diệt Osama bin Laden.
Cuộc họp tập trung vào các diễn biến ở Trung Đông và mối lo ngại về một cuộc xung đột khu vực lớn hơn. Mặc dù Israel không thừa nhận vụ tấn công ở Iran, nhưng Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố sẽ "trả thù" Israel sau cái chết của thủ lĩnh Hamas.
Trước đó, Axios trích dẫn 3 nguồn tin cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói với các nhà lãnh đạo Nhóm G7 hôm 3/8 rằng các cuộc tấn công của Iran và nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn có thể xảy ra sớm nhất là vào 5/8.
Cuộc gọi được sắp xếp trong nỗ lực vào phút chót nhằm thúc giục Iran và Hezbollah hạn chế các cuộc tấn công để ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện, Axios nói thêm.
Các thành viên G7 đã liên hệ với Iran để giảm thiểu hành động trả đũa nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực, theo Bloomberg.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran nói với các phóng viên hôm 4/8 rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này không muốn làm gia tăng căng thẳng nhưng có quyền, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trừng phạt Israel.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trả lời The Hill rằng Tehran rất có thể không có đủ nguồn lực để lặp lại cuộc tấn công lớn vào Israel hồi tháng 4 và thay vào đó có thể phản ứng thông qua các nhóm vũ trang khác, bao gồm cả Hezbollah.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát biểu tại cuộc họp Nội các vào 3/8 rằng đất nước ông đã ở trong một "cuộc chiến tranh nhiều mặt trận".
Căng thẳng ở khu vực đã gia tăng kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, khi Hamas bất ngờ tấn công ở miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt cóc khoảng 250 người khác.
Cuộc tấn công tiếp theo của Israel ở Gaza đã khiến gần 40.000 người thiệt mạng khi ông Netanyahu cam kết "xóa sổ" Hamas. Israel cũng đã phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Hezbollah ở Lebanon trong 10 tháng qua.