Nga đối phó vũ khí phương Tây và khiến Ukraine vỡ mộng phản công thế nào?

Kiều Anh |

Ngay cả những vũ khí phương Tây tiên tiến nhất xuất hiện trên chiến trường Ukraine cũng không thể tạo được đột phá trong khi Nga vẫn tiếp tục tấn công

Nhiều người đã dành kỳ vọng cao cho cuộc phản công mùa hè năm 2023 của Ukraine. Thành công trước đó của Ukraine tại Kiev, Kharkiv và Kherson đã khuyến khích nhiều người hy vọng vào một nỗ lực mới, được củng cố bởi vũ khí và sự huấn luyện của phương Tây, sẽ làm gián đoạn phòng tuyến Nga trên quy mô lớn và chia rẽ hành lang trên đất liền của Moscow nối với Crimea. Tuy nhiên, kết quả cuộc phản công đã không đạt được như kỳ vọng.

Mặc dù mùa hè đã mang đến cho Ukraine một vài thành công, đặc biệt trong việc đối phó với tàu chiến Nga trên Biển Đen nhưng ở đất liền, các lực lượng của Kiev không thể đạt được đột phá quan trọng. Những bước tiến hạn chế phải trả bằng cái giá đắt trong khi ở những nơi khác, Moscow vẫn tiếp tục tiến công. Hiện nay rõ ràng cuộc phản công trên đã thất bại.

Nga đối phó vũ khí phương Tây và khiến Ukraine vỡ mộng phản công thế nào?- Ảnh 1.

Xe tăng khai hỏa về phía quân đội Nga ở khu vực Kharkiv vào tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

Vũ khí phương Tây không thể giúp Ukraine đảo chiều xung đột

Câu hỏi đặt ra là tại sao cuộc phản công của Ukraine thất bại và điều đó có ý nghĩa gì với tương lai? Trên thực tế, câu trả lời nằm ở hai phía, đặc biệt là từ lực lượng phòng thủ Nga. Vào cuối mùa xuân, Nga đã sở hữu hệ thống phòng thủ sâu được chuẩn bị kỹ lượng và khiến cho bên tấn công rất khó để xuyên qua. Dĩ nhiên, đột phá đã và vẫn có thể tạo ra trong tác chiến trên bộ. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những điều kiện mà cho đến nay vẫn vắng bóng ở Ukraine: Đó là bên phòng thủ, trong trường hợp này là Nga, không có chiều sâu chiến lược, thiếu sự chuẩn bị, không được hỗ trợ về hậu cần hoặc binh lính mất động lực chiến đấu và không sẵn sàng bảo vệ các vị trí của mình. Giới quan sát cho rằng điều đó đúng với các lực lượng của Nga ở Kiev, Kharkiv và Kherson năm 2022 nhưng bây giờ điều đó không còn đúng nữa.

Những dấu hiệu này đã phủ bóng lên triển vọng đạt được đột phá của Ukraine. Nếu không có đột phá, giao tranh trên bộ sẽ trở thành cuộc xung đột tiêu hao với lợi thế không thuộc về Kiev.

Một số người đã đổ lỗi cho Mỹ về cuộc phản công thất bại của Ukraine khi không đáp ứng kịp thời tất cả yêu cầu của Kiev. Họ cho rằng chẳng hạn, nếu Mỹ cung cấp tiêm kích F-16, tên lửa tầm xa như ATACMS hoặc xe tăng Abrams cho Ukraine sớm hơn và với số lượng lớn hơn thì Kiev đã có thể xuyên thủng phòng tuyến Nga. Các phương tiện với số lượng nhiều hơn và hiện đại hơn chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả, vì thế chắc chắn cuộc tấn công sẽ đạt tiến triển. Tuy nhiên, công nghệ hiếm khi đóng vai trò quyết định trong giao tranh trên bộ và không có vũ khí nào trong số những vũ khí trên có thể thay đổi kết quả cuộc tấn công năm 2023.

Chẳng hạn, tiêm kích F-16 sẽ không thể sống sót trong bối cảnh phòng không của Ukraine. Mỹ và NATO đang thay thế F-16 bằng những tiêm kích F-35 tiến tiến hơn bởi chúng quá dễ tổn thương, Mặc dù tiêm kích F-16 được hiện đại hóa kể từ khi trình làng năm 1978 và sẽ là một sự nâng cấp so với các tiêm kích MiG-29 thời Liên Xô của Ukraine nhưng một phi đội F-16 sẽ không thể mang đến lợi thế trên không cho Kiev theo cách tạo ra đột phá lớn trong giao tranh trên bộ.

Các tên lửa ATACMS có thể giúp Ukraine tấn công vào các mục tiêu sâu hơn, đặc biệt là ở Crimea và điều này sẽ làm giảm mức độ hiệu quả của hệ thống hậu cần Nga. Tuy nhiên, tất cả các vũ khí trên đều có biện pháp đối phó và Nga đã cho thấy khả năng thích nghi bằng việc nhắm vào hệ thống dẫn đường GPS mà ATACMS sử dụng để nhắm trúng mục tiêu. Hệ thống tên lửa HIMARS với tầm bắn ngắn hơn cũng có hiệu quả cao ở Ukraine khi được sử dụng lần đầu trong xung đột vào năm 2022 nhưng hiện nay nó không còn giữ được vai trò như vậy, một phần là bởi Nga đã giảm sự phụ thuộc vào những nút giao hậu cần lớn nằm trong tầm bắn của vũ khí này. Bên cạnh đó, Moscow cũng đã học được cách gây nhiễu tín hiệu GPS mà cả hai hệ thống tên lửa đều sử dụng để dẫn đường.

Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất và xe tăng Leopard 2 của Đức cung cấp cho Ukraine vượt trội hơn hẳn so với các xe tăng thời Liên Xô của Kiev như T-64 và T-72. Trên thực tế, các xe tăng Leopard 2 thể hiện khả năng tốt nhưng không phải là vũ khí bất khả chiến bại. Trong số chưa tới 100 xe tăng Leopard 2 đang hoạt động ở Ukraine, ít nhất 26 xe tăng đã bị phá hủy trong khi số khác không thể sử dụng do các vấn đề sửa chữa và bảo trì.

Giống như tất cả xe tăng, Leopard 2 và Abrams phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ với bộ binh, pháo binh và công binh để sống sót trên chiến trường và cần có sở hạ tầng hỗ trợ mở rộng để duy trì khả năng chiến đấu. Ukraine đã không thể cung cấp những điều này trong năm 2023. Những chiếc xe tăng Leopard 2 dẫn đầu các cuộc tấn công mùa hè nhưng hầu như tạo được rất ít tiến triển. Mặc dù số lượng xe tăng hiện đại nhiều hơn sẽ giúp ích cho Ukraine nhưng chúng không đóng vai trò quyết định.

Những người khác cho rằng vấn đề ở đây liên quan đến một cuộc cách mạng quân sự rộng lớn hơn, trong đó công nghệ mới được cho là khiến chiến trường trở nên quá nguy hiểm để thực hiện các cuộc tấn công thành công, bất kể là bằng máy bay chiến đấu F-16, tên lửa ATACMS hay xe tăng Abrams. Máy bay không người lái, vệ tinh giám sát và vũ khí chính xác đều là những công nghệ được hầu hết các nhà quan sát hiện nay nhấn mạnh.

Ukraine vỡ mộng phản công

Một số người nhấn mạnh đến việc huấn luyện và quá trình ra quyết định. Các lữ đoàn mà Ukraine đưa vào chiến đấu trong cuộc phản công mùa hè chủ yếu đều thiếu kinh nghiệm và chỉ được phương Tây huấn luyện trong 5 tuần trước khi chiến đấu. Khoảng thời gian 5 tuần quá ít ỏi để nắm vững được những nội dung phức tạp của tác chiến hiện đại.

Một số quan chức Mỹ cũng tin rằng Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã làm suy giảm sức mạnh chiến đấu bằng cách chia nỗ lực của mình ra ba mặt trận thay vì một hướng tấn công duy nhất, khiến quân đội trên mỗi mặt trận quá yếu để có thể tiến công. Do sự phân tán nỗ lực và việc huấn luyện hạn chế các đơn vị chủ chốt, Ukraine không có khả năng sử dụng các phương tiện theo ý mình một cách hiệu quả.

Khả năng phục hồi của hệ thống phòng thủ sâu và được chuẩn bị sẵn trong chiến tranh hiện đại của Nga cũng khiến Ukraine rất khó có thể đạt đột phá mang tính quyết định sớm. Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine - Tướng Valery Zaluzhnyi mặc dù thừa nhận xung đột đang bế tắc song tin rằng công nghệ mới có thể giúp Kiev đạt đột phá.

Giới quan sát cho rằng, ông Valery Zaluzhnyi đã nói đúng ý đầu tiên nhưng có lẽ ý thứ hai thì không như vậy. Hiếm có vũ khí nào có thể giúp một bên giành chiến thắng trong tác chiến trên bộ. Khó khăn trong việc điều động tấn công năm 2023 không phải là do công nghệ và không có công nghệ mới nào có thể đảo chiều thực tế đó.

Sự thích nghi của đối phương, cũng như sự phổ biến của việc ẩn nấp và che giấu trên mặt đất đã hạn chế khả năng của các loại vũ khí mới để xuyên thủng các phòng tuyến vững chắc. Hệ thống phòng thủ của Nga hiện nay là một hệ thống như vậy. Tương lai của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây, nhưng ngay cả khi tiếp tục viện trợ, giao tranh có thể vẫn là một cuộc xung đột tiêu hao trong thời gian dài sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại