Ấn Độ là quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ nhận được các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-400 Triumf do Nga sản xuất.
Theo thông báo, hợp đồng cung cấp S-400 Triumf được Nga ký với Ấn Độ có giá trị lên tới 5,4 tỷ USD, New Delhi sẽ nhận được tổng cộng 5 trung đoàn hệ thống phòng không tối tân này.
Dự kiến tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Ấn Độ vào năm 2020, khi New Delhi hiện đã chuyển một phần tiền đặt cọc để thanh toán cho phía Nga.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, sau khi tiếp nhận hệ thống S-400 đầu tiên thì Ấn Độ sẽ triển khai tại khu vực giáp biên giới Pakistan hoặc Trung Quốc để đối phó với các nguy cơ trong tương lai.
Tuy nhiên mới đây đã có diễn biến rất bất ngờ, khi trang Avia của Nga cho biết khả năng cao là sau khi tiếp nhận, Ấn Độ sẽ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tổ hợp S-400 cho Israel để tiến hành nghiên cứu.
Mục đích của New Delhi được chỉ ra đó là họ muốn nhờ Israel tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của vũ khí này để từ đó đưa ra được biện pháp đối phó hiệu quả nhất.
Sở dĩ Ấn Độ phải làm vậy vì họ đã chậm chân hơn Trung Quốc khá lâu trong việc khai thác tính năng của S-400, thông qua quốc gia có tiềm lực khoa học kỹ thuật tiên tiến như Israel thì khoảng cách này có thể bị xóa nhòa.
Israel có thể giúp Ấn Độ nâng cấp hoặc chí ít là phát huy tối đa năng lực của S-400 Triumf, đồng thời chỉ ra cho New Delhi biết những điểm yếu để đánh bại S-400 nếu nổ ra xung đột với Trung Quốc.
Còn đối với Israel, lời đề nghị từ Ấn Độ thực sự là món quà quý giá đối với họ, thông qua việc "mổ xẻ" S-400 thì Tel Aviv có thể ngay lập tức đề ra biện pháp qua mặt các hệ thống phòng không của Iran hay Syria một cách hiệu quả nhất.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga, Ấn Độ cũng như Israel đều chưa đưa ra bình luận về thông tin được trang Avia đăng tải, nhưng nếu điều này xảy ra thì rõ ràng Nga đang phải đối diện mối nguy cực lớn.
Nếu Israel có quyền truy cập vào các công nghệ lõi của S-400, điều này sẽ trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng đối với Nga và các đồng minh, bởi vì những bí mật bị khai thác gần như chắc chắn sẽ được chuyển giao cho Mỹ.
Nga có thể lựa chọn giải pháp đưa vào hợp đồng điều khoản cấm Ấn Độ chuyển giao S-400 cho quốc gia thứ ba, nhưng điều này cũng chẳng có mấy tác dụng khi chuyên gia Israel có thể nghiên cứu S-400 ngay tại quốc gia Nam Á.
Còn nếu như Nga cắt giảm tính năng của S-400 bán cho Ấn Độ thì họ lại đứng trước nguy cơ không bán thêm được vũ khí này nếu nhận những lời chỉ trích về tính năng từ New Delhi.
Hủy bỏ hợp đồng cung cấp S-400 cho Ấn Độ cũng là điều bất khả thi, bởi ngoài việc mất số tiền cực lớn thì Nga còn phải bỏ thêm tiền ra để đền bù cho New Delhi.
Nếu đúng, hành động này của Ấn Độ bị đánh giá là "cú đâm sau lưng" đối với Nga, và xét ra thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, có lẽ New Delhi cũng đang muốn trả đũa Matxcơva sau nhiều lần bị chèn ép trong các hợp đồng mua bán vũ khí trước đây.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-dieng-nguoi-khi-an-do-du-dinh-lap-tuc-chuyen-giao-s400-cho-israel-mo-xe/832535.antd#p-1