Biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm
Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/10 đã đề xuất với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rằng Moscow có thể xuất khẩu nhiều khí đốt hơn qua Thổ Nhĩ Kỳ và biến nước này thành một "trung tâm" cung cấp khí đốt mới, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đòn bẩy năng lượng của Nga đối với châu Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Putin
Tại một cuộc họp ở Kazakhstan, ông Putin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là con đường đáng tin cậy nhất để cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu và có thể sẽ có một nền tảng cho phép định giá năng lượng mà không bị các yếu tố chính trị ảnh hưởng.
Nga cũng đang tìm cách chuyển nguồn cung cấp khí đốt khỏi các đường ống dẫn khí Nord Stream, các đường ống này bị hư hại trong các vụ nổ hồi tháng trước mà nguyên nhân các vụ nổ vẫn đang được điều tra. Các bên vẫn đang đổ lỗi lẫn nhau vì sự cố lần này mà chưa bên nào đưa ra bằng chứng.
Tổng thống Nga Putin nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành "một nơi không chỉ để cung cấp (khí đốt) mà còn để định giá, bởi vấn đề định giá là điều rất quan trọng."
"Ngày nay, những mức giá khí đốt này đang cao ngất. Chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh chúng dựa theo thị trường mà không bị các yếu tố chính trị nào làm ảnh hưởng," ông Putin cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không bình luận về đề xuất này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov
Tuy nhiên, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, tổng thống 2 nước đã hạ lệnh kiểm tra nhanh chóng và chi tiết về các ý tưởng này.
Nga đã cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu trước sự kiện hồi tháng 2 ở Ukraine. Tuy nhiên, nước này cũng đã cắt giảm mạnh dòng chảy này ngay cả trước khi các sự cố xảy ra ở Nord Stream. Lý do cắt giảm dòng chảy khí đốt được Nga đưa ra là do các vấn đề về kĩ thuật nảy sinh từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian
Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - là rất quan trọng với Nga vào thời điểm mà nhiều nước phương Tây áp đặt nhiều cấm vận lên Moscow, trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia vào các động thái này của phương Tây. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Ảnh: Reuters
Ông Erdogan đã tìm cách làm trung gian giữa Moscow và Kiev và đạt được thành tựu đột phá vào hồi tháng 7 khi Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với Liên Hợp Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận cho phép nối lại các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc thương mại của Ukraine từ các cảng biển Đen mà Nga đã phong tỏa.
Ông Erdogan nói với ông Putin rằng: "Chúng tôi quyết tâm tăng cường việc chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga sang các nước kém phát triển hơn thông qua Thổ Nhĩ Kỳ."
Các quan chức Nga cũng đã nói trước cuộc họp rằng họ sẵn sàng nghe các đề xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ về việc tổ chức những cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến Nga và phương Tây.