Quyền lực ấn định giá năng lượng
Sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Với Nga, các lợi ích bao gồm việc bán năng lượng và vũ khí, các khoản đầu tư và sự kết nối với một quốc gia thành viên NATO.
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, các lợi ích bao gồm năng lượng giá rẻ, một thị trường rộng lớn, khách du lịch từ Nga và quan trọng hơn là Moscow “ngầm đồng ý” với các nỗ lực của Ankara nhằm vào người Kurd ở Syria.
Sau khi các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 bị rò rỉ do các vụ nổ hồi tháng trước, Nga cho rằng các ngả qua Thổ Nhĩ Kỳ có thể là lộ trình tốt nhất để định tuyến lại việc cung cấp khí đốt sang châu Âu. Các vụ nổ hiện vẫn đang được điều tra.
“Nếu có sự quan tâm từ Thổ Nhĩ Kỳ và các khách hàng tiềm năng ở các nước khác, chúng tôi có thể cân nhắc khả năng xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí đốt và thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để bán khí đốt cho các nước khác, các nước thứ ba, tất nhiên các nước châu Âu vẫn là ưu tiên nếu họ quan tâm đến việc này”, Tổng thống Putin cho biết tại cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể đem lại cho Ankara “quyền lực” trên các thị trường quốc tế trong khi giúp Nga bán khí đốt sang châu Âu qua một bên trung gian. Tổng thống Putin cho rằng việc thành lập một trung tâm như vậy là một đề nghị hấp dẫn vì nó có thể đem lại cho cả 2 bên thêm quyền lực định giá.
“Chúng ta có thể điều chỉnh giá ở mức thị trường thông thường mà không phải chịu bất cứ ảnh hưởng chính trị nào”, ông Putin nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không bình luận về đề xuất này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cả 2 nhà lãnh đạo đều đã chỉ đạo “làm việc chi tiết và nhanh chóng” để đưa ra đánh giá về ý tưởng nêu trên.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez nói, đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tạo ra một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ là thực tế, có thể thực hiện được.
“Đề xuất này của Tổng thống Nga Putin phải được thảo luận toàn diện nhưng tôi cho rằng, nó có thể thành hiện thực. Nga đã thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng thành công trước đó”, ông Fatih Donmez bình luận.
Tuy nhiên, theo ông Donmez, hiện còn quá sớm để khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện chính xác hay không, vì đây là vấn đề mới đối với Ankara.
“Chúng tôi phải thảo luận về pháp lý, kinh tế, thời điểm và kỹ thuật. Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc rất tích cực với Nga. Trước đây, Nga đã triển khai các dự án công nghệ lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi là đối tác rất đáng tin cậy”, ông Donmez nói, đồng thời cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ có các thỏa thuận khí đốt dài hạn với các nước trong khu vực.
Dự án khó khả thi?
Theo New York Times, các đề xuất của Tổng thống Putin có vẻ khá mơ hồ, và nhà lãnh đạo Nga dường như đang tìm cách khôi phục một phiên bản Dòng chảy phương Nam – dự án đường ống dẫn khí đốt qua Biển Đen tới Nam Âu mà ông đã hủy bỏ năm 2014 do dự phản đối từ Liên minh châu Âu và Mỹ. Sau khi hủy dự án này, Nga đã xây dựng một đường ống nhỏ hơn tới Thổ Nhĩ Kỳ - một khách hàng lớn mua khí đốt Nga, và cung cấp khí đốt tới Hungary và các nước khác qua tuyến này.
Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng đặt câu hỏi về tính khả thi của ý tưởng ông Putin đưa ra, cho rằng khó có khả năng EU sẽ phê duyệt một đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga sang châu Âu.
Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu khí đốt tại Wood Mackenzie, một công ty tư vấn ở Edinburgh, nói rằng các đường ống hiện tại đã đảm bảo đủ công xuất vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu.
“Ý tưởng Châu Âu cần thêm đường ống nữa để nhận khí đốt Nga là không phù hợp”, ông Odoardo nhận định.
Do việc mua bán khí đốt giữa Nga và châu Âu bị ảnh hưởng vì xung đột ở Ukraine, Điện Kremlin đang tìm cách để chuyển doanh số bán khí đốt sang châu Âu tới các nước khác.
Hôm 10/10, Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ sớm bắt đầu xây dựng một đường ống mới tới Trung Quốc./.