Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này sẽ áp đặt trừng phạt đối với những đại diện của cơ quan thực thi luật pháp và tổ chức thương mại của EU cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đại diện của các thể chế EU liên quan đến các vụ truy tố quan chức Nga và những người có nhiệm vụ thu thập tài liệu liên quan việc tịch thu tài sản của nhà nước Nga. Trong danh sách trừng phạt còn có các quan chức của Hội đồng châu Âu (EC), các thành viên của hội đồng lập pháp các nước EU, các thành viên của Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE).
Trước đó, ngày 21/2, EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Gói trừng phạt mới này nhằm vào gần 200 thực thể và cá nhân của Nga, nhưng không có các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực mới. Dự kiến, gói trừng phạt này sẽ chính thức được phê duyệt trong ngày 24/2.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào hơn 500 mục tiêu ở Nga vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ ba. Các lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, cơ sở công nghiệp quốc phòng và mạng lưới mua sắm quốc phòng của Nga. Theo Bộ Tài chính Mỹ, đây là gói trừng phạt lớn nhất mà nước này áp đặt đối với Moskva kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022.