Nga đào hào, dựng phòng tuyến “ghìm chân” Ukraine trên các mặt trận

Hoàng Phạm |

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Nga đang dựng một hệ thống phòng tuyến và chiến hào nhằm làm chậm đà tiến của Ukraine trên các mặt trận.

Nga đào hào, dựng phòng tuyến gần Popasna. Ảnh: NY Times

Nga đào hào, dựng phòng tuyến gần Popasna. Ảnh: NY Times

Trong ảnh vệ tinh mới được New York Times đăng tải, có thể thấy ít nhất 5 phòng tuyến Nga xây dựng nhằm bảo vệ Popasna, một thị trấn ở Lugansk mà Moscow kiểm soát được từ tháng 5. Các công sự được thiết kế để “bẫy” các phương tiện Ukraine vào đường hẹp, khiến chúng dễ trở thành mục tiêu của tên lửa và pháo binh.

Theo phân tích dữ liệu radar vệ tinh, đây chỉ là một phần nhỏ trong mạng lưới phòng tuyến của Nga trải rộng khắp Ukraine. Các công trình này có thể giúp Nga có thêm thời gian để huy động và huấn luyện binh sỹ bổ sung nhằm giành lại động lực trong cuộc xung đột hiện nay.

Nga “thần tốc” đào hào, dựng phòng tuyến

Các chiến hào không phải là điều xa lạ ở Ukraine. Tác chiến chiến hào vẫn là một đặc trưng của chiến trường Donbass, miền Đông Ukraine. Binh lính Ukraine chiến đấu từ các chiến hào bên phòng tuyến của họ gần Popasna, trong khi Nga đang tiến hành chiến dịch nhằm đẩy đối phương khỏi thành phố Bakhmut.

Tuy nhiên, tốc độ và quy mô xây dựng của Nga trong vài tháng qua là rất đáng ngạc nhiên. Tất cả các cấu trúc nhìn thấy được trên ảnh vệ tinh xuất hiện trong vòng 6 ngày.

Các công sự mới cho thấy Nga đang tìm cách thiết lập các vị trí vững chắc hơn, có khả năng phòng thủ nhiều hơn trước sức ép từ Ukraine, bên cạnh sự trợ giúp từ các rào cản tự nhiên như các con sông.

Tháng trước, Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ ở phía Nam, trong đó có cả thành phố Kherson, thủ phủ khu vực cùng tên, buộc quân đội Nga phải rút sang bên kia sông Dnipro. Con sông này đóng vai trò như một hàng rào tự nhiên. Nga cũng đã xây dựng hàng loạt chướng ngại vật ở bờ phía Nam nằm ngăn Ukraine vượt sông.

Trong số các công trình phòng thủ có các chướng ngại vật bê tông hình kim tự tháp trải dài hàng km, còn được gọi là “ răng rồng ” và các rãnh sâu được gọi là “bẫy xe tăng”. Cả 2 đều được thiết kế nhằm làm chậm đà tiến của các phương tiện phía Ukraine, đẩy chúng vào vị trí mà các lực lượng Nga có thể nhắm mục tiêu.

Nga cũng đang xây dựng các chiến hào, công sự bê tông ngầm – một cấu trúc nhỏ để binh sỹ ẩn nấp bên trong khai hỏa ra ngoài.

Các công sự nêu trên có thể làm chậm đà tiến của Ukraine, nhưng chúng chỉ phát huy hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Theo ông Philip Wasielewski, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nếu các vị trí đó không có người, chúng chỉ hữu dụng trong trường hợp Nga rút quân có trật tự, một trong những hoạt động chiến thuật khó tiến hành nhất.

“Không có gì đảm bảo các binh sỹ sẽ ở trong các công sự đó. Chúng sẽ chỉ là các hố sâu trên mặt đất nếu không có binh bính, được hỗ trợ với pháo binh, lực lượng dự bị cơ động và hậu cần”, ông Wasielewski nói.

Giành lợi thế phòng thủ nếu Ukraine phản công

Dữ liệu radar vệ tinh về những thay đổi vật lý trên mặt đất, cùng với ảnh vệ tinh độ phân giải cao từ Planet Labs cho thấy nhiều chiến hào, phòng tuyến mới nằm dọc các đường cao tốc chính ngay sau tiền tuyến của Nga.

Nga vẫn duy trì thế tấn công gần Bakhmut và dần tiến về phía Đông và Nam thành phố trong 2 tuần qua. Các công trình mới giúp Nga có lợi thế phòng thủ nếu Ukraine phản công.

Nga đào hào, dựng phòng tuyến “ghìm chân” Ukraine trên các mặt trận - Ảnh 1.

Có thể thấy ít nhất 5 phòng tuyến Nga xây dựng nhằm bảo vệ Popasna, một thị trấn ở Lugansk mà Moscow kiểm soát được từ tháng 5. Ảnh: Planet Labs/NYTimes

Mặc dù tác chiến chiến hào gắn liền với các cuộc chiến lớn của thế kỷ 20, nhưng các chiến hào và chướng ngại vật vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong tác chiến hiện đại bằng cách quyết định nơi đối phương có thể tấn công, ông Ben Barry, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược nhận định.

“Toàn bộ ý tưởng của các vị trí phòng thủ là nhằm giành lợi thế nhờ vào khả năng chiến đấu từ các vị trí đã chuẩn bị sẵn”, ông Barry cho hay.

Tuy nhiên, các chiến hào cũng có điểm yếu hiện đại. Nhiều chiến hào được xây dựng ngoài trời, nằm trong tầm bắn của pháo binh Ukraine, khiến chúng đặc biệt dễ bị UAV phát hiện.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định, việc xây dựng các phòng tuyến quá gần lực lượng Ukraine cũng có thể dẫn tới thương vong nặng nề cho Nga gần thị trấn Svatove ở Đông Ukraine.

Bảo vệ các tuyến hậu cần

Một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) công bố cuối tháng 11 cho thấy Nga cũng xây các vị trí phòng thủ sâu vào phía Nam Kherson từ tháng 10, trước khi ra lệnh rút khỏi bờ Bắc sông Dnipro.

Các công sự của Nga ở Kherson cách sông Dnipro hơn 80km, cách xa tiền tuyến hơn so với các công sự ở Đông Ukraine.

Nga đào hào, dựng phòng tuyến “ghìm chân” Ukraine trên các mặt trận - Ảnh 2.

Các công sự mới của Nga ở Kherson. Ảnh: Maxar/NYTimes

Các chuyên gia quân sự cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ tập trung phòng thủ ở Kherson để có thể tái bố trí lực lượng tới các mặt trận tích cực hơn trong cuộc xung đột hiện nay, chẳng hạn như Bakhmut.

Quân đội Ukraine đã thực hiện một cuộc đổ bộ lên Mũi Kinburn, một bán đảo có tầm quan trọng chiến lược ở cửa sông Dnipro. Mũi Kinburn có thể đóng vai trò là căn cứ cho các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong Kherson. Vì vậy Nga đã củng cố chặt chẽ một dải đất rộng hơn 3km ngăn cách mũi đất này với đất liền.

Nhiều công sự cũng được thiết kế để bảo vệ các tuyến tiếp tế nối phía Nam Kherson với Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014. Cứ mỗi 8km lại có một vị trí phòng thủ trên đường cao tốc M14 chạy từ Kherson đến Melitopol, một thành phố ở vùng Zaporizhia mà Nga kiểm soát được từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Theo ISW, việc mất đi dù chỉ một trong hai đường cao tốc chính cũng có thể gây căng thẳng cho các hoạt động hỗ trợ hậu cần của Nga ở phía Đông Kherson và phía Tây Zaporizhia./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại