Nga giành thêm đất, Ukraine về vạch xuất phát ở nhiều nơi
Nga đã tái chiếm những vùng đất mà lính Ukraine phải khó nhọc mới giành được vào đỉnh cao của chiến dịch phản công mùa hè 2023 ở miền Nam. Với những diễn biến mới, Nga đã tiến xa thêm quanh khu vực ngôi làng Robotyne ở miền Nam.
Thực tế khắc nghiệt mới nhất của quân Ukraine như sau: Với chiến dịch phản công của mình khựng lại, quân Ukraine đã bị đẩy lui về nhiều vị trí xuất phát. Ngoài Robotyne ở miền Nam, quân đội Ukraine còn phải vật lộn ở miền Đông, phải rút khỏi thị trấn Marinka.
Tình hình quanh ngôi làng Robotyne (ở tỉnh Zaporizhzhia) là trường hợp điển hình.
Các lữ đoàn Ukraine được phương Tây huấn luyện và trang bị đã tái chiếm ngôi làng này vào tháng 8/2023 sau nhiều tuần giao tranh. Nhưng Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, có trụ sở ở Washington) hôm 27/12 cho biết, các lực lượng Nga giờ đã tái chiếm các vị trí mà Ukraine chiếm được trong cuộc phản công trước đó.
Quân Nga gần đây đã xốc tới từ phía Tây Nam và phía Đông, xuất phát từ Verbove, một ngôi làng gần đó mà quân Ukraine đã cố gắng chiếm không thành công vào mùa hè để mở rộng khúc lồi họ tạo ra trong phòng tuyến của Nga, theo ISW và các bản đồ nguồn mở về chiến trường.
Bản đồ nguồn mở cho thấy lực lượng Nga đã tái chiếm vài kilomet vuông ở sườn ngôi làng Robotyne. Oleksandr Tarnavskyi - tư lệnh lực lượng Ukraine ở miền Nam, thừa nhận với BBC hôm 27/12 rằng “tình hình trong khu vực chúng tôi là cực kỳ khó khăn”.
Evgeny Balitsky - tỉnh trưởng Zaporizhzhia (do Nga bổ nhiệm) nói với truyền hình Nga trong tuần này rằng ông hy vọng binh sĩ Nga sẽ mau chóng chiếm lại Robotyne và tới được vạch xuất phát của chiến dịch phản công do Ukraine phát động. Nếu Nga đạt được điều này thì đây là một đón giáng mạnh vào tinh thần của Ukraine.
Robotyne là một trong những thành công hiếm hoi của Ukraine trong chiến dịch phản công. Việc Ukraine chiếm được ngôi làng này một cách vô cùng khó nhọc cho thấy mức độ khó khăn mà Kiev đối diện trong nỗ lực chọc thủng phòng tuyến sâu rộng của người Nga.
Trong bối cảnh binh sĩ Ukraine kiệt sức sau nhiều tháng kịch chiến, Nga đang gia tăng áp lực dọc tiền tuyến nhằm làm giảm năng lực của Ukraine luân chuyển quân và bổ sung lực lượng cho các cuộc phản công trong tương lai, theo Jack Watling - một nghiên cứu viên và chuyên gia về tác chiến lục quân tại Viện Liên quân chủng ở Anh.
Ông Watling trả lời phỏng vấn qua điện thoại mới đây: “Người Nga sẽ có lợi thế trong vài tháng tới”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov mới đây cảnh báo phương Tây rằng nếu họ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ các vũ khí sát thương tầm xa được Ukraine sử dụng trong xung đột vũ trang với Nga, từ đó làm leo thang xung đột và lôi NATO xích lại gần bờ vực đối đầu quân sự trực diện với nước Nga.
Các loại vũ khí sát thương nguy hiểm mà Ngoại trưởng Nga đề cập bao gồm bom đạn chùm và đạn pháo urani nghèo.
Ukraine bế tắc và lo tiếp tục mất thêm đất
Trước thực tế ảm đạm nói trên, Ukraine đang ngày càng lo lắng rằng quân đội của họ sẽ không có đủ nguồn lực để duy trì chiến đấu. Washington hôm 27/12 thông báo rằng họ đang gửi cho Kiev gói viện trợ quân sự cuối cùng còn lại được Quốc hội Mỹ thông qua.
Yehor Chernev - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Quốc hội Ukraine về An ninh, quốc phòng và tình báo, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn mới đây: “Giờ chúng tôi mới chỉ mất một vái cánh đồng, nhưng nếu viện trợ của Mỹ bị trì hoãn, chúng ta sẽ bắt đầu mất thêm các thị trấn, thành phố… Không có đạn dược Mỹ, chúng ta bắt đầu mất các lãnh thổ phải khó nhọc lắm chúng ta mới giành được vào mùa hè vừa qua”.
Quân đội Ukraine cho biết, binh sĩ của họ đang đối mặt tình trạng thiếu thốn các thiết bị và đạn dược quan trọng. Một vài binh lính và chỉ huy Ukraine cho biết, tình trạng khan hiếm này đẩy họ đến chỗ phải giảm quy mô tác chiến và chuyển sang chiến lược phòng ngự. Nhiều đơn vị Ukraine đã phải giảm cường độ bắn pháo tới 5 lần.
Nghiên cứu viên Jack Watling cho rằng động lực chiến trường vẫn có thể thay đổi nếu các đồng minh của Ukraine tiếp tục gửi thêm vũ khí cho nước này.
Trong khi đó, nghị sĩ Ukraine, Chernev, nói: “Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào mức độ Quốc hội Mỹ nhanh chóng bỏ phiếu thông qua gói viện trợ cho Ukraine”.
Trong nhiều tuần qua, các nghị sĩ đảng Cộng hòa (Mỹ) tỏ ra lưỡng lự trong duy trì viện trợ cho Ukraine khi cuộc xung đột chuẩn bị bước sang một năm mới nữa - điều này đã ngăn chặn các kế hoạch của Washington gửi thêm cho Kiev viện trợ quân sự. Tuần trước Quốc hội Mỹ từ chối thông qua gói viện trợ quân sự 50 tỷ USD cho Ukraine, khiến việc đàm phán bị đẩy hẳn sang năm tới (2024).
Gói viện trợ cuối cùng và mới nhất của Mỹ cho Ukraine, trị giá 250 triệu USD, bao gồm đạn pháo, vũ khí phòng không, tên lửa chống máy bay và chống tăng, cùng đạn dược cho vũ khí nhỏ. Gói này đáp ứng tình trạng thiếu thốn trước mắt của Ukraine trong một chừng mực nào đó nhưng xét tổng thể, Ukraine vẫn đối diện với tương lai bất định.
Không rõ liệu Ukraine sẽ tiếp tục nhận thêm viện trợ từ Mỹ hay không, và nếu có thì khi nào.
Nghị sĩ Ukraine, Yehor Cherniev, nói rằng gói viện trợ nói trên “chỉ nhằm giúp Ukraine duy trì chiến đấu thêm một thời gian ngắn nữa và không thể thay đổi tình hình trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine hoặc giúp họ kháng cự hiệu quả”.
Viện trợ tài chính từ riêng Mỹ đã chiếm khoảng 1/3 ngân sách của Ukraine hiện nay. Các quan chức Ukraine cảnh báo, nếu thiếu các gói tài chính mới, một số khoản lương và thanh toán xã hội của nước này sẽ bị tác động ngay từ tháng 1/2024.
Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây nói rằng ban lãnh đạo quân đội nước này đã trình kế hoạch huy động thêm 500.000 lính cho cuộc đối đầu quân sự với Nga. Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết, việc này có thể tiêu tốn kinh phí lên tới khoảng 13 tỷ USD và ông tự hỏi, sẽ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhii Marchenko nói với Forbes vào hôm 27/12 rằng Ukraine “đã cạn kiệt nội lực, không còn sức để cung cấp tài chính cho nhu cầu quân sự”. Ông Marchenko nói thêm: “Chúng tôi không loại trừ sẽ phải gắng sức tìm thêm các nguồn tài chính từ bên trong”.