Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 9/2 đưa tin, bên cạnh ý định giành giật quyền kiểm soát cổ phần tại các doanh nghiệp và dự án, các ngân hàng của Trung Quốc còn ép khách hàng Nga phải đóng tài khoản.
Truyền thông Nga nhận định, Bắc Kinh đang lợi dụng tình trạng khó khăn của Moscow để trục lợi, biến tướng thành "chung tay với phương Tây trừng phạt Nga", khiến chính sách tiếp cận của Nga với Trung Quốc gần như thất bại.
Chính sách "cầu viện" Trung Quốc thất bại
Sự thân cận của Nga với Trung Quốc bắt đầu từ sau hàng loạt biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt với Moscow sau cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng ngày càng nhiều người Nga thất vọng rằng Bắc Kinh không thể thay thế hoàn toàn phương Tây.
Trung Quốc không thể cung cấp cho Nga giá trị quan, kinh nghiệm quản lý, công nghệ cao, đặc biệt là các khoản vay tài chính một cách hiệu quả.
Mặc dù truyền thông Nga không còn đưa tin liên tục về "mối đe dọa Trung Quốc" như nhiều năm trước đó, nhưng những tiếng nói bất mãn với Bắc Kinh vẫn xuất hiện.
Một số chính khách, quan chức cũng như giới doanh nhân Nga gần đây nhận định chính sách tiếp cận Trung Quốc của Nga đang bị thất bại.
Theo đó, trước khi bị phương Tây cấm vận, mặc dù Nga cũng có động thái "Hướng Đông", song các quan chức và doanh nghiệp nước này không tin tưởng Trung Quốc.
Trước 2014, duy trì và phát triển quan hệ với Trung Quốc là công cụ để Moscow gây áp lực trên bàn nghị sự với châu Âu trong lĩnh vực giá năng lượng.
2015 được đánh giá là năm mà quan hệ giữa chính phủ Nga-Trung đạt được những bước tiến lớn, đặc biệt có lợi cho Trung Quốc.
Song phương đã ký kết thỏa thuận cho phép kế hoạch "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu của Nga tìm được "điểm kết nối".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của mỗi bên tỏ chức.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã giúp Nga trong dự án lắp đặt đường dây điện dưới biển để cấp điện cho Crimea, giải quyết tình trạng khủng hoảng năng lượng ở bán đảo này.
Bất chấp điều đó, quan hệ song phương vẫn bị đánh giá là bấp bênh.
Các ngân hàng Trung Quốc bị chỉ trích gây khó dễ và chèn ép doanh nghiệp Nga (Ảnh minh họa)
Nga cảm thấy bị Trung Quốc xem thường?
Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 11/2 cho hay, nhiều quan chức Nga ban đầu cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể chỉ đạo các doanh nghiệp của họ ký kết hợp đồng với Nga, nhưng trên thực tế Bắc Kinh lại rất thận trọng với sự "xoay trục" của Nga.
Dù giá dầu giảm sâu trong năm ngoái khiến giá trị tài sản của Nga đi xuống, nhưng quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Nga chỉ chiếm 0.7% tổng kim ngạch đầu tư của quốc gia này ở nước ngoài. Quy mô thương mại song phương cũng "bốc hơi" khoảng 1/3.
Trong khi đó, truyền thông Nga cho rằng chính phủ Trung Quốc "không hữu nghị" với Nga khi là nước duy nhất trong các đối tác của Moscow áp đặt nhiều hạn chế đối với lĩnh vực xuất khẩu lương thực của Nga.
Trung Quốc chỉ cho phép một số khu vực nhất định của Nga được phép xuất lương thực sang nước này, đồng thời đặt ra yêu cầu về bao bì.
Điều này khiến phía Nga cảm thấy "bị xem thường", còn giao dịch lương thực với Trung Quốc trở thành mối quan hệ "lỗ vốn".
Tương tự, do hiện tại Nga không thể mua được các phụ kiện, thiết bị điện tử từ phương Tây để phục vụ ngành hàng không vũ trụ của họ, giá các mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc đã tăng vọt.
Trong một số vụ thương lượng các dự án hay sáp nhập doanh nghiệp Nga, các đại diện Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm dành được "phần hơn", cụ thể là hơn 50% cổ phần.
Tuy nhiên, chính phủ Nga hiện tại vẫn tỏ thái độ cứng rắn và không muốn "nhường địa bàn" vào tay Trung Quốc, khiến các cuộc đàm phán trên kéo dài dai dẳng và không thể đạt được nhận thức chung.
Nghị sĩ Nga: Trung Quốc "thừa cơ cháy nhà để ăn cướp"
Trong khi duy trì quan hệ với Moscow, điều khiến Bắc Kinh e ngại là sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm Trung Quốc bị "vạ lây" ở những vấn đề họ xem là lợi ích quan trọng.
Báo chí Nga chỉ trích các ngân hàng Trung Quốc hết sức chú trọng quan hệ với Mỹ và ở một mức độ nào đó "đã gia nhập hàng ngũ các nước trừng phạt Nga".
Các doanh nghiệp Nga bất mãn vì ngân hàng Trung Quốc "tìm mọi cách để không cho vay tiền", thậm chí ép các khách hàng từ Nga phải đóng tài khoản.
Dù vậy, truyền thông chính thống Trung Quốc nói rằng, những báo cáo từ Nga nói rằng doanh nghiệp Nga rút tiền khỏi các ngân hàng Trung Quốc hay tài sản của nhà băng Trung Quốc tại Nga sụt giảm quy mô lớn "không đúng sự thực".
Báo chí Trung Quốc tiết lộ, chỉ một bộ phận khách hàng Nga chuyển các khoản tiền lớn khỏi ngân hàng của Trung Quốc, nhưng không đề cập đến hiện tượng này xuất phát từ áp lực của phía Trung Quốc.
Dmitry Gudkov, nghị sĩ độc lập thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga nhận định, hành động của Trung Quốc là "thừa cơ cháy nhà để ăn cướp", thậm chí có thể ví với việc "đâm sau lưng" Nga.
Theo ông Gudkov: "Điều khiến người ta không thể ngờ được là, Trung Quốc cũng đang lợi dụng việc cấm vận để gây áp lực với Moscow."
Học giả Lilia Shevtsova cho rằng quan hệ Nga-Trung thiếu nền tảng căn bản
Quan hệ Nga-Trung "thiếu căn bản"
Nhà phân tích chính trị Lilia Shevtsova thuộc Trung tâm phân tích Carnegie Moscow nói rằng, nhiều nhà phân tích độc lập ở Nga nhận định nước này đã bị thiệt trong các thỏa thuận năng lượng ký kết với Trung Quốc 2 năm qua.
Tuy nhiên, theo họ, vấn đề của Nga-Trung nằm ở mối quan hệ song phương thiếu nền tảng vững chắc.
Bà Shevtsova bình luận: "Nga không chắc có thể thoát khỏi tình trạng kinh tế suy thoái trong vòng 5-7 năm sắp tới.
Do đó, mối quan hệ thân mật giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga đang khó khăn không thể là quan hệ tự nhiên và bình đẳng.
Không thể tránh khỏi tình trạng một nước yếu thế trước nước còn lại. Điều này đang thể hiện ở Nga."
Học giả người Nga cho rằng, việc người Nga xem Trung Quốc là quốc gia hữu nghị nhất hiện nay chủ yếu là kết quả từ hoạt động tuyên truyền của chính phủ và có thể thay đổi nhanh chóng theo thái độ của Điện Kremlin.