TQ muốn "giáo dục" lãnh đạo về hưu nghe theo Tập Cận Bình

Hải Võ |

Bắc Kinh vừa có động thái mới trong nỗ lực siết chặt quản lý đối với giới quan chức, lãnh đạo về hưu của nước này, nhằm buộc họ phải tuân theo Chủ tịch Tập Cận Bình.

Văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 5/2 đã ban hành "Ý kiến về tăng cường và cải tiến công tác cán bộ về hưu".

Đồng thời, Bắc Kinh ra thông báo yêu cầu các địa phương của Trung Quốc "phải quán triệt nghiêm túc và thực hiện" bản ý kiến trên.

"Ý kiến" yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng chính trị đối với các quan chức Trung Quốc về hưu, nhằm bảo đảm lớp cán bộ này tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật chính trị của ĐCSTQ.

Đồng thời, Trung Nam Hải nhấn mạnh "công tác giáo dục, hướng dẫn quan chức, lãnh đạo về hưu duy trì vai trò 'đầy tớ của nhân dân'".

Đặc biệt, Bắc Kinh muốn họ "tự giác bảo đảm tính nhất trí cao độ trong hành động và tư tưởng chính trị với trung ương dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tập Cận Bình".

Theo truyền thông Trung Quốc, người phụ trách của Ban tổ chức trung ương ĐCSTQ cho hay, bản "Ý kiến" được đưa ra nhằm siết chặt "quản lý giáo dục" quan chức, đảng viên về hưu của nước này.

Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra vài ngày sau khi truyền thông chính thống của Trung Quốc đăng tải thông tin khẳng định ông Tập Cận Bình là "lãnh đạo cốt lõi".

Theo đó, Tân Hoa Xã hôm 1/2 đưa tin về Hội nghị toàn thể lần 6 của Ủy ban kiểm tra kỷ luật khóa XII tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã dẫn lời Bí thư tỉnh ủy Giang Tô La Chí Quân tuyên bố: "Kiên quyết ủng hộ lãnh đạo cốt lõi là Tổng bí thư Tập Cận Bình".

Bên cạnh ông La, các lãnh đạo một số tỉnh khác của Trung Quốc trong nhiều tuần qua cũng công khai ủng hộ vai trò "lãnh đạo hạt nhân" của ông Tập.

Do đó, bản "Ý kiến" ban hành ngày 5/2 được cho là một động thái nhấn mạnh quyền lực mang tính chất tập trung vào cá nhân ông Tập.

Mặc dù chính sách siết chặt quản lý áp dụng chung cho toàn bộ quan chức, đảng viên Trung Quốc về hưu, song giới quan sát quốc tế phổ biến nhận định đây là sự cảnh cáo nhằm vào những người tiền nhiệm của ông Tập.

Các nhà phân tích lập luận rằng việc yêu cầu "giáo dục quan chức về hưu" cho thấy Tập Cận Bình gần như đã "đứng trên" tầm ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, một người được cho là còn nhiều quyền lực chính trị sau khi về hưu.

Thậm chí, việc cụm từ "lãnh đạo cốt lõi Tập Cận Bình" lần đầu xuất hiện trên bản tin của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng được nhận định là sự "thế vai" của ông Tập so với ông Giang.

Trong quá khứ, khái niệm "lãnh đạo cốt lõi" được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình áp dụng khi ông này đề bạt Giang Trạch Dân.

Ông Giang sau đó được gọi là "lãnh đạo cốt lõi" thế hệ thứ ba của Trung Quốc, sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Tuy nhiên, một số đánh giá gần đây cho rằng ông Tập Cận Bình đang xây dựng mô hình lãnh đạo theo hướng cá nhân hóa, giảm bớt ảnh hưởng của cơ chế lãnh đạo tập thể mà ông phải chia sẻ quyền lực với Bộ chính trị Trung Quốc.

"Ý kiến" cũng được xem là diễn biến tiếp theo, sau khi truyền thông Trung Quốc công khai hàng loạt phát ngôn đanh thép của Tập Cận Bình nhằm phiếm chỉ các nhân vật "tự xem ông đây là thiên hạ đệ nhất", "về hưu nhưng vẫn tự cho mình là Thái thượng hoàng"...

Đây đồng thời được đánh giá là "phiên bản nâng cấp" của tuyên bố cứng rắn trên báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo ngày 10/8/2015.

Khi đó, Trung Nam Hải đã lần đầu chỉ trích tình trạng lãnh đạo Trung Quốc về hưu nhưng "người đi mà muốn trà vẫn nóng", tức tình trạng thao túng chính trường. Bài xã luận gây chấn động và cũng được giới quan sát lý giải là nhằm vào Giang Trạch Dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại