Nga không mở lại căn cứ quân sự tại Cuba
Ngày 8/2, ông Aleksandr Schetinin, trưởng phòng phụ trách quan hệ với Mỹ Latin của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này không mở lại các căn cứ quân sự tại Cuba.
“Vấn đề mở lại căn cứ quân sự tại Cuba không nằm trong chương trình thảo luận của quan chức 2 nước khi gặp nhau.
Chúng tôi phát triển mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác, đầu tiên là hợp tác trong chính sách ngoại giao, sau đó là đốc thúc kinh tế và đầu tư”, ông Aleksandr Schetinin nhấn mạnh.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Moskva phủ nhận việc mở lại các căn cứ quân sự tại Cuba.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông Aleksandr Schetinin cũng lên tiếng xác nhận Moskva không có ý định mở lại căn cứ quân sự ở Cuba mặc dù vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
“Chúng tôi không có kế hoạch mở lại một căn cứ quân sự ở Cuba. Vấn đề này cũng chưa từng được bàn thảo.
Chúng tôi đang phát triển quan hệ với Cuba theo một chiều hướng hoàn toàn khác”, ông Schetinin phát biểu.
Ông Schetinin cũng nhấn mạnh, mặc dù Cuba gần đây đã nối lại quan hệ với cựu thù số một là Mỹ sau 50 năm đóng băng, nhưng các chính sách của Moskva đối với Havana sẽ vẫn duy trì một cách thân thiện như trước.
"Một số người đưa ra quan niệm cho rằng bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ đã bắt đầu, người Mỹ sẽ tới Cuba và Nga sẽ không việc làm tại đây nên việc rời đi chỉ là vấn đề thời gian. Điều đó không đúng", ông nhấn mạnh.
"Quan hệ giữa Nga và Cuba đang diễn ra theo lộ trình hoàn toàn khác", ông Schetinin cho biết thêm.
Trước đó, hồi tháng 7/2014 cũng có những tin đồn rằng, căn cứ Lourdes sẽ được mở cửa trở lại, tuy nhiên, đại sứ quán Nga ở Cuba lập tức phủ nhận điều này, khẳng định thông tin này nhằm làm xấu đi quan hệ giữa Nga và Cuba.
Chính Tổng thống Putin cũng phủ nhận việc Moscow đang cố gắng xây dựng lại căn cứ quân sự tại Cuba trong chuyến thăm chính thức nước này hồi năm 2014, khẳng định rằng, Nga vẫn đáp ứng được nhu cầu về quốc phòng ngay cả khi không có căn cứ này.
Nga không đủ sức để duy trì ảnh hưởng tại Cuba?
Thực tế Nga đã có một căn cứ do thám điện tử ở Lourdes, Cuba, từ năm 1967. Đây là căn cứ tình báo lớn nhất của Liên-xô, với khoảng 3.000 nhân sự làm việc.
Sau khi Liên-xô sụp đổ, căn cứ này đã dần thu nhỏ quy mô và đến năm 2001, thì dừng hẳn mọi hoạt động chủ yếu bởi chi phí duy trì quá cao.
Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh bị Mỹ, EU tiến hành bao vây, cấm vận về kinh tế cùng với những chảo lửa tại Trung Đông, Ukraine, Viễn Đông, Nga dường như không còn đủ sức để duy trì thêm sự hiện diện của mình tại Cu Ba và phải đưa ra quyết định không mở lại căn cứ quân sự tại đây.
Thực tế hiện nay nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn sau khi hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Moskva thời gian qua đang phải căng mình tìm kiếm các đối tác cũng như thị trường mới khỏa lấp lỗ hổng từ việc bị các nước cấm vận.
Nga không đủ sức để duy trì ảnh hưởng tại Cuba?
Nền kinh tế nước này tiếp tục bị giáng đòn mạnh khi giá đồng rúp lao dốc kỷ lục với mức 80 rúp/USD và 85,12 rúp/euro.
Chính vì thế việc duy trì thêm một căn cứ quân sự tại Cuba sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Nga vào thời điểm này.
Bên cạnh khó khăn về mặt tài chính, ở thời điểm này, điện Kremlin cũng đang phải gồng mình để chiến đấu tại nhiều mặt trận.
Mặt trận căng thẳng và gay go nhất là tại Syria.
Tham gia không kích vào phiến quân IS từ ngày 30/9/2015 theo lời đề nghị của chính quyền Assad, dù đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng và giáng nhiều đòn thù vào lực lượng khủng bố nhưng Nga kết quả đạt được vẫn chưa đủ để lập lại nền hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Bên cạnh việc phải hỗ trợ quân đội chính phủ, Điện Kremlin còn phải nhận thêm trách nhiệm tiến hành các cuộc hội đàm, thảo luận về một giải pháp chính trị tại Syria, quan trọng nhất hiện nay là đàm phán hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ngoài điểm nóng Syria, hiện nay tình hình Ukraine vẫn chưa được Nga và các nước giải quyết triệt để.
Việc thực thi thỏa thuận Minsk về ngừng bắn, lập lại hòa bình giữa hai miền Ukraine vẫn đang rất mong manh.
Bên cạnh đó, Moskva cũng đang muốn duy trì thêm ảnh hưởng tại khu vực Viễn Đông.
Rõ ràng với việc dàn quân trên nhiều mặt trận, Moskva dù có muốn cũng không có đủ sức để gia tăng ảnh hưởng của mình tại Cuba vào thời điểm này.