Xem lại phần I: Nhìn lại lịch sử để hiểu lý do thực sự Nga không kích tại Syria
Bản Hiệp ước lịch sử
Trên thực tế, hợp tác quân sự giữa Damascus và Moscow đã được hợp thức hóa năm 1980 với bản Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, trong đó, Liên Xô được ủy nhiệm bảo vệ Syria nếu nước này bị bên thứ ba tấn công.
Hiệp ước này đã thể hiện rõ vị trí chiến lược của Syria đối với Liên Xô, tạo dựng một mối quan hệ với tầm quan trọng tương đương với quan hệ của Moscow với Tiệp Khắc và Ba Lan.
Tuy nhiên, đến những năm 1990, quan hệ hợp tác hai nước đã xấu đi trông thấy do những vấn đề nội bộ của Liên Xô và khó khăn vấp phải trong việc duy trì một chính sách ngoại giao bền vững.
Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 1980 chỉ rõ Liên Xô được ủy nhiệm bảo vệ Syria nếu nước này bị bên thứ ba tấn công. Ảnh: Shutterstock
Song hơn một thập kỉ sau, rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Syria năm 2003 cũng trùng khớp với sự kiện Moscow và Damascus nối lại tình hữu nghị.
Sự hợp tác giữa Nga và Syria, đặc biệt là về kinh tế, từng bị ảnh hưởng bởi khoản nợ gần 13 tỉ USD của Damascus với Moscow. Năm 2005, hai bên đã kí kết một hiệp định miễn gần 80% khoản nợ trên, nhờ đó cũng xóa tan những bế tắc trong quan hệ hợp tác song phương.
Chính sách của Liên Xô được xây dựng trên cùng một nền tảng đạo đức với các mục tiêu ngoại giao nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng về chính trị - mục tiêu chung của mọi cường quốc - đặc biệt là trong bối cảnh mâu thuẫn vẫn nảy sinh với các kẻ địch hùng mạnh.
Một mặt, Liên Xô cố gắng hỗ trợ phong trào giành độc lập của các quốc gia Arab. Sự hỗ trợ này bắt nguồn từ niềm tin về đạo đức của Liên Xô, nơi lịch sử và kinh nghiệm chỉ ra rằng phải luôn đứng về phía những dân tộc đang đấu tranh vì độc lập.
Mặt khác, Liên Xô cũng ấp ủ nhiều tham vọng trong chính sách ngoại giao sau chiến thắng trước phát xít Đức, chấp nhận tiêu chuẩn đạo đức trên để che giấu đi những mục tiêu bành trướng đang ngày một gia tăng.
Sau khi các thuộc địa của phương Tây tan rã và nhiều nhà nước độc lập mới ra đời, thế giới Arab lại tiếp tục mở rộng cánh cửa, đón nhận những ảnh hưởng từ Liên Xô.
Năm 1944, khi Thế chiến II vẫn tiếp diễn, Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước từng nằm dưới chế độ bảo hộ của Pháp là Syria và Lebanon. Và trong 25 năm tiếp theo, nhiều mối quan hệ tương tự cũng được Liên Xô tạo dựng với các quốc gia Arab khác.
Tổng thống Syria Shukri al-Quwatli (trái) và Tổng thống Lebanon Shukri al-Quwatli (giữa) tại Beirut năm 1944. Ảnh: Syrianhistory
Sự hỗ trợ của Liên Xô đã đem lại nhiều lợi thế cho các quốc gia Arab, đặc biệt là những nước mới giành được độc lập.
Việc tuyên bố độc lập của một nước không tự động loại bỏ mọi vấn đề nảy sinh từ thời còn là thuộc địa của phương Tây, đặc biệt là khi các nước đế quốc không sẵn sàng từ bỏ vị trí của mình mà không được bồi thường xứng đáng.
Trong điều kiện ấy, các quốc gia Arab đều mong muốn được dựa dẫm vào Liên Xô.
Trong khi đó, sau khi giành được độc lập, Syria lại lên tiếng yêu cầu quân đội nước ngoài rút ra khỏi lãnh thổ, một điều không hề đơn giản và thậm chí còn dẫn đến một vài vụ giao tranh.
Tuy nhiên, Liên Xô đã đứng ra ủng hộ yêu cầu này, bởi hai nước đều có chung một mong muốn là bảo vệ an ninh biên giới, ông Caro viết.
Trong công hàm tháng 7/1945 và tại các cuộc tranh luận ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên Xô đã nhiều lần nêu ra tính cấp thiết đối với việc đáp ứng lời kêu gọi từ phía Syria, qua đó tăng thêm "sức nặng" cho yêu cầu trên.
Động thái này rất quan trọng, đánh dấu động thái can thiệp về mặt chính trị đầu tiên của Liên Xô tại khu vực Arab sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Tăng cường hợp tác
Syria trở thành đối tác chính trong khu vực của Liên Xô sau khi quan hệ giữa Liên Xô và Ai Cập trở nên nguội lạnh dưới thời Sadat.
Vị trí đối tác chính của Liên Xô trong khu vực nửa đầu những năm 1970 bắt nguồn từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ năm 1950 và lớn mạnh hơn trong thập kỉ sau đó.
Năm 1967, hợp tác giữa hai tổ chức chính trị là đảng Baath và đảng Cộng sản Liên Xô đã đánh dấu một mắt xích mới trong quan hệ giữa hai bên.
Người dân Syria giơ cao biểu ngữ "Cảm ơn, nước Nga" tại Damascus. Ảnh: AP
Dù sự kiện đảo chính đưa Hafez Assad lên nắm quyền tại Damascus từng khiến phía Liên Xô bận tâm, cảnh giác, những mối lo đó cũng nhanh chóng bị đẩy lùi.
Trong chuyến thăm Liên Xô của cựu Thủ tướng Syria Yusuf Zuayyin tháng 4/1966, hai nước đã đồng lòng lên án chủ nghĩa đế quốc và sau đó cùng nhau kí một hòa ước về việc thành lập lực lượng nòng cốt về chính trị và kĩ thuật ở Liên Xô.
Năm 1990, hơn 40.000 công dân Syria đã được trao tặng các học vị trong hệ thống giáo dục Liên Xô. Rất nhiều trong số đó sau này đã nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính phủ Syria.
Trong số 8 thành viên ban điều hành của đảng Baath trước năm 2011, hơn một nửa nói tiếng Nga. Cùng lúc đó, một trường cao học đã được xây dựng tại Damascus phỏng theo mô hình ở Moscow.
Mối quan hệ giữa Damascus và Moscow đã hình thành từ trước Chiến tranh Lạnh, và càng thêm sâu sắc sau cuộc chiến đó.
Có thể nói, Moscow có ảnh hưởng rất lớn tới sự ra đời của nhà nước Syria hiện đại. Hai nước đã hợp tác nhiều năm về chính trị cũng như văn hóa, và thật thiếu sót nếu ta phớt lờ những điều này.
Việc con trai Tổng thống Assad theo học tiếng Nga là có nguyên nhân - và nguyên nhân đó không phải vì quân đội Nga đang hiện diện tại Syria, mà vì sự gắn kết sâu sắc của Nga đối với chính trị cũng như đời sống văn hóa tại Syria trong nhiều thập kỉ qua.
Dù quan hệ ngoại giao song phương Nga-Syria từng nảy sinh nhiều vấn đề, song tình hữu nghị và hợp tác liên minh giữa hai nước sẽ còn kéo dài, bởi lịch sử quan hệ hai nước có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với chính sách của họ hiện nay.