Với phương Tây, 3 mục tiêu chính của họ tại Syria là lật đổ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, kiểm soát dòng người nhập cư, và tiêu diệt các lực lượng khủng bố, trong đó nổi bật là lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những diễn biến mới đây tại Aleppo đang đưa các mục tiêu kể trên ngày một rời xa tầm với của Mỹ và đồng minh.
Trong lúc liên minh Nga-Iran-Hezbollah cùng quân chính phủ Syria đang bao vây Aleppo, các lực lượng đối lập "ôn hòa" đang đứng trước một bước ngoặt với những hiểm họa nghiêm trọng chưa từng thấy trong suốt 5 năm nội chiến Syria.
Và theo các chuyên gia, thất bại của phe nổi dậy sẽ tạo ra một phản ứng domino, đánh sập tham vọng của phương Tây tại Syria.
"Nội chiến [Syria] đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh hoàng, với những hậu họa rõ rệt đối với 2 mối quan tâm lớn của phương Tây là vấn đề nhập cư và Hồi giáo cực đoan" - Julien Barnes-Dacey, chuyên gia Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu (ECFR), phát biểu.
Theo thống kê của LHQ, hơn 30.000 người dân đã phải sơ tán khỏi Aleppo trong vài ngày qua, khi giao tranh ngày một trở nên khốc liệt. Các quan chức LHQ cũng cảnh báo, châu Âu nhiều khả năng sẽ phải đón một lượng người nhập cư vượt mức kỉ lục năm ngoái.
"Trường hợp xấu nhất là chỉ trong một thời gian ngắn, 600.000 người tị nạn sẽ xuất hiện tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ" - Phó Thủ tướng nước này, ông Numan Kurtulmus, cho biết.
Trong khi đó, những thế lực ủng hộ chính phủ Syria là Nga và Iran nhấn mạnh, Assad tại vị là chìa khóa để chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.
Và dù vẫn cáo buộc Assad là nguyên do khiến hàng trăm nghìn người dân Syria bỏ mạng trong 5 năm qua, các nước phương Tây đang dần phải chấp nhận thực tế rằng mục tiêu lật đổ Assad dường như đã quá xa tầm với.
"Quyết tâm và sự khẩn trương trong các quyết sạch hòng lật đổ Assad giờ đã không còn nữa" - ông Barnes-Dacey nhận định.
Tuy vậy, theo chuyên gia này, đương kim Tổng thống Syria không thể có một "chiến thắng" tuyệt đối, và ông nghi ngờ khả năng Assad có thể ổn định tình hình đất nước cũng như giải quyết vấn đề khủng bố.
Trở lại với cuộc bao vây tại Aleppo, nguyên nhân chính dẫn tới đàm phán đổ vỡ tại Geneva tuần trước, các chuyên gia cho rằng phía Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cố gắng đẩy mạnh tiến trình đàm phán.
Washington hiện nay vẫn không hề mặn mà với việc đem quân tới hỗ trợ lực lượng nổi dậy, bởi họ không muốn bị cuốn vào giao tranh gián tiếp với Nga.
Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng Nhà Trắng hiện vẫn đang hi vọng Moscow và Damascus sẽ... chán chiến tranh, và hướng tới giải pháp đàm phán hòa bình.
Phương Tây đang trông chờ vào một giải pháp chính trị, với hi vọng rằng giao tranh sẽ bất phân thắng bại và các bên sẽ phải chấp thuận các điều khoản trên bàn đàm phán. Họ nghĩ rằng việc Aleppo bị oach kích chỉ là một phần của đàm phán.
Phe nổi dậy đang cố thủ bên trong Aleppo. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, phương Tây đang bị Nga và Assad đánh lạc hướng ở chính điểm này.
"Chính phủ Syria muốn một thắng lợi tuyệt đối mà không cần đến đàm phán. Đó là mục đích duy nhất mà họ muốn hướng tới vào lúc này" - Hassan Hassan, chuyên gia chính sách Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Tahrir, nhận định.
Bên cạnh vấn đề nhập cư đã được nói tới ở phần đầu bài viết, thì theo các chuyên gia, việc Aleppo rơi vào tay Assad cũng sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch tiêu diệt khủng bố IS của phương Tây, song chưa rõ ảnh hưởng này sẽ theo chiều hướng nào.
Giành lại Aleppo sẽ là một thắng lợi mang nhiều ý nghĩa của chính phủ Syria đối với các lực lượng nổi dậy dòng Sunni, vốn được xem là niềm hi vọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại IS.
Tuy nhiên, có vẻ như phương Tây đã nhận ra sự thiếu hiệu quả trong chính sách hậu thuẫn các lực lượng này, nhất là sau những vụ việc như một số binh sĩ đối lập dòng Sunni do Mỹ huấn luyện đã... biếu không vũ khí cho IS.
Đó là lý do tại sao hồi tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã công khai tuyên bố hủy bỏ kế hoạch trị giá 500 triệu USD với mục tiêu huấn luyện lực lượng này.
Nay, phương Tây đang kì vọng vào lực lượng người Kurd, với mong muốn họ sẽ trở thành những trợ thủ đắc lực trên bộ của phương Tây trong chiến dịch quét sạch IS.
Trong trường hợp phe nổi dậy tiếp tục thua trận, một số chuyên gia lo ngại tàn dư của lực lượng này sẽ chuyển sang đầu quân cho IS, bởi tổ chức này cũng theo dòng Sunni.
"Kế hoạch của Nga là biến tình hình tại Syria trở thành cuộc đối đầu 'nội bộ' giữa Assad và IS" - Agnes Levallois, một cố vấn chính sách Trung Đông hiện đang làm việc tại Paris, nhận định.
Nếu đúng như lời ông Levallois nói, thì IS sẽ đóng vai trò thế lực theo dòng Sunni duy nhất chống lại chính phủ Alawi của Assad tại Syria.
Như vậy, với phương Tây, vòng luẩn quẩn về một lỗ hổng quyền lực sẽ tiếp diễn. Bởi kể cả trong trường hợp Assad với sự trợ giúp của Nga, Iran, và Hezbollah có đánh bại được IS, thì một hoặc nhiều các tổ chức đại diện cộng đồng Sunni khác cũng sẽ lại nổi lên gây bất ổn.
Nói tóm lại, với tình hình Aleppo bị bao vây tuyệt đối như hiện nay và số phận phe nổi dậy có thể nói đang như "chỉ mành treo chuông", thì cũng không ngoa khi nói rằng 3 mục tiêu chính của phương Tây cũng đang ở tình trạng tương tự.