Phó thủ tướng phụ trách phát triển quân sự của Nga Yury Borisov - Ảnh: TASS
Theo hãng tin Reuters, một trong những vũ khí đáng chú ý mà Phó thủ tướng Yury Borisov đề cập là Persesvet mà chính Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói đến trong một tiết lộ sơ lược năm 2018 về thế hệ vũ khí mới của Nga.
Ông Borisov cho biết Peresvet đã được triển khai rộng rãi và nó có thể làm mù các vệ tinh ở độ cao 1.500 km so với Trái Đất. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nga hiện có những hệ thống còn mạnh hơn Peresvet, là các vũ khí laser thế hệ mới có thể đốt cháy máy bay không người lái và các thiết bị khác trong tích tắc.
Phó thủ tướng Nga dẫn chứng một thử nghiệm hôm 17-5, một vũ khí laser đã đốt cháy thành công máy bay không người lái cách nó tận 5 km chỉ trong vòng 5 giây. "Nếu Peresvet làm mù mắt, thì vũ khí laser thế hệ mới dẫn đến sự phá hủy các mục tiêu - hủy diệt bằng nhiệt, làm chúng bốc cháy" - ông Borisov nói với kênh truyền hình nhà nước Nga.
Cũng theo Reuters, khi được hỏi liệu những vũ khí như vậy có được sử dụng ở Ukraine hay không, ông Borisov trả lời: "Có. Các nguyên mẫu đầu tiên đã được sử dụng ở đó" và gọi tên vũ khí mới đó là Zadira.
Hầu như không có thông tin gì công khai về Zadira ngoại trừ một lần vào năm 2017, truyền thông Nga có đề cập đến việc Tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosaton đã giúp phát triển nó như một phần của chương trình "tạo ra các nguyên tắc vật lý mới dựa trên vũ khí", được biết đến với tên viết tắt tiếng Nga là ONFP.
Theo Thông tấn xã Nga (TASS), Phó Thủ tướng Borisov cho biết hệ thống tên lửa phòng không S-500 mới nhất cũng bắt đầu được cung cấp cho quân đội Nga. Ông mô tả đó là "các hệ thống kết hợp thực sự chức năng của phòng không và phòng thủ chống tên lửa", có nhu cầu lớn trên thị trường vũ khí toàn cầu tương tự các hệ thống tên lửa đất đối không Tor, Buk, S-300, S-400....
TASS trích dẫn nhận định của ông Borisov rằng Nga là "nhà lãnh đạo không thể chối cãi" trên thị trường vũ khí toàn cầu về loại vũ khí này, dựa trên các đặc tính kỹ thuật.
Nga trục xuất hàng chục nhà ngoại giao nước ngoài
Theo đài RT, động thái này nhằm đáp trả việc các nhà ngoại giao Nga bị một số quốc gia phương Tây trục xuất kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Vào ngày 18-5, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ của 3 nước Pháp, Tây Ban Nha và Ý nói trên để bày tỏ sự "phản đối mạnh mẽ" về các hành động "khiêu khích" của nước họ.
Để đáp lại việc Pháp trục xuất 41 nhà ngoại giao Nga vào tháng 4, chính quyền Moscow đã yêu cầu 34 nhân viên ngoại giao Pháp phải rời khỏi lãnh thổ Nga trong 2 tuần kể từ ngày gửi công hàm cho Đại sứ.
Đáp lại việc Tây Ban Nha trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga, Moscow đưa vào "danh sách đen" số lượng nhân viên ngoại giao tương tự từ Đại sứ quán Tây Ban nha ở Moscow và Tổng lãnh sự quán Tây Ban Nha ở St.Petersburg, yêu cầu họ rời khỏi Nga trong vòng 1 tuần.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng xác nhận với RIA Novosti hôm 18-5 rằng 24 nhà ngoại giao Ý cũng nhận được thông báo tương tự, nhằm đáp lại việc 30 nhà ngoại giao Nga bị Ý trục xuất hồi tháng 4.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Nga, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra (ngày 24-2), đã có khoảng 400 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi 28 quốc gia.