Nga công bố loạt đối tác mới của BRICS, có 3 nước ASEAN: Quy mô ngày càng "khủng", G7 thua ở một chỉ số

Hữu Hiển |

Trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov ngày 23/12 cho biết, chín nước sẽ chính thức gia nhập BRICS với tư cách là các quốc gia đối tác từ tháng 1/2025.

Đài RT (Nga) hôm 23/12 đưa tin, quy chế “quốc gia đối tác” mới đã được phê duyệt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga tổ chức tại thành phố Kazan hồi tháng 10, và được dự kiến sẽ đóng vai trò là giải pháp thay thế cho tư cách thành viên sau khi hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập tổ chức này.

Quy chế “quốc gia đối tác” quy định việc tham gia thường xuyên vào các phiên họp đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh BRICS và cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao các nước, cũng như các sự kiện cấp cao khác. Các quốc gia đối tác cũng có thể đóng góp ý kiến vào các tài liệu được công bố của BRICS.

Đại diện của 9 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 tại Kazan, Nga. Ảnh: Getty

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 23/12, Trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phê duyệt tư cách quốc gia đối tác, nói rằng Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan sẽ chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày 1/1/2025. Dự kiến sẽ có thêm bốn quốc gia nữa được mời trở thành đối tác của BRICS trong tương lai gần.

Trợ lý tổng thống Nga nhấn mạnh rằng đã nhận được 35 đơn xin gia nhập BRICS với một hoặc nhiều tư cách trước Hội nghị thượng đỉnh Kazan. Ông Ushakov giải thích rằng "một số quốc gia muốn được tham gia đầy đủ ngay lập tức, trong khi những nước khác muốn tham gia các sự kiện riêng lẻ với tư cách là người quan sát".

BRICS ban đầu bao gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi gia nhập năm 2010. Khối được mở rộng vào đầu năm nay khi kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

BRICS chiếm một nửa dân số thế giới

Theo trang tin Geopolitical Economy, với việc bổ sung các quốc gia đối tác, 9 trong số 20 quốc gia đông dân nhất trên Trái đất hiện đã gia nhập BRICS.

Tổng dân số của các nước BRICS vào khoảng 4 tỷ người, chiếm gần một nửa dân số thế giới.

Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất trên Trái đất, tiếp theo là Trung Quốc. Mỗi quốc gia có hơn 1,4 tỷ cư dân.

Với gần 290 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới (Mỹ đứng thứ ba).

Brazil là quốc gia đông dân thứ bảy, tiếp theo là Nga ở vị trí thứ chín và Ethiopia ở vị trí thứ mười.

Ai Cập là quốc gia đông dân thứ 14; Iran là quốc gia đông dân thứ 17; và Thái Lan đứng thứ 20.

Quốc gia đông dân thứ sáu thế giới, Nigeria, đã được mời tham gia BRICS với tư cách quốc gia đối tác, nhưng chưa đưa ra câu trả lời chính thức.

20 quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2024. Các nước được khoanh đỏ đã gia nhập BRICS. Nguồn: Geopolitical Economy

BRICS chiếm 41% GDP toàn cầu

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng cộng chín thành viên BRICS và chín đối tác mới chiếm hơn 41% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương).

Năm thành viên BRICS ban đầu chiếm 33,76% GDP thế giới vào tháng 10/2024.

Trang Geopolitical Economy nhận định, điều này có nghĩa là năm thành viên ban đầu của BRICS chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu so với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

G7 (bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) chỉ chiếm 29,08% GDP thế giới vào năm 2024. Đây là sự suy giảm lớn so với năm 1990, khi các nền kinh tế G7 chiếm gần 52% GDP thế giới.

Lý do chính cho sự thay đổi mang tính lịch sử này là tăng trưởng kinh tế vượt bậc ở Trung Quốc - quốc gia đã trở thành siêu cường công nghiệp duy nhất trên thế giới, chiếm 35% tổng sản lượng sản xuất toàn cầu (gần gấp 3 lần so với Mỹ).

Theo dữ liệu của IMF, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất trên Trái đất vào năm 2016. Tính đến tháng 10/2024, Trung Quốc chiếm 19% GDP toàn cầu, so với chỉ 15% của Mỹ.

Khi bốn thành viên mới gia nhập BRICS vào năm 2024, tỷ trọng GDP toàn cầu do chín thành viên BRICS chiếm giữ tăng lên 36,44%.

Và mới đây nhất, việc bổ sung 9 quốc gia đối tác đã làm tăng tỷ trọng trong GDP toàn cầu của BRICS lên 41,41% (con số này không bao gồm Cuba, vì IMF không có dữ liệu về nền kinh tế Cuba).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại