Nga trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, vượt qua Iran và Triều Tiên. Bất chấp áp lực, nền kinh tế Nga vẫn đạt mức tăng trưởng 4,7% trong nửa đầu năm nay.
"Đây là câu chuyện của nhiều thập kỷ tới. Bất kể diễn biến ra sao và kết quả là một giải pháp hòa bình ở Ukraine, thực tế đó chỉ là một cái cớ", ông Dmitry Birichevsky - Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu tại một diễn đàn ở Mátxcơva ngày 16/8.
"Các lệnh trừng phạt đầu tiên được đưa ra sớm hơn nhiều. Mục tiêu cuối cùng của họ là tạo ra sự cạnh tranh không công bằng”, ông Birichevsky nói.
Hội thảo về chủ đề các lệnh trừng phạt diễn ra giữa những tranh luận trong giới chính trị và kinh doanh Nga về việc liệu Mátxcơva có nên nỗ lực để được nới lỏng trừng phạt hay chấp nhận chúng như một thực tế lâu dài và học cách sống chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng, dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Nga là một trong những điều kiện để đạt được hòa bình ở Ukraine.
Tuần trước, tỷ phú Oleg Deripaska vấp phải phản ứng dữ dội từ những người thuộc phe cứng rắn sau khi ông kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine mà không cần điều kiện tiên quyết.
Ông Birichevsky cho rằng các lệnh trừng phạt cũng mang lại cho Nga một số lợi ích, buộc Nga phải tái cấu trúc nền kinh tế và sản xuất nhiều hàng hóa trước đây phải nhập khẩu từ các nước phương Tây.
Ông cảnh báo "vòng xoáy trừng phạt" sẽ tiếp tục gây ra nhiều đau đớn hơn, vì giới chức phương Tây sẽ nhắm vào các lĩnh vực chưa bị trừng phạt.
Ông Birichevsky cho biết, phương Tây đã gây sức ép với các đối tác thương mại của Nga, đe dọa sẽ không cho họ tiếp cận thị trường phương Tây nếu họ hợp tác với Nga.
Quan chức này khẳng định Mátxcơva chia sẻ chiến lược với các quốc gia bị trừng phạt khác như Iran, Triều Tiên và Venezuela, nhằm tạo ra một liên minh "chống trừng phạt" quốc tế để cùng nhau đối phó với sức ép của phương Tây.
Mỹ điều đặc vụ trong nhóm an ninh của Tổng thống Biden sang bảo vệ ông Trump: Động thái lạ thường?