Nga chớp thời cơ ra đòn mạnh
Phát biểu với nói Washington Examiner, ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ukraine nói rằng: “Đây là cuộc chạy đua với thời gian. Tôi hy vọng sẽ nhận được gói đạn pháo mới trong vòng 2 hoặc 3 tuần tới”.
Đối với Ukraine , tin tức về gói viện trợ mới trị giá 61 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua đã mang lại hy vọng về những bước tiến mới khi cuộc chiến bước sang năm thứ 3. Nhưng nhiều nhà phân tích quân sự phương Tây đặt câu hỏi liệu gói viện trợ này có thể giúp Ukraine giải quyết những vấn đề mà nước này đang gặp phải trên chiến trường ở mức độ nào. Trong khi đó, Nga đang nỗ lực khai thác những lỗ hổng hiện có của Ukraine, đặc biệt là sự thiếu hụt hệ thống phòng không.
Giám đốc tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cảnh báo quân đội nước này sẽ sớm phải đối mặt với tình huống khó khăn, có thể rơi vào giữa tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Các lực lượng Ukraine đã phải vật lộn để chiến đấu trên chiến trường trong vài tháng qua, khi viện trợ của phương Tây không đến kịp thời, khiến họ bị tổn thất nặng nề, cũng như phải hứng chịu ngày càng nhiều các cuộc oanh tạc từ trên không.
Michael - thành viên cấp cao của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nhận định: “Về cơ bản, Nga có một cơ hội trong năm nay và nếu họ không giành được lợi thế mang tính quyết định thì lợi thế của họ sẽ bắt đầu bị suy giảm vào năm 2025. Và khi đó, họ sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra”.
Đánh giá về gói viện trợ mới của Mỹ, ông Neil Melvin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng: “Nga đang làm tiêu hao binh lực và vũ khí của Ukraine. Nhưng nguồn bổ sung đạn được và vũ khí của Mỹ có thể làm chậm quá trình này, thậm chí ngăn chặn một cuộc phản công của Nga có thể diễn ra trong mùa hè. Để đẩy lùi các lực lượng Moscow ra khỏi lãnh thổ và giành lại những khu vực đã mất, Ukraine vẫn cần nhiều hơn gói viện trợ bổ sung này”.
Các lực lượng Nga đã đạt được nhiều thành công gần Avdiivka hơn Chasiv Yar. Nhưng Chasiv Yar được cho là có tầm quan trọng chiến lược lớn hơn do có lợi thế về vị trí và địa hình. Nếu chiếm được thành phố này, Nga sẽ có cơ hội giành quyền kiểm soát các thành phố khác. Nga hiện đang tăng cường tấn công chiến tuyến và các thành phố lớn của Ukraine, chủ yếu sử dụng bom lượn ném từ trên không. Theo Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, những quả bom này “gần như không bị đánh chặn”, hơn nữa, kho dự trữ vũ khí phòng không của Ukraine ngày càng giảm khiến nước này dễ bị áp đảo trước các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga.
Phát biểu với phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ ngày 24/4, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng: “Vấn đề số 1 là hệ thống phòng không. Chúng tôi cần sự hỗ trợ cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, vũ khí tầm xa cũng rất quan trọng”.
Hoài nghi về gói viện trợ mới
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Điều quan trọng hiện giờ là tốc độ”. Trước đó, Ukraine đã hoàn tất các thỏa thuận về việc tiếp nhận tên lửa dẫn đường tầm xa ATACMS – loại tên lửa mà họ đã tìm kiếm từ lâu như một phần trong nỗ lực tấn công sâu vào phòng tuyến của Nga”.
Sau khi Mỹ thông qua gói viện trợ mới dành cho Ukraine, các nước châu Âu cũng có động thái tương tự, đáng chú ý là việc Anh công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước thừa nhận một số quốc gia châu Âu sở hữu Patriot đã do dự trong việc gửi thêm hệ thống phòng không tới Ukraine vì lo ngại nguy cơ chúng được sử dụng không theo quy định của NATO. “Nếu các thành viên trong NATO có thể cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ cần để tự vệ thì chúng tôi phải chấp nhận các rủi ro xảy ra. Hơn nữa, họ cũng phải đảm bảo có đủ nguồn lực dự trữ”, ông Jens Stoltenberg nói.
Còn Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA cho rằng: “Nếu phương Tây không thực hiện cam kết một cách vững chắc trong những tháng tới thì khả năng Nga đạt được đột phá sẽ gia tăng. Sức ỳ của việc thiếu hành động sẽ tạo ra một cái bóng rất lớn trong suốt thời gian còn lại của năm”.
Mặc dù các gói viện trợ mới của phương Tây khó có khả năng làm thay đổi cục diện xung đột, nhưng ít nhất sẽ giúp kìm chân và làm suy yếu các đơn vị của Nga, Christopher Tuck, chuyên gia về xung đột và an ninh tại King's College London đánh giá.
“Gói viện trợ mới của Mỹ có thể không tác động nhiều đến cục diện xung đột vì Ukraine không giành được thắng lợi quyết định trên chiến trường vào mùa hè năm 2023”, ông Christopher Tuck nói. Tuy nhiên, việc Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ này chứng tỏ họ vẫn ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và đặt niềm tin rằng tình thế sẽ không chỉ chuyển sang hướng có lợi cho Ukraine trên mặt trận mà trên cả bàn đàm phán.
Nhưng tại Ukraine, vẫn có những ý kiến trái chiều về việc gói viện trợ mới có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào trên thực địa.
“Chỉ cần Ukraine tiếp tục chiến đấu thì không có gì là quá muộn”, ông Dmytro Pletenchuk, người phát ngôn của Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine, nói với NBC News. Theo nhà phân tích này, việc phương Tây thể hiện sự ủng hộ sau nhiều tháng bất ổn và tranh cãi sẽ giúp nâng cao tinh thần chiến đấu của các đơn vị Ukraien trên tiền tuyến.
Nhưng nhiều người dân Ukraine đã bày tỏ quan ngại về thời điểm và số lượng vũ khí viện trợ, cũng như băn khoăn về việc Ukraine sẽ phải trả giá như thế nào cho sự giúp đỡ này. Georgiy Poliarush, một người dân 45 tuổi cho biết: “Xung đột luôn diễn biến phức tạp. Việc tiếp nhận viện trợ quân sự là điều cần thiết. Nhưng câu hỏi tiếp theo sẽ là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào cho sự hỗ trợ đó”.
Về phần mình, Nga tuyên bố, gói viện trợ mà Mỹ mới phê duyệt cho Ukraine sẽ không tạo ra bất cứ sự khác biệt nào trên chiến trường. Phát biểu với báo chí, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định: “Các nguồn cung cấp vũ khí mới dành cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cán cân sức mạnh trên mặt trận”.