T-90M Proryv-3 là biến thể nâng cấp dựa trên T-90AM Proryv-2 với phiên bản xuất khẩu T-90MS đang được Nga tích cực chào bán cho nhiều quốc gia Trung Đông cũng như Đông Nam Á. T-90M xem như bước đệm nhằm hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp Nga trong khi chờ đợi T-14 Armata được hoàn thiện.
Thay đổi dễ nhận thấy giữa T-90M với T-90MS và T-90S đó là xe tăng sử dụng tháp pháo với một chút sửa đổi; bổ sung thêm các tấm giáp lồng, giáp phụ; cũng như chỉnh sửa lại hệ thống điện tử.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv-3
Chi tiết đáng nói nhất, khiến T-90M Proryv-3 được đánh giá tiệm cận T-14 Armata, đó là nó trang bị khẩu pháo nòng trơn 125 mm loại mới có nòng dài hơn, chịu được áp lực cao, cho phép xe tăng bắn chính xác ở cự ly xa.
Nhưng thay đổi này theo dự đoán lại gây khó khăn không nhỏ cho những lực lượng quân đội đã có T-90S trong biên chế và muốn nâng cấp lên T-90M, đó là chúng không thể dùng chung đạn với nhau.
Trường hợp tương tự đã xảy ra với T-72 và T-90 của Ấn Độ, cùng là cỡ nòng 125 mm, nhưng do áp lực trong nòng chênh lệch dẫn tới liều phóng dành cho đạn T-72 và T-90 có sự khác biệt, khiến chúng không tương thích máy ngắm nếu lắp lẫn sang nhau vì sẽ bắn không chính xác.
T-90M Proryv-3 sử dụng pháo chính có nòng dài hơn các phiên bản T-90 cũ
Hiện tại Nga chưa đồng ý cung cấp công nghệ chế tạo đạn pháo dành cho xe tăng T-90, kể cả đó là đối tác thân thiết như Ấn Độ nhằm kiếm thêm tiền từ việc xuất khẩu đạn pháo.
Nay với T-90M, nếu quốc gia nào đã sở hữu T-90S nhưng muốn "lên đời" thì chắc chắn sẽ phải mua thêm loại đạn mới có giá thành không hề rẻ, gây khó khăn cho công tác đảm bảo hậu cần - kỹ thuật,
Ngoài ra phiên bản này vẫn còn nguyên nhược điểm của T-90MS, đó là hộp đạn tách biệt ngoài xe khiến kíp chiến đấu phải phơi mình trước hỏa lực đối phương để tải đạn vào khoang khi 22 viên trong máy nạp đã hết.
Tóm lại sau khi choáng ngợp với vẻ ngoài, có thể nhận thấy rằng việc mua sắm Proryv-3 chưa chắc đã là phương án tối ưu, triển vọng xuất khẩu của nó còn nhiều trắc trở.