"Không nhất thiết phải đưa ra 100% biện pháp đối xứng. Chúng tôi không thể cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, vì hai nước ở các "hạng cân" khác nhau. Chúng tôi cố tình bỏ lửng câu hỏi về việc Nga đáp trả trừng phạt như thế nào. Vì nếu chúng tôi bắt đầu thông báo điều gì đó thì sẽ chứng tỏ sự suy yếu vị thế của chính mình" - ông Ryabkov nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Quan hệ quốc tế.
"Có vẻ như áp đặt trừng phạt bất cứ lúc nào là công cụ duy nhất của chính sách đối ngoại Mỹ. Chúng ta đã nhìn thấy điều này trong ví dụ của Iran. Đây là hành vi đe dọa và tống tiền, thậm chí ngay cả đồng minh của họ" - ông Ryabkov nói.
Theo nhà ngoại giao Nga, có rất nhiều cách khác để đáp lại lệnh trừng phạt mà không làm hại đến bản thân mình.
"Có rất nhiều lập luận về việc Nga phải phản ứng bằng cách dừng cung cấp động cơ tên lửa, titan hàng không, uranium cô đặc cho Mỹ. Đó là "tự bắn vào đầu mình".
Chúng ta phải sẵn sàng trước việc người Mỹ sớm hay muộn sẽ chủ động từ chối hoặc giảm đáng kể việc mua sản phẩm của Nga. Chúng ta không nên "cầm đèn chạy trước ôtô". Căn cứ vào thái độ của Mỹ hiện nay, có thể thấy không nên chờ đợi sự cải thiện tình hình một cách chóng vánh" - ông Ryabkov nhận định.
Theo quan điểm của Thứ trưởng, Nga nên thực sự bắt đầu loại bỏ đồng đôla như một phương tiện thanh toán. Theo ông, phía Nga có thể xem xét tất cả các lựa chọn. "Quyết định cuối cùng sẽ do Tổng thống - Tổng tư lệnh các lực lượng Tối cao đưa ra. Tới thời điểm thích hợp, ban lãnh đạo sẽ đưa ra quyết định thích hợp" - ông Ryabkov cho biết.
Trước đó, hôm 8.8, Mỹ thông báo áp đặt gói trừng phạt mới chống Nga vì cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh Novichok nhằm vào cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia ở Salisbury, Anh - cáo buộc mà Nga phủ nhận.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ bao gồm cấm cung cấp các thiết bị và linh kiện điện tử dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự cho Nga. Gói trừng phạt này có hiệu lực từ ngày 27.8 - phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết hôm 24.8.