Mỹ-Thổ bất đồng về người Kurd
Thổ Nhĩ Kỳ đang từ chối thỏa hiệp với Mỹ về việc các tay súng người Kurd tham gia cuộc tấn công ở Syria. Đây là trở ngại cho kế hoạch của Washington muốn triển khai lực lượng đồng minh mạnh nhất trên thực địa trong trận quyết chiến nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi việc đánh bại IS là một trong những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của ông, và chính quyền mới của ông ngày 2/3 đã nhận được một bản dự thảo kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm xúc tiến chiến dịch này.
Thành phố Raqqa ở Syria, một trong hai thành lũy trên thực tế của IS - cùng với Mosul ở Iraq - được dự kiến sẽ là nơi diễn ra trận chiến cuối cùng để tiêu diệt IS.
Mỹ đã có phương sách tiêu diệt IS?
Tuy nhiên, việc xây dựng một lực lượng bộ binh thống nhất để giành lấy Raqqa cho tới giờ xem ra là một nhiệm vụ phức tạp ở Syria. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và các nước Arập ủng hộ các lực lượng khác nhau trong một cuộc nội chiến đa phương nổ ra từ năm 2011.
Tất cả các cường quốc bên ngoài đều muốn tiêu diệt IS, song các lực lượng ở Syria đa phần lại đánh lẫn nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ, có quân đội lớn thứ hai trong số các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cương quyết rằng trong chiến dịch Raqqa, Washington nên chuyển sự hỗ trợ mà họ dành cho các tay súng của Lực lượng Bảo vệ người Kurd (YPG) sang lực lượng nổi dậy Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện và chỉ đạo.
Còn với chính quyền Mỹ, vốn lo ngại không biết lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có đủ lớn và được huấn luyện tốt hay không, những quyết định đó khiến mong muốn giành chiến thắng nhanh chóng trên trận địa của ông Trump trở nên đối lập với nhu cầu duy trì một liên minh chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara coi YPG là chi nhánh ở Syria của nhóm các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đã nổi dậy ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và được cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) coi là một nhóm khủng bố.
Các tay súng của lực lượng YPG tại Syria
Ngày 28/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh quan điểm rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không thể chấp nhận" bất cứ mối liên minh nào với YPG.
Ông Erdogan, người từng có mối quan hệ không mấy nồng ấm với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã coi việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ là cơ hội cho một khởi đầu mới. Thế nhưng, hai đồng minh NATO này dường như đang mâu thuẫn về chiến lược ở Syria.
Trung tướng Quân đội Mỹ Stephen Townsend, chỉ huy chiến dịch liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Iraq và Syria, tại cuộc họp báo của Lầu Năm Góc hôm 28/2 cho biết, lực lượng người Kurd vẫn có vai trò trong kế hoạch của Washington.
Ông nói: "Chắc chắn sẽ là người Kurd tấn công Raqqa. Còn số lượng, quy mô, và bao nhiêu đơn vị người Kurd tham gia thì hiện tôi không thể nói được".
Ông cho rằng không thấy có bằng chứng nào cho thấy các đồng minh người Kurd của Washington có liên quan tới các vụ tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông không nêu cụ thể tên lực lượng YPG, vốn đang tham gia chiến đấu trong liên minh được Mỹ hậu thuẫn có tên gọi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bao gồm cả người Arập.
Nga đắc lợi
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mối liên kết giữa YPG với PKK là không phải bàn cãi, và những bước tiến của nhóm này sẽ kích động thái độ chống người Kurd ở những vùng người Arập chiếm ưu thế ở Syria như Raqqa và đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có 7.000 quân nổi dậy Syria đã được huấn luyện bổ sung vào lực lượng 3.000 quân thuộc lực lượng nổi dậy Quân đội Tự do Syria (FSA) tham gia chiến dịch Euphrates Shield.
Nga tuyên bố hỗ trợ không kích giúp quân đội Syria tái chiếm toàn bộ Palmyra
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết về cuộc thảo luận với các đồng sự Mỹ: "Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi có đủ lực lượng. Các tướng lĩnh bên họ có thể tận mắt đánh giá. Mọi điều cần thiết về mặt quân sự đã được giải thích cụ thể. Họ đã được thông báo về số lượng, chiến lược và sơ đồ".
Giải pháp thỏa hiệp có thể là lực lượng tấn công Raqqa, có khả năng gồm cả YPG, sẽ nhanh chóng rút lui và trả lại thành phố cho lực lượng địa phương quản lý, bao gồm cả lực lượng người Arab được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tư lệnh Mỹ Townsend nói: "Tôi không chắc vấn đề thực sự lại là thành phần nào trong lực lượng sẽ tới đó để giải phóng thành phố. Theo suy nghĩ của tôi, vấn đề thực sự lại là thành phần sẽ ở lại đó, quản lý và bảo vệ Raqqa sau khi nó được giải phóng khỏi tay IS".
Các tay súng YPG tại Manbij sau khi giải phóng thành phố này khỏi IS hồi tháng 8/2016
Một thỏa thuận tương tự ở Manbij, cách Raqqa khoảng 120km về phía Tây Bắc, đã nhanh chóng bị phá vỡ. Lực lượng YPG năm ngoái đã giúp giành được thành phố này từ tay IS trong chiến dịch mang danh nghĩa của SDF do Mỹ hậu thuẫn, theo một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sau đó sẽ rút lui.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng lực lượng YPG vẫn ở lại thành phố, và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh quân nổi dậy Syria đã tấn công các làng lân cận do các tay súng người Kurd chiếm giữ hôm 1/3.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại mối quan hệ ngày càng thân thiện của nước này với Nga, một trong những nhà bảo trợ chính cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, có thể cũng làm phức tạp thêm cho những nỗ lực của họ muốn tăng cường liên minh trên trận địa với Mỹ.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sự hợp tác với Nga là sự phản ánh "thực tế trên thực địa" hơn là một sự lựa chọn chiến lược, và một phần là do thiếu sự hỗ trợ của Mỹ cho lực lượng đối lập Syria.
Vị quan chức này nói: "Nếu ông Obama không bỏ phe đối lập Syria cả về mặt tâm lý, chính trị và quân sự, thì có lẽ sẽ chẳng có sự hiện diện quân sự của Nga".