Trả lời phỏng vấn Sputnik, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc có thể đưa quân tới Ukraine là “không thể chấp nhận được”, đặc biệt trong thời điểm tình hình chính trị và quân sự căng thẳng ở châu Âu.
“Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần bình luận về những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp về khả năng đưa quân của các quốc gia thành viên NATO tới khu vực xung đột. Một lần nữa, những ý tưởng này đã ngay lập tức bị bác bỏ. Những tuyên bố này cho thấy sự sẵn sàng leo thang vào thời điểm mà chính phương Tây đang chịu thất bại chiến lược trên thực địa. Những tuyên bố như vậy dù nhằm mục đích nào cũng không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong thời điểm tình hình chính trị và quân sự vốn đã căng thẳng ở châu Âu”, ông Grushko nói.
Quan chức Nga nhấn mạnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg “đã nhiều lần nói rằng liên minh này không đối đầu với Nga và không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine”.
Vào cuối tháng 2, Tổng thống Macron nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã thảo luận về khả năng gửi quân đến Ukraine, và dù không đạt được sự đồng thuận nào về vấn đề này nhưng không thể loại trừ khả năng đó.
Sau tuyên bố của ông Macron, các nước EU khác đã bác bỏ những kế hoạch như vậy, trong đó Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng NATO không có ý định gửi quân tới Ukraine.
Đáp lại bình luận của Tổng thống Macron, Điện Kremlin nói rằng việc triển khai quân đội NATO tới Ukraine sẽ nổ ra xung đột trực tiếp giữa liên minh này và Nga là không thể tránh khỏi.
Ông Grushko cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine có thể vượt ra ngoài biên giới địa lý do các hành động “mạo hiểm” của một quốc gia NATO.
Theo ông Grushko, tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron về khả năng đưa quân tới Ukraine cho thấy sự sẵn sàng đi theo "con đường leo thang”.
“Do những hành động mạo hiểm của một hoặc hai quốc gia thành viên NATO, cuộc xung đột ở Ukraine có thể vượt ra ngoài ranh giới địa lý và đạt đến một quy mô hoàn toàn khác”.
Ông Grushko cho rằng, quan hệ Nga - NATO đang xấu đi “một cách có chủ ý và có thể đoán trước”, trong khi các kênh liên lạc đã bị giảm xuống mức cực kỳ thấp.
“NATO đã phát động một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga. Washington và các vệ tinh của họ đã làm mọi cách để giảm sự tương tác và các kênh liên lạc của chúng tôi xuống mức 0 vô cùng nghiêm trọng”, quan chức Nga nói.
Ông Grushko cho biết, Nga không có ý định tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với NATO hoặc các quốc gia thành viên của liên minh này.
“Liệu NATO có sẵn sàng cho một cuộc xung đột mở với Nga hay không, chúng ta nên hỏi chính các thành viên NATO. Trong mọi trường hợp, chúng tôi không có ý định như vậy đối với các nước thành viên của liên minh”.
Theo nhà ngoại giao Nga, không triển vọng thảo luận về các thỏa thuận an ninh có thể có với phương Tây nếu NATO vẫn coi Nga là mối đe dọa trực tiếp.
Khi được hỏi liệu các đề xuất trước đây của Nga về đảm bảo an ninh cho NATO có còn hiệu lực hay không, ông Grushko nói: “Khi các tài liệu học thuyết của NATO coi Nga là ‘mối đe dọa lớn nhất, trực tiếp nhất’, sẽ không có ý nghĩa gì khi nói về bất kỳ phương thức cụ thể nào của các thỏa thuận với phương Tây”.