Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định thị trường dầu mỏ đang rất biến động và thời gian tới, những biến động có thể nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp của các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới vừa diễn ra tại Abu Dhabi, ông Novak cảnh báo: "OPEC và các nhà xuất khẩu dầu không nằm trong OPEC cần kiên định với một thông điệp nhất quán, tránh làm trầm trọng thêm những biến động trên thị trường".
Theo ông Novak, thời điểm hiện tại, OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác không nên đưa ra những quyết định quá vội vàng. "Chúng ta cần xem xét tình hình một cách cẩn thận để dự đoán trước những diễn biến, tránh việc thay đổi chính sách 180 độ mỗi tháng", ông Novak nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Novak được đưa ra trong bối cảnh các nhà xuất khẩu dầu cho biết họ có thể cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh mẽ. Nó trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra trong tháng 9, khi OPEC cho biết họ sẵn sàng bơm dầu vào thị trường nhằm đảm bảo nguồn cung, xóa đi những quan ngại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al-Falih nhấn mạnh OPEC và các nước ngoài OPEC sẽ quyết định về việc có giảm sản lượng hay không trong vài tuần tới.
Cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra tại Vienna, Áo vào ngày 6/12. Đây cũng là thời điểm để các nước biểu quyết và đưa ra quyết định cuối cùng.
Khoảng 20 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới bắt đầu giới hạn sản lượng khai thác và xuất khẩu trong năm 2017 nhằm tiêu thụ hết lượng dầu thô dự trữ khổng lồ trên toàn cầu. Hồi tháng 6, nhóm này đã đồng ý khôi phục lại sản lượng dầu bị cắt giảm đó.
Cuộc họp của các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu vừa diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm nghiêm trọng.
So với đỉnh được xác lập hồi tháng 10, giá dầu đã giảm tới hơn 10 USD, từ 70,18 USD xuống còn 59,87 USD. Giá dầu cũng vừa xác lập kỷ lục sụt giảm kéo dài nhất trong hơn 24 năm qua sau 10 phiên tụt giá liên tiếp.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất Suhail Al Mazrouei cho rằng: "Có rất nhiều thứ đang thay đổi và chúng ta cần thay đổi chiến lược để đảm bảo mục tiêu và mục tiêu chính là duy trì sự cân bằng của thị trường".
Việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ Iran đã không tệ như dự đoán trong khi Ả rập Xê út, Nga và Mỹ - ba nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – đã tăng sản lượng vượt quá số dầu sụt giảm từ Iran, điều gây nên những lo ngại về dư thừa nguồn cung.