Nga cảnh báo biện pháp đáp trả việc Thuỵ Điển gia nhập NATO

Ngọc Anh |

Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/2 cho biết, nước này sẽ thực hiện các bước đáp trả quân sự về việc Thuỵ Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 26/2, Thuỵ Điển đã vượt qua các rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập NATO khi quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn động thái này. Để gia nhập NATO, một quốc gia cần phải có sự nhất trí từ tất cả các quốc gia thành viên và Hungary là thành viên cuối cùng bỏ phiếu tán thành.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc NATO mở rộng quy mô và dẫn ra đó là lý do khiến nước này phải tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, chính cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy Phần Lan và Thuỵ Điển đồng thời nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Phần Lan đã trở thành quốc gia thành viên của NATO vào tháng 4/2023.

Nga cảnh báo biện pháp đáp trả việc Thuỵ Điển gia nhập NATO- Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakhazrova. Ảnh: Tass

Hiện nay, Tổng thống Putin vẫn chưa công khai bình luận về việc Thuỵ Điển gia nhập NATO, nhưng Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc mở rộng NATO không phải là cách để duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakhazrova cho biết, phản ứng của Nga đối với việc Thuỵ Điển gia nhập NATO sẽ được quyết định bởi các động thái từ phía Stockholm. Theo bà Zakharova, Nga sẽ theo dõi sát sao những động thái của Thuỵ Điển trong khối quân sự này. Từ đó, Nga sẽ tiến hành xây dựng các chính sách phản ứng phù hợp nhằm ngăn chặn sự đe dọa tới an ninh quốc gia của nước này.

Người phát ngôn Zakharova cho biết, các biện pháp đối phó của Moscow tuỳ thuộc vào “những gì sẽ xảy ra ở Thuỵ Điển, các nhóm quân sự sẽ được triển khai như thế nào, những sự kiện gì sẽ diễn ra và chiến lược nào được thông qua”.

Tass dẫn lời bà Maria Zakharova cho biết, những chính sách quân sự trung lập mang tính lâu dài của Stockholm đã kết thúc kể từ khi nước này gia nhập NATO. Bà cho rằng, sự trung lập của Thuỵ Điển đã góp phần duy trì sự ổn định tại các nước Baltic và Bắc Âu, nhưng việc nước này trở thành thành viên trong NATO, sẽ “biến một khu vực ổn định và hợp tác trở thành một khu vực đầy rẫy xung đột”.

“Việc trở thành thành viên của NATO khiến Thuỵ Điển phần nào đánh mất chủ quyền toàn vẹn quốc gia”, Người phát ngôn Zakharova nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại