Sau hàng tuần đào hào, khu vực quanh thị trấn nhỏ Medvedivka, gần một con đường dẫn tới Ukraine, đã chằng chịt hệ thống hào chiến trải dài hàng km. Các lối vào được đào ở những góc có thể hỗ trợ binh lính tầm hỏa lực rộng hơn. Gần đó là những công sự khác với các hào chiến sâu được thiết kế để giăng bẫy xe tăng và các phương tiện hạng nặng.
Những hình ảnh vệ tinh mà Washington Post được Maxar cung cấp cho thấy Nga đã xây dựng hàng chục phòng tuyến tương tự vậy.
"Quân đội Nga dường như nhận ra rằng Crimea phải được bảo vệ trong tương lai gần", ông Ian Matveev - một chuyên gia quân sự Nga cho hay.
Nguồn: Washington Post
Các phòng tuyến của Nga đã được dựng lên nhanh chóng giữa bối cảnh Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công mùa xuân. Chỉ trong một vài tuần, Nga đã xây dựng hàng km công sự gần Vitino - thị trấn ở bờ biển phía Tây Crimea mặc dù các nhà phân tích cho rằng một cuộc tấn công đổ bộ khó có khả năng xảy ra.
Máy đào hào thời Liên Xô BTM-3 đào được khoảng 800 mét mỗi giờ thậm chí cả khi mặt đất bị đóng băng. Quân đội Mỹ từng ngạc nhiên về những cỗ máy này khi nhận xét trong một tài liệu nội bộ năm 1980 rằng, không cỗ máy nào của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có thể sánh với cỗ máy trên.
Những hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một số chướng ngại vật ở Crimea được dựng lên chỉ trong một vài ngày.
Nguồn: Washington Post
Tương lai của Crimea là một chủ đề được quan tâm rộng rãi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định sẽ giành lại quyền kiểm soát Bán đảo này nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ nó.
Địa hình của Crimea gây ra những khó khăn lớn cho cả Nga và Ukraine. Crimea kết nối với đất liền của Ukraine bằng một dải đất hẹp và nhiều bùn lầy, do đó có thể cản trở các cuộc tấn công. Nhưng việc nó gần tiền tuyến cũng có thể gây nguy hiểm cho sự kiểm soát của Nga, khiến cho các lực lượng của Moscow dễ bị cô lập và nằm trong tầm bắn của vũ khí Ukraine.
Mặc dù Nga xây dựng cả các phòng tuyến ở những nơi khác nhưng quy mô các tuyến phòng thủ ở Crimea đặc biệt đáng chú ý. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy nhiều phòng tuyến của Nga được xây dựng dọc các vùng biển nhằm gia tăng trở ngại cho cuộc tấn công mặt đất của Ukraine.
Mykola Bielieskov, học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Ukraine cho biết mức độ xây dựng các công sự là "minh chứng rõ nhất" cho thấy những lo ngại của Nga.
Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây nhận định, cuộc giao tranh trực tiếp giành Crimea có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm. Các quan chức cấp cao Nga, trong đó có Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã ám chỉ rằng Moscow sẽ sử dụng mọi phương tiện cần thiết, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ Crimea.
Hào chiến, bẫy xe tăng và tuyến phòng thủ "răng rồng"
Crimea đã chứng kiến nhiều cuộc giao tranh trong những thế kỷ qua bởi vị trí chiến lược của nó. Trong suốt cuộc Chiến tranh Crimea vào những năm 1850, Nga đã chiến đấu với liên minh các nước châu Âu. Các nhà sử học gọi cuộc xung đột này, còn gọi là chiến tranh chiến hào, đã báo trước cho phương thức chiến tranh trong Thế chiến I. Điều đó cũng cho thấy Crimea, từng được coi là một pháo đài tự nhiên, có thể dễ tổn thương trước những cuộc tấn công hiện đại bằng đường biển.
Dù vậy, theo Washington Post, Hải quân Ukraine tương đối yếu. Lực lượng này thiếu không lực để chiếm ưu thế ở Crimea từ trên cao. Một cuộc tấn công mặt đất truyền thống sẽ phải đi qua một con đường khó khăn hơn nhiều.
Những chướng ngại vật đã được Nga bố trí dọc các tuyến đường quan trọng nối Crimea với đất liền Ukraine. Trong những tháng qua, Nga xây dựng các công sự dọc những lối vào then chốt ở khu vực Kherson. Moscow cũng xây dựng các công sự gần Melitopol, dọc khu vực được gọi là "hành lang đất liền" nối Crimea với lục địa Nga qua các vùng lãnh thổ mà Moscow kiểm soát ở Ukraine.
Gần đây, Nga đã tăng cường mạnh mẽ các phòng tuyến trên Bán đảo Crimea được nối với đất liền Ukraine bởi Eo đất Perekop - một dải đất hẹp mà nơi rộng nhất đo được chỉ chưa đầy 7km.
Địa lý có lẽ là phòng tuyến tốt nhất của Crimea. Chỉ có 2 con đường lớn dẫn vào Bán đảo này từ phía Bắc. M17 nằm ở phía Tây hiện đã được củng cố chặt chẽ và M18 ở phía Đông chạy qua một cây cầu có thể bị phá hủy. Vùng đầm phá Syvash đã hạn chế việc di chuyển quân sự trên quy mô lớn và Mũi đất Arabat dẫn tới phía Đông chủ yếu là những con đường không trải nhựa.
Nguồn: Washington Post
Nga cũng xây dựng các hào chiến dọc 32km ở phía Tây Crimea, gần Vitino. Hình ảnh vệ tinh từ 31/3 cho thấy pháo kéo đã được bổ sung ở khu vực này.
Ukraine nỗ lực tìm cách giành Crimea
Theo ông Steve Danner - một cựu kỹ sư Lục quân Mỹ, việc xuyên thủng các công sự ở phía Bắc Crimea sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và thiết bị.
"Nga đang làm rất tốt trong việc chuẩn bị các vị trí phòng thủ", ông Danner cho hay, đồng thời so sánh các công sự quanh Crimea hiện nay với những công sự từng được Liên Xô sử dụng quanh Kursk trong Thế chiến II - một trận đánh mang tính quyết định để đẩy lùi Đức Quốc xã.
Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự tại think tank CNA ở Virginia cho rằng, Ukraine khó có khả năng giành lại Crimea theo "cách truyền thống" nhưng Kiev có thể theo đuổi chiến lược làm đối phương cạn kiệt nguồn lực bằng cách thiết lập kiểm soát hỏa lực ở lối vào Crimea.
Ukraine được cho là đang thử nghiệm chiến lược này. Từ tháng 8/2022, hơn 70 cuộc tấn công đã được tiến hành nhằm vào Crimea. Nga cáo buộc các cuộc tấn công trên do Ukraine thực hiện song Kiev không trực tiếp lên tiếng nhận trách nhiệm.
Những cuộc tấn công này chủ yếu là các cuộc không kích bằng UAV. Hồi tháng 8, ít nhất 6 vụ nổ đã được ghi nhận ở Căn cứ Không quân Saki của Nga gần bờ biển phía Tây Crimea. Các quan chức sau đó cho biết, các lực lượng đặc biệt của Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công, làm hư hại hoặc phá hủy ít nhất 8 máy bay chiến đấu.
Các cuộc tấn công này cũng được tiến hành nhằm vào Dzhankoy - thị trấn ở phía Bắc Crimea, một trung tâm hậu cần quan trọng cho các lực lượng của Nga ở phía Nam Ukraine. Những vụ nổ đã xảy ra ở thành phố này ngày 20/3.
Có lẽ cuộc tấn công đáng chú ý nhất là sự kiện diễn ra ngày 8/10 khi cầu Crimea bắc qua Eo biển Kerch bị hư hại sau một vụ nổ. Cây cầu dài 19km này được xây dựng sau khi Nga sáp nhập Crimea và mở ra các tuyến đường bộ và đường sắt sang Nga.
Tương lai của Crimea
Ben Hodges, một cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu cho biết, trừ khi Ukraine có thể giành lại Crimea , nếu không thì nền kinh tế của nước này vẫn sẽ dễ bị tổn thương. Ông cho rằng, Nga có thể sử dụng các cảng của Crimea để phong tỏa thương mại Ukraine hoặc biến nơi này thành khu vực tổ chức lực lượng cho các cuộc tấn công trong tương lai.
"Ukraine sẽ không bao giờ an toàn và có thể tái thiết nền kinh tế nếu Nga còn kiểm soát Crimea bởi Moscow sẽ chặn lối vào Biển Azov và Hạm đội Biển Đen có thể chi phối bờ biển Biển Đen cũng như các cảng của Ukraine".
Ông Hodges kêu gọi Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine nhằm đẩy lùi Nga, trong đó có Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân với tầm bắn lên tới 300km, đặt toàn bộ Crimea vào tầm ngắm.
Các công sự được bố trí ở Crimea đã cho thấy Nga chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột kéo dài. Phát biểu trên truyền thông nhà nước Nga vào tháng này, ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu Crimea cho biết, việc xây dựng "phòng tuyến" của Crimea đã diễn ra đúng tiến độ.
"Tôi ủng hộ quan điểm rằng: Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh', ông Aksyonov cho hay./.