Nga tuyên bố khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực
Theo tờ Izvestia (Nga), Moscow không loại trừ khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu hoạt động của tổ chức này không đáp ứng được lợi ích của Moscow.
Thông báo này đã được ông Nikolai Korchunov - Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban các quan chức cấp cao của Hội đồng Bắc Cực đưa ra trong ngày 6/2.
Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council, viết tắt là AC) được thành lập từ năm 1996, là diễn đàn liên chính phủ cấp cao với 8 thành viên, bao gồm Nga, Đan Mạch (gồm Greenland và Quần đảo Faroe), Iceland, Canada, Na Uy, Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển.
Các nước thành viên thay phiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực 2 năm một lần, và Nga bắt đầu giữ vị trí này từ tháng 5/2021.
Tới tháng 3/2022, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, 7 nước thành viên phương Tây trong Hội đồng Bắc Cực đã tuyên bố đình chỉ Moscow tham gia bất cứ sự kiện nào của diễn đàn, bất chấp việc Nga vẫn đang giữ cương vị Chủ tịch AC.
Thời gian sau đó, 7 nước này tiếp tục dừng mọi liên lạc với Nga và đóng băng khoảng một nửa trong số 130 dự án chung đang được tiến hành.
Từ tháng 5/2023, Na Uy đã tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực từ Nga thông qua một buổi lễ "trực tuyến", dưới những điều kiện mà tổ chức này "chưa bao giờ trải qua trong 27 năm hoạt động", tiêu biểu như Nga vẫn đang tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi Phần Lan đã gia nhập NATO và Thụy Điển đang đi theo con đường tương tự.
Ông Korchunov cho biết, Na Uy đã tìm cách nối lại hoạt động của Hội đồng nhưng không nhận được sự ủng hộ của các thành viên khác trong khối. Tới nay, hoạt động của Hội đồng đang ở "mức thấp nhất có thể".
"Chúng tôi cho rằng Nga nên có tất cả các lựa chọn để điều chỉnh chính sách đối ngoại, bao gồm cả việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu các hoạt động của tổ chức này không đáp ứng được lợi ích của Moscow" - Ông Korchunov cho biết trong phát biểu ngày 6/2.
Đại sứ Nga nhấn mạnh thêm rằng, các đối tác phương Tây đã tạo ra những hành động không thân thiện đến từ 1 phía trong Hội đồng Bắc Cực. Không chỉ tác động tiêu cực đến Nga, những động thái này còn gây bất ổn ở Bắc Cực.
"Chúng ta có thể làm được điều gì đó ở Bắc Cực dựa trên những nỗ lực chung. Nếu một nửa Bắc Cực sống theo các quy tắc của Nga và một nửa còn lại tuân theo các quy định khác, thì tình hình như vậy sẽ dẫn đến sự hỗn loạn" - ông Korchunov nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 6/2, Điện Kremlin đã lên tiếng xác nhận thông báo của ông Korchunov. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện tại Nga vẫn giữ tư cách thành viên trong Hội đồng Bắc Cực nhưng có thể đưa ra "các quyết định đặc biệt" trong thời gian tới.
"Nếu việc tham gia vào tổ chức này không còn phù hợp với lợi ích của Nga, và nếu Nga không còn coi tổ chức này là hiệu quả, công bằng và phù hợp để duy trì tư cách thành viên, thì các quyết định đặc biệt có thể được đưa ra" - Ông Peskov nói.
"Nếu không có Nga, AC không thể quyết định bất cứ điều gì"
Bình luận về việc Nga có khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực, Thượng nghị sĩ Vladimir Dzhabarov - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Hội đồng Liên bang về các vấn đề quốc tế ngày 6/2 khẳng định: Nếu không có Nga, Hội đồng Bắc Cực sẽ mất đi ý nghĩa vốn có.
Ông Dzhabarov lưu ý, Nga là "một cường quốc Bắc Cực quan trọng" bởi Tuyến đường biển phương bắc đi qua lãnh hải của Nga.
Thượng nghị sĩ tin rằng, nếu không có Moscow, Hội đồng Bắc Cực "sẽ không thể quyết định bất cứ điều gì".
"Nga đang góp phần phát triển Bắc Cực. Chúng tôi đã triển khai các lực lượng vũ trang và cơ sở hạ tầng ở những nơi cần thiết. Mọi nỗ lực nhằm hạ thấp chúng tôi trong hội đồng này, trì hoãn hoặc tái cơ cấu vị trí chủ tịch của chúng tôi đều là vô nghĩa" - Ông Dzhabarov nhấn mạnh.
Ông Svein Vigeland Rottem, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Fridtjof Nansen của Na Uy thừa nhận: "Lãnh thổ Nga chiếm 45% diện tích Bắc Cực, các tuyến đường vận chuyển đều phụ thuộc vào vùng biển của Nga, trong khi các nghiên cứu khí hậu tại khu vực này phụ thuộc vào dữ liệu của Nga. Do đó, trên lý thuyết, nếu không có Nga thì sẽ không có Hội đồng Bắc Cực".
Tháng 9 năm ngoái, Nga đã rút khỏi Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu-Bắc Cực sau khi Phần Lan từ chối chuyển giao chức chủ tịch. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, công việc của hội đồng này "gần như đã bị tê liệt" do lỗi từ các nước thành viên phương Tây.
Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu-Bắc Cực ngoài Nga còn có Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Ủy ban Châu Âu. Những nước này đã lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cho biết họ đã đình chỉ hợp tác với Moscow "vì không còn lựa chọn nào khác".