Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong họp tại Điện Kremlin ngày 6/4/2023. Ảnh: Reuters
Trước đó Nga cho biết họ đang đẩy mạnh việc triển khai vũ khí như vậy lần đầu tiên bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo vũ khí đang được chuyển đến.
Tổng thống Biden ngày 26/5 nói rằng ông có phản ứng "cực kỳ tiêu cực" trước các thông tin rằng Nga đã xúc tiến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã chỉ trích kế hoạch triển khai hạt nhân của Nga.
"Đó là quyền chủ quyền của Nga và Belarus để đảm bảo an ninh của mình bằng các biện pháp mà chúng tôi cho là cần thiết giữa một cuộc chiến hỗn hợp quy mô lớn do Washington phát động chống lại chúng tôi", Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố nêu rõ: "Các biện pháp chúng tôi thực hiện hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ pháp lý quốc tế của chúng tôi".
Đại sứ quán Nga cũng gọi những lời chỉ trích của Mỹ về kế hoạch triển khai của Moskva là "đạo đức giả", nói rằng "trước khi đổ lỗi cho người khác, Washington nên nhìn lại chính mình".
"Mỹ đã duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn trong nhiều thập kỷ ở châu Âu. Cùng với các đồng minh NATO, Mỹ tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và diễn tập cho các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại chúng tôi", tuyên bố nhấn mạnh.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng để đạt được lợi ích chiến thuật trên chiến trường và thường có sức công phá nhỏ hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để phá hủy các thành phố hoặc một khu vực rộng lớn hơn.
Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Tây Âu kể từ khi Tổng thống Dwight D Eisenhower cho phép triển khai chúng trong Chiến tranh Lạnh như một biện pháp đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Vũ khí hạt nhân đầu tiên của Mỹ ở châu Âu được triển khai ở Anh vào năm 1954.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Washington có 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật B61 được triển khai tại châu Âu - ở Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.