Quân đội Pháp phá 60 chốt chặn mở đường
Hãng thông tấn AFP ngày 19/5 dẫn lời một quan chức chính phủ hàng đầu của Pháp cho biết, lực lượng quân đội và cảnh sát Pháp đã phá bỏ 60 chốt chặn do các nhóm biểu tình ủng hộ độc lập dựng lên, nhằm mở thông tuyến đường từ thủ phủ Noumea tới sân bay quốc tế trong khu vực.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm AFP ghi nhận, tuyến đường này vẫn chưa được mở lại. Trước đó, cùng ngày 19/5, bà Sonia Lagarde - thị trưởng thành phố Noumea cho biết, New Caledonia "đang bị bao vây" sau chuỗi bạo loạn kéo dài nhiều ngày (từ ngày 13/5) nhằm phản đối chính sách cải cách bầu cử của chính phủ Pháp đối với hòn đảo này.
Sau 6 đêm bạo lực liên tiếp khiến 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, hơn 200 phần tử cực đoan bị bắt giữ, ông Louis Le Franc - cao ủy Pháp tại New Caledonia thông báo trên sóng truyền hình rằng, lực lượng an ninh Pháp "sẽ tiến hành các cuộc đột kích 'gây gián đoạn' trong những giờ tới để giành lại các khu vực "mất kiểm soát nghiêm trọng" ở Noumea và các thị trấn Dumbea, Paita.
"Nền trật tự cộng hòa sẽ được thiết lập lại bằng bất cứ giá nào" - Ông Le Franc cảnh báo những phần tử cực đoan đứng sau các hoạt động bạo lực tại vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Giới chức Pháp cho biết, 600 thành viên thuộc lực lượng hiến binh Pháp và cảnh sát vũ trang hạng nặng đã tham gia "chiến dịch lớn" trong ngày 19/5 để giành lại quyền kiểm soát con đường dài 60km nối từ thủ phủ Noumea tới khu vực sân bay đang bị đóng cửa kể từ khi tình trạng bất ổn nổ ra.
Chính quyền địa phương ước tính, các chuyến bay thương mại bị hủy bỏ đã khiến 3.200 người mắc kẹt do không thể tới/rời New Caledonia.
Ông Le Franc cho hay, khoảng 60 chốt chặn do các nhóm biểu tình ủng hộ độc lập dựng lên đã bị "phá vỡ" mà không xảy ra bạo lực.
Tuy nhiên, theo quan chức Pháp, tuyến đường này đang đầy rẫy xác xe hơi, gỗ và kim loại bị đốt cháy, nhiều đoạn bị hư hỏng. Hiện lực lượng Pháp chỉ mới dọn sạch được các chướng ngại ở 15 chốt chặn.
Theo ghi nhận của phóng viên AFP, một số chốt chặn đã được người biểu tình thiết lập lại.
Ông Le Franc thông báo, tình hình sẽ "dữ dội hơn trong những ngày tới" tại các khu vực do các nhóm ủng hộ độc lập nắm quyền kiểm soát.
"Tôi muốn nói với những phần tử bạo loạn: Hãy dừng lại, bình tĩnh và từ bỏ vũ khí của mình. Nếu muốn sử dụng vũ khí, họ sẽ gặp rủi ro tồi tệ nhất" - Ông Le Franc nói, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là cuộc khủng hoảng "nghiêm trọng" và "chưa từng có" ở New Caledonia.
Pháp cáo buộc Azerbaijan khuấy động bất ổn
Theo tờ Guardian (Anh), chính phủ Pháp đã cáo buộc Azerbaijan khuấy động căng thẳng ở New Caledonia, bất chấp khoảng cách địa lý và văn hóa rộng lớn giữa quốc gia vùng Caspi và lãnh thổ hải ngoại ở Thái Bình Dương của Pháp.
Giải thích cơ sở cáo buộc của mình, chính phủ Pháp chỉ tới sự xuất hiện bất ngờ của cờ Azerbaijan cùng với biểu tượng Kanak trong các cuộc biểu tình tại New Caledonia. Bên cạnh đó, một nhóm - được cho là có liên hệ với chính quyền ở Azerbaijan - đã công khai ủng hộ lực lượng nổi dậy, đồng thời lên án chính phủ Paris.
"Đây không phải là tưởng tượng. Đây là sự thật" - Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin phát biểu trên kênh truyền hình France 2 khi được hỏi liệu Azerbaijan, Trung Quốc và Nga có can thiệp vào tình hình New Caledonia hay không.
"Tôi lấy làm tiếc vì một số nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập của New Caledonia đã đạt được thỏa thuận với Azerbaijan. Đó là điều không thể chối cãi" - ông Darmanin nói, song nhấn mạnh rằng "Ngay cả khi có những nỗ lực can thiệp, Pháp vẫn giữ được chủ quyền trên lãnh thổ của mình".
Trước đó, theo Guardian, Azerbaijan từng mời các đại diện ly khai đến từ các vùng Martinique, Guiana, New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp đến thủ đô Baku để tham dự một hội nghị vào tháng 7/2023.
Cuộc họp đã dẫn tới việc thành lập "Nhóm sáng kiến Baku", với mục đích là "hỗ trợ các phòng trào giải phóng và chống thực dân Pháp".
Quân đội và cảnh sát Pháp được điều động tới New Caledonia để kiểm soát tình hình bạo loạn. Nguồn: Guardian
Trong tuần này, "Nhóm sáng kiến Baku" đã đưa ra tuyên bố lên án việc quốc hội Pháp đề xuất thay đổi Hiến Pháp của New Caledonia về việc bầu cử, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người bản địa Kanaks trên đảo.
"Chúng tôi đoàn kết với những người bạn Kanak của mình và ủng hộ cuộc đấu tranh công bằng của họ" - "Nhóm sáng kiến Baku" tuyên bố.
Một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Pháp cho biết thêm rằng, các tài khoản mạng xã hội ủng hộ Azerbaijan hôm 15/5 đã đăng tải lên mạng xã hội một đoạn phim đã được chỉnh sửa với nội dung cho thấy hai sĩ quan cảnh sát da trắng cầm súng nhắm vào những người Kanak đã chết.
"Đây là một chiến dịch khá lớn, với khoảng 4.000 bài đăng được tạo bởi các tài khoản này" - Nguồn tin nói.
Nga và Azerbaijan cảnh cáo nóng Paris
Trước các cáo buộc liên quan tới tình hình New Caledonia, Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã gay gắt chỉ trích phát ngôn của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin là "những biểu hiện xúc phạm, chống lại Azerbaijan".
"Chúng tôi một lần nữa lên án mạnh mẽ những hành động xúc phạm Azerbaijan của phía Pháp, và kêu gọi Paris chấm dứt ngay chiến dịch bôi nhọ Azerbaijan bằng những cáo buộc không thể chấp nhận được, ví dụ như những cáo buộc của họ liên quan tới vụ thảm sát người Armenia.
Thay vì cáo buộc Azerbaijan hậu thuẫn các cuộc biểu tình ủng hộ độc lập ở New Caledonia, Bộ trưởng Nội vụ Pháp nên tập trung vào chính sách thất bại của đất nước mình đối với các lãnh thổ hải ngoại trước tiên, đó chính là nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình như vậy" - Tờ Caspian News trích dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Azerbaijan.
Nga và Azerbaijan đồng loạt lên tiếng cảnh báo Pháp về các cáo buộc liên quan tới tình hình New Caledonia. Ảnh: BI, MSN
Trước đó, hôm 17/4, trong bối cảnh Pháp quyết định rút Đại sứ tại Azerbaijan Anne Boyon về nước do căng thẳng giữa hai phía, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Aykhan Hajizada đã lên các cáo buộc của Pháp nhằm chống lại Azerbaijan.
Ông Hajizada cảnh báo, Đảng cầm quyền Pháp đã đưa ra nhiều cáo buộc vô văn cứ, lăng mạ và đe dọa chống lại Baku, làm suy yếu tính toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan.
"Azerbaijan đã nhiều lần tuyên bố với Pháp rằng, việc nói bằng ngôn ngữ đe dọa và gây áp lực sẽ không mang lại kết quả nào" - Ông Hajizada nói, đồng thời khẳng định "Azerbaijan sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình".
Theo hãng thông tấn APA (Azerbaijan), trong mọi trường hợp "Azerbaijan có đủ sức mạnh chính trị, ngoại giao và quân sự để vô hiệu hóa ảnh hưởng của Pháp trong khu vực Nam Caucasus".
Tờ Caspian News cho biết, Azerbaijan đang có trong tay lực lượng quân đội mạnh nhất khu vực Nam Caucasus, với tổng quân số 380.000 người, trong đó có 65.000 quân nhân tại ngũ, 300.000 quân dự bị, và 15.000 người trong lực lượng bán quân sự.
Năm 2022, Azerbaijan xếp thứ 63/142 quốc gia trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự của Global FirePower, trong khi Gruzia và Armenia lần lượt xếp thứ 88 và 98.
Về phần mình, trong ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo trên website chính thức, bác bỏ mối liên quan tới tình hình New Caledonia.
"Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của nước ngoài, đưa ra hoặc áp đặt lời khuyên để giải quyết các vấn đề và khủng hoảng nội bộ, như cách phương Tây và đặc biệt là như Pháp vẫn làm" - Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đồng thời cảnh báo, "thay vì dạy dỗ người khác, Paris nên hướng tầm nhìn vào những vấn đề sâu xa của chính mình".