Dư luận Trung Quốc đòi "từ bỏ" Triều Tiên
Hôm 23/4, Triều Tiên mạnh mẽ ra tuyên bố sẽ bắn chìm tàu sân bay nếu Mỹ tấn công. Liệu cuộc đọ súng và chiến tranh có nổ ra? Nhìn chung dư luận cho rằng khả năng này xác suất không cao. Vì hậu quả sẽ rất tai hại không thể lường hết được.
Trước tiên với Mỹ, các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ Mỹ ở hai nước này sẽ bị tấn công hạt nhân, thiệt hại nặng nề. Vì vậy, bản thân Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng thế giới sẽ phản đối Mỹ.
Đối với Triều Tiên tổn thất cả về chính trị, kinh tế, xã hội sẽ nghiêm trọng.
Đối với Trung Quốc cũng sẽ bị tổn thất nặng nề. Bởi lẽ quan hệ hai nước Trung – Triều hiện nay đã trở nên thù địch. Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp nối chính sách bình thường hóa mối quan hệ với Triều Tiên, thay cho quan hệ "đồng minh xương máu" trong quá khứ.
Ngày 7/4/2013 phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, ông Tập cảnh cáo mạnh mẽ Triều Tiên vì ích kỉ cá nhân làm náo loạn cả khu vực và thế giới.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua ( 6/4 – 7/4/2017), ông được cho là đã có những đồng thuận với Tổng thống Donald Trump về sự cần thiết phải gây sức ép với Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại Bắc Kinh ngày 25/5/2011, từ đó đến nay lãnh đạo Trung-Triều không có thêm cuộc gặp nào. (Ảnh: Xinhua)
Dư luận Trung Quốc trong những năm gần đây cũng mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu từ bỏ "người anh em" này.
Ngày 2/4/2013 ông Đặng Duật Văn, Phó Tổng biên tập tờ Thời báo học tập của đảng Cộng sản Trung Quốc, nói thẳng thừng "Không nên đeo đuổi mà phải từ bỏ Triều Tiên".
Tờ Thời báo hoàn Cầu ngày 3/4/2013 cũng cho rằng Trung Quốc "không nên để Triều Tiên dắt mũi", nếu không sẽ là nạn nhân của hành động phiêu lưu mạo hiểm.
Báo chí Trung Quốc ngày 9/4//2013 dẫn phát biểu của một số cựu chiến binh tham gia Chiến tranh Triều Tiên hồi thập niên 1950, nói "Tình hữu nghị bằng máu kề vai sát cánh chung một chiến hào trước đây giờ không còn quan trọng nữa. Kẻ nào cố ý làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, chúng ta cần phải trừng phạt tới cùng".
Triều Tiên ngày càng bất mãn với Trung Quốc
Khi ông Trump tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực và đưa tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi bán đảo, truyền thông Trung Quốc ngày 23/4 đã có nhận định "Triều Tiên là kẻ địch tiềm tàng của Trung Quốc, Hàn Quốc mới thực sự là bạn của Trung Quốc", "Nếu Mỹ gây chiến thì sẽ không có cuộc kháng Mỹ viện Triều như trước đây".
Về hành động, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp cứng rắn trừng phạt và gây sức ép, như cùng Mỹ đưa Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng bảo an LHQ, cắt giảm viện trợ kinh tế, đe dọa ngừng cung cấp dầu khí, không nhập than đá Triều Tiên…
Báo Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản ngày 28/3/2016 cho biết hiện nay Triều Tiên thậm chí bất mãn với Bắc Kinh hơn cả sự đối địch dành cho Mỹ và Hàn Quốc.
Tờ này dẫn một tài liệu nội bộ của Triều Tiên nói rằng "phải đập tan ảo tưởng đối với Trung Quốc" bởi Bắc Kinh đã "về hùa với Mỹ chống lại Triều Tiên ".
Ngày 3/4/2016, Hội đồng quốc phòng Triều Tiên khi đánh giá về tình hình quốc tế và trong nước. viết "Bất kỳ kẻ nào cũng không thể ngăn nổi bước tiến của Triều Tiên cho dù một số nước đã quỳ gối cúi đầu trước Mỹ, về hùa với Mỹ để trừng phạt Triều Tiên".
Hội đồng cũng tuyên bố "tình hình bán đảo hiện nay chưa đủ điều kiện để đối thoại mà chỉ có súng đấu súng, hạt nhân đấu hạt nhân".
Ngày 23/4/2017, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA có bài "Hãy suy nghĩ kỹ khi theo đuôi người khác", viết:
"Nếu họ (ám chỉ Trung Quốc) đánh giá sai ý chí của Triều Tiên, theo đuôi người khác, tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, hoặc được kẻ thù của Triều Tiên (Mỹ) vỗ tay tán thưởng, thì họ cần phải chuẩn bị tư tưởng chuốc lấy hậu quả tai hại trong quan hệ với Triều Tiên".
Truyền thông Trung Quốc thậm chí phải lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ "hậu quả" mà Triều Tiên phải gánh chịu nếu họ góp phần đẩy căng thẳng leo thang hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân làm ảnh hưởng đến vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Vì vậy, ngay sau khi tàu USS Carl Vinson tới vùng biển gần Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Trump và khuyến cáo Mỹ cùng các bên kiềm chế.
Đàm phán bế tắc, vũ lực khó có thể xảy ra, vậy rốt cuộc tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian tới ra sao?
Dư luận chung của các nước cho rằng cục diện sẽ trở lại tình trạng như thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và các tiền nhiệm trước đây, khi mối quan hệ Mỹ - Triều, Trung - Triều vẫn ở thế giằng co, lúc căng thẳng, lúc hòa dịu.
Triều Tiên giờ đây thực sự trở thành cái gai trong quan hệ Trung – Mỹ./.