Nếu thuộc 3 kiểu cha mẹ này thì tương lai con bạn rất rạng rỡ

HIỂU ĐAN |

Gia đình là đất đai cho con cái nở hoa. Môi trường gia đình, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ quyết định một cách sâu rộng đến tương lai của đứa trẻ.

Trong một gia đình, tính cách của cha mẹ không chỉ truyền lại cho con cái thông qua gen di truyền, mà còn ảnh hưởng một cách tinh tế từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Gia đình là đất đai cho con cái nở hoa. Môi trường gia đình, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ quyết định một cách sâu rộng đến tương lai của đứa trẻ.

Có 3 kiểu cha mẹ có thể giúp con cái lớn lên tự tin và thành công. Hãy xem bạn có trong số đó không nhé!

Cha mẹ cho con cái tự do lớn lên

Thái độ cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi tính cách của trẻ. Cha mẹ là người con cái yêu quý tôn trọng nhất, muốn làm việc gì cũng phải được bố mẹ đồng ý. Thông thường, trẻ sẽ xem xét ý kiến và quan điểm của cha mẹ, nếu có mâu thuẫn với quan điểm của mình, trẻ sẽ nhượng bộ theo bản năng.

Nếu các bậc cha mẹ luôn áp đặt khuôn phép với trẻ mà không cho chúng có một khoảng tự do riêng và tôn trọng sự tự do ấy cũng dễ khiến trẻ bực bội, căng thẳng dẫn tới phản ứng bằng cách đối đầu. Ngược lại, những gia đình cho con cái được tự do lớn lên, có thể hành động theo ý kiến của riêng chúng, dù có lúc không tránh khỏi phạm sai lầm nhưng thông qua đó, trẻ mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho tương lai sau này.

Khi trẻ vượt quá giới hạn của sự cho phép, cha mẹ có thể dùng lời nói và hành động nghiêm khắc chứ không nên sử dụng roi vọt.

Nếu thuộc 3 kiểu cha mẹ này thì tương lai con bạn rất rạng rỡ - Ảnh 1.

Cha mẹ không đặt ra quá nhiều yêu cầu

Trong nhiều gia đình, cha mẹ sẽ đặt ra cho con rất nhiều mục tiêu, quy tắc, giúp con lập kế hoạch học tập, sắp xếp thời gian, không muốn một phút giây nào bị lãng phí. Trong không khí căng thẳng như vậy, cho dù trẻ có phục tùng đi chăng nữa thì cũng không cam lòng, ấp ủ sự ấm ức hoặc bất đắc dĩ chấp nhận sự sắp xếp của cha mẹ.

Sự áp đặt của cha mẹ khiến con khó thể hiện bản thân, bộc lộ cảm xúc thật vì sợ bị đánh giá. Những lời chỉ trích gay gắt có thể khiến trẻ cảm thấy thua kém so với bạn bè và bị mặc cảm. Con cũng có thể lớn lên để trở thành những “bậc thầy nói dối” để tránh bị trừng phạt.

Còn những bậc cha mẹ không gò bó sự trưởng thành của con cái thì duy trì mối quan hệ như bạn bè với con, nếu có vấn đề gì nảy sinh sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết; điều họ quan tâm không phải là kết quả mà là cách thức giải quyết vấn đề và sự tích lũy kinh nghiệm của đứa trẻ.

Với sự đồng hành này, đứa trẻ lớn lên sẽ trở nên mạnh dạn và tự tin hơn vì cảm thấy được cha mẹ hoàn toàn tin tưởng. Dù có gặp vấn đề lớn, chúng vẫn yên tâm vì vẫn có cha mẹ phía sau sẵn sàng cùng mình vượt qua.

Cha mẹ không luôn luôn từ chối con cái

Khi trẻ đưa ra một yêu cầu hoặc ý tưởng nào đó, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ là từ chối bằng thái độ và giọng điệu tiêu cực, điều này sẽ đánh mất hoàn toàn sự tự tin của trẻ.

Thông thường yêu cầu của trẻ không phải là vấn đề lớn, nếu thỏa mãn con một chút cũng chẳng sao cả. Giống như việc trẻ muốn ăn vặt, chỉ cần cha mẹ giúp con kiểm soát lượng ăn vừa phải là được, đừng luôn cứng nhắc lấy lý do muốn tốt cho sức khỏe của con để từ chối.

Cha mẹ hãy cố gắng đồng ý với con cái và hướng dẫn chúng suy nghĩ xa hơn. Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu con thực hiện hành vi đó hoặc không làm điều đó. Mặc dù đây có vẻ là một "bài kiểm tra lớn" ở độ tuổi của con, nhưng sau này, trẻ sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự một mình. Hãy xem đây là cách "tập dượt" để con làm quen và rèn luyện từ từ.

Khi tự suy nghĩ để tìm hiểu một vấn đề, trong đó có một số điều không có lợi cho sự phát triển của bản thân, con sẽ tích lũy kinh nghiệm một cách tự động và có ý thức. Điều này hữu ích hơn là cha mẹ nghiêm khắc khiển trách con cái một cách bất chấp lý lẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại