Trong bài viết mang tựa đề "Чем Сирия может ответить Израилю на ракетные удары? - Syria có thể đáp trả các cuộc không kích tên lửa của Israel bằng những gì?", chuyên gia người Nga Yuri Podolyaka đã đưa ra các kịch bản mà Syria có thể tấn công trả đũa bằng tên lửa vào "trái tim" của Israel.
Theo chuyên gia này, đối với bất cứ quốc gia nào, an toàn lãnh thổ là ưu tiên quan trọng nhất. Và nếu như trong vòng nhiều năm và thậm chí vài chục năm, quốc gia láng giềng thường xuyên triển khai các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ của mình, thì đó là điều không bình thường và bên bị bắt nạt hoàn toàn có quyền thực hiện những hành động đáp trả.
Hơn nữa, giữa Israel và Syria luôn ở trong tình trạng chiến tranh, dù có lúc bùng lên mạnh mẽ, lúc thì âm ỉ, liên tục kể từ năm 1948.
Chính điều này đã được đại diện của Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Basar Al Jaafari đưa ra tại phiên họp của tổ chức này: "Syria giữ lấy quyền đáp trả tương xứng đối với các cuộc không kích của không quân Israel và tấn công sân bay Tel-Aviv".
Đúng, Syria hoàn toàn có quyền, từ lâu rồi. Vấn đề ở chỗ họ có tấn côngIsrael hay không? Nếu có thì bằng cái gì?
Leo thang
Cuộc không kích hôm 21/01/2019 không phải là đầu tiên của lực lượng không quân Israel nhằm vào lãnh thổ Syria sau một thời gian dài im ắng liên quan tới sự việc lực lượng phòng không Syria đã bắn nhầm chiếc máy bay IL-20 của Nga và Moscow chuyển giao cho Damascus các tổ hợp tên lửa S-300.
Từ hồi cuối tháng 12/2018, khi 6 chiếc máy bay F-16 phóng tên lửa nhằm vào những mục tiêu trên lãnh thổ Syria, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố thanh minh:
"Chúng tôi không thể chấp nhận sự hiện diện của binh lính Iran ở Syria để chống lại Nhà nước Do Thái. Chúng tôi hành động chống lại họ một cách cương quyết và cứng rắn, không nao núng. Nếu cần phải làm thì chúng tôi sẽ hành động".
Tiêm kích F-16 của Không quân Israel.
Sau đó liên tiếp các cuộc tấn công được triển khai. Israel cố tình khiêu khích Syria sau tuyên bố của ông Donald Trump về việc rút các đơn vị của Mỹ khỏi lãnh thổ nước này. Đúng một tuần trôi qua giữa hai sự kiện này, đúng thời gian vừa đủ để xây dựng chiến lược hành động và bắt đầu triển khai nó trong thực tiễn.
Và nếu phía Syria đáp trả, điều đó chưa chắc đã là vấn đề đối với Israel. Mặc dù vấn đề chính ở đây là "câu trả lời" sẽ bay đến như thế nào và với những kết quả nào dành cho Tel-Aviv.
Tấn công bằng gì?
Thoáng qua, Damacus không thể dùng thứ gì đó xứng tầm để đe doạ Tel-Aviv. Tiềm lực tên lửa của quốc gia này, chính xác hơn là những gì còn lại sau cuộc nội chiến đã lỗi thời cả về "thể xác lẫn tinh thần" và khó có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho người Israel.
Các tên lửa đạn đạo Tochka và những phiên bản Scud cũ của Liên Xô có thể cất cánh từ lãnh thổ Syria, nhưng dường như chúng ít có khả năng chúng gây ra thiệt hại đáng kể nào đó cho Israel. Đó cũng chính là "câu trả lời" mà người Israel chờ đợi và mong muốn.
Và vấn đề cũng không phải là các tên lửa "cổ lỗ sĩ" sẽ dễ dàng bị những tổ hợp tên lửa phòng không Patriot hay David's Sling (đang trong quá trình thử nghiệm) của phòng không Israel bắn hạ, mà là cuộc tấn công tương tự dù không có đạt được bất cứ kết quả quan trọng nào sẽ hoàn toàn cởi trói cho Israel trong tương lai.
Israel thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa. Ảnh: mda.mil/PD
Nếu như cần thực hiện một cuộc tấn công, thì phải khiến cho kẻ địch thiệt hại tới mức không tính toán được (bao gồm cả thiệt hại về tinh thần). Trên thực tế, Syria có loại vũ khí chắc chắn có thể xuyên thủng hệ thống phòng không/phòng thủ chống tên lửa của Israel và tiêu diệt chính xác mọi mục tiêu định sẵn.
Vấn đề là từ hồi năm 2011, Syria đã tiếp nhận các tổ hợp phòng vệ bờ biển Bastion, mà vũ khí chính của nó là tên lửa siêu thanh Yakhont (phiên bản xuất khẩu của Onyx), có khả năng "xử lý" một cách hiệu quả cả các căn cứ dọc bờ biển.
Điều này đã được chứng minh bằng cuộc tấn công nhằm vào kho đạn dược của phiến quân tại Syria hồi tháng 11/2016 do tàu hộ vệ "Đô đốc Grigorovich" thực hiện.
Syria hiện đang có trong tay tối thiểu 8 bệ phóng (mỗi bệ chứa 2 quả tên lửa) của tổ hợp Bastion và chúng có khả năng thực hiện cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào các căn cứ nằm sâu trong đất liền tới 300km.
Có nghĩa là nếu Syria ra quyết định thì vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, ngay lập tức vài quả tên lửa bay với vận tốc 2,0M ở độ cao siêu thấp (trong trường hợp này tầm bắn sẽ tối thiểu, nhưng hoàn toàn đủ để tấn công Israel) có thể cắm thẳng xuống một trong những căn cứ không quân Israel.
Chúng có thể thực hiện một cú tấn công cực kỳ chính xác bằng những đầu đạn khối lượng 200kg nhằm vào các máy bay ở đó.
Ttên lửa bờ Bastion hủy diệt mục tiêu trên cạn ở Syria.
Những hệ quả
Không biết người Mỹ sẽ ứng xử thế nào trong trường hợp này (thực ra trong lịch sử các cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel họ chưa bao giờ dùng các lực lượng của mình trực tiếp chiến đấu cùng với phe Israel), nhưng ban lãnh đạo Nhà nước Israel sau đó sẽ chỉ có hai phương án.
Thứ nhất – từ chức, thứ hai – bắt đầu chiến dịch tấn công tổng lực trên bộ vào Syria bằng tất cả các thành phần của Lực lượng phòng vệ Israel.
Nếu lựa chọn phương án, Israel sẽ vấp phải những trở ngại rất lớn bởi kinh nghiệm từ cuộc chiến Li-băng lần thứ hai cho thấy, hiện nay Lực lượng phòng Israel đã không còn tinh nhuệ như thập niên 80 xa xôi nữa.
Họ có thể vượt qua hàng trăm km sa mạc Syria, nhưng sẽ vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân đội Syria, cho dù lực lượng này đã trở nên tàn tạ sau nhiều năm nội chiến đẫm máu… Có lẽ Lực lượng phòng vệ Israel hiện nay hoàn toàn không làm được những chiến thắng lịch sử mang tính bước ngoặt.
Tạm thời Damacus sẽ không hành động. Rủi ro là quá lớn. Họ sẽ không hành động cho tới khi binh lính Mỹ vẫn còn ở trên lãnh thổ của họ.