Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô?

Trần Quỳnh |

Lấy danh nghĩa báo thù cho Quan Vũ, Lưu Bị đã chủ trương phát động cuộc chiến chinh phạt Đông Ngô nhưng lại chuốc lấy kết cục đại bại.

Vậy giả sử viên hổ tướng Quan Vân Trường có thể thoát được mối họa sát thân năm xưa, thì chiến dịch "sống mái" với Tôn Ngô của Lưu Bị liệu nắm chắc mấy phần thắng lợi?

Nhìn lại cuộc đời vị quân chủ nổi danh Tam Quốc là Lưu Bị, có thể dễ dàng để nhận thấy ông từng không ít lần nếm mùi thất bại.

Thế nhưng mỗi khi đứng trước lằn ranh sinh tử, Lưu Bị đều may mắn chạy thoát một cách ngoạn mục, thậm chí sau đó còn nhanh chóng vực dậy. Chính điều này đã khiến hậu thế không khỏi bội phục trước sự bền bỉ là lòng quyết tâm của vị quân chủ họ Lưu ấy.

Tuy nhiên dường như may mắn đã không còn mỉm cười với ông từ sau thất bại ở trận Di Lăng trong chiến dịch chinh phạt Đông Ngô.

Mặc dù chủ động đem quân đi "tính sổ" với Tôn Quyền để báo thù cho Quan Vũ và đòi lại Kinh Châu, nhưng tiếc rằng một người cả đời chinh chiến sa trường như Lưu Huyền Đức cuối cùng lại thảm bại trong tay vị tướng Đông Ngô trẻ tuổi Lục Tốn.

Trải qua lần bại trận đau đớn ấy, Lưu Bị cũng không còn cơ hội "đông sơn tái khởi" vì chỉ chưa tới 1 năm sau đã qua đời trong u sầu ở thành Bạch Đế.

Bàn về thất bại để đời năm ấy của Lưu Bị, có ý kiến cho rằng nếu trước đó Quan Vũ không chết trận, kịch bản phạt Ngô của Thục Hán chắc chắn đã có kết quả khác.

Vậy giả sử có được sự trợ giúp từ viên hổ tướng Quan Vân Trường, Lưu Bị liệu nắm chắc mấy phần thắng trong chiến dịch "sống mái" với Đông Ngô?

Vấn đề Kinh Châu thời Tam Quốc: Tôn Quyền dù rất muốn đòi lại nhưng vẫn kiêng dè Lưu Bị vì Quan Vũ?

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 1.

Mặc dù là hai thế lực cùng liên minh kháng Tào, nhưng mối quan hệ giữa Tôn Quyền - Lưu Bị thực chất không tốt đẹp như vẻ bề ngoài. (Ảnh minh họa).

Kể từ sau chiến thắng trong trận Xích Bích, quan hệ liên minh hai giữa nhà Tôn – Lưu bề ngoài tưởng chừng như vô cùng hòa thuận, thế nhưng bên trong lại tồn tại không ít mâu thuẫn gay gắt.

Năm xưa, Lưu Bị vốn chỉ là một người sở hữu thực lực nhỏ yếu, ngay tới mảnh đất đặt chân còn không có, nửa đời đi lang bạt khắp nơi, nương nhờ đủ mọi thế lực. Vì để liên minh đối kháng với Tào Tháo ở phương Bắc, Tôn Quyền buộc phải lựa chọn nâng đỡ ông bằng cách cho mượn Nam quận và chấp nhận gả em gái để kết làm thông gia.

Thế nhưng Lưu Huyền Đức vốn không phải kiểu người cam chịu làm bề tôi dưới trướng kẻ khác. Vị quân chủ này chẳng những muốn gây dựng nền móng vững chắc ở Kinh Châu mà còn có khát vọng vươn mình về phía Tây Xuyên.

Đến khi có được Ích Châu, thực lực của tập đoàn chính trị dưới tay ông đã vượt mặt Đông Ngô. Đây cũng là lý do khiến Tôn Quyền không thể không cân nhắc tới an nguy của bản thân và cơ nghiệp Giang Đông trước sự phất lên của đồng minh nguy hiểm này.

Hơn nữa, mảnh đất Kinh Châu vốn là nơi trấn giữ vùng thượng du của Giang Đông. Nếu có kẻ từ nơi này theo đường thủy mà đánh xuống, cơ nghiệp mấy đời của gia tộc họ Tôn rất có thể sẽ tiêu tán trong chớp mắt.

Do đó chỉ khi thu về Kinh Châu, Tôn Quyền và Đông Ngô mới có thể đảm bảo an toàn cho vận mệnh của mình.

Thế nhưng Lưu Bị thực chất cũng rất mực xem trọng mảnh đấy ấy và coi đây là đại bản doanh chủ chốt của mình. Hơn nữa Long Trung đối sách trước đó đã chỉ ra, Kinh Châu vốn là một địa bàn chiến lược không thể để mất.

Vì vậy, vấn đề chủ quyền Kinh Châu chính là nguyên nhân khiến các bất hòa và mâu thuẫn song phương giữa Đông Ngô và Thục Hán càng lúc càng trở nên gay gắt.

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 2.

Nhiều lần quanh co không trả lại Kinh Châu, Lưu Bị đang ấp ủ nước cờ biến "của đi mượn" thành thứ của mình. (Ảnh minh họa).

Năm 215 sau công nguyên, Tôn Quyền một lần nữa lấy lý do Lưu Bị đã có được Ích Châu để thu lại Kinh Châu về tay mình. Thế nhưng việc người đồng minh này vẫn quanh co không trả đã khiến vị quân chủ của Đông Ngô không khỏi nổi giận.

Sau đó, Tôn Quyền đã cho quân tập kích phía nam Kinh Châu, chiếm lại 3 quận Linh Lăng, Quế Dương và Trường Sa. Bấy giờ, Lưu Bị cũng đã tự mình dẫn đại quân tới trực chiến, đồng thời còn cho Quan Vũ suất lĩnh 1 vạn thủy quân sẵn sàng tham chiến.

Thế nhưng sau đó vì sức ép từ việc Tào Tháo bành trướng thế lực, cả hai bên Thục Hán và Đông Ngô đều không thể theo đuổi cuộc chiến này.

Đông Ngô dù là phe chủ động khai chiến nhưng cũng buộc phải chấp nhận nghị hòa, chịu phân chia lại Kinh Châu, lấy sông Tương Thủy làm ranh giới.

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 3.

Có ý kiến cho rằng, việc Tôn Quyền không "làm căng" trong vấn đề Kinh Châu trước kia vốn là do e sợ thế mạnh về thủy chiến của Quan Vũ dưới tay Lưu Bị. (Ảnh minh họa).

Theo lý giải của QQNews, việc Tôn Quyền thay đổi thái độ nhanh như vậy phần nào bắt nguồn từ sự e sợ của vị quân chủ này đối với thủy quân của Quan Vũ. Bởi lẽ, Quan Vân Trường vốn nổi danh là một danh tướng kỳ tài trên phương diện thủy chiến.

Năm xưa khi lục quân của Lưu Bị tiêu tán trong trận Đương Dương, Thục Hán chỉ còn 1 vạn thủy quân do Quan Vũ suất lĩnh là may mắn bảo toàn lực lượng. Đây cũng chính là thứ "vốn liếng" giúp Lưu Bị một lần nữa quật khởi.

Trong cuộc chiến Tương Phàn, ông lại dựa vào sức chiến đấu của thủy quân mà đánh bại Vu Cấm của phe Tào Ngụy.

Từ đó có thể thấy, thủy quân phe Lưu Bị dưới bàn tay chỉ huy của Quan Vũ sở hữu thực lực mạnh đến nỗi khiến nhiều thế lực không khỏi e dè, khiếp sợ.

Nếu Quan Vân Trường còn sống, Lưu Bị sẽ có kết cục thế nào trong chiến dịch "sống mái" với Đông Ngô?

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 4.

Là người chủ động đem quân đi chinh phạt Đông Ngô, Lưu Bị với thế mạnh về tương quan lực lượng vốn dĩ có thể dành nhiều ưu thế trong cuộc chiến do mình phát động. (Ảnh minh họa).

Năm 219, Quan Vũ khi đó đang trấn thủ Kinh Châu đã đem quân đi vây đánh Phàn Thành và dành được nhiều lợi thế ban đầu trước phe Tào Ngụy. Thế nhưng khi vị tướng này đang mải mê đánh Vu Cấm thì Tôn Quyền đã sai Lã Mông mang quân đi đánh úp Kinh Châu.

Sự trở mặt bất ngờ của Đông Ngô đã khiến Thục Hán không chỉ vuột mất Kinh Châu mà còn mất đi một viên hổ tướng trụ cột là Quan Vũ. Sau biến cố ấy, Lưu Bị vô cùng nóng lòng muốn báo thù cho Quan Vân Trường và lấy lại Kinh Châu - mảnh đất có vị trí chiến lược vốn không thể thay thế.

Năm 221, ông giao cho Thừa tướng Gia Cát Lượng giúp Thái tử Lưu Thiện giữ Thành Đô, còn mình thì đích thân dẫn đại quân lên đường phạt Ngô.

Đầu năm 222, quân Thục Hán tiến đến Di Lăng, Hào Đình. Ngay lúc này, Lưu Bị đã ra một quyết định sai lầm bị xem là tối kỵ của nhà binh: Ông hạ lệnh cho thủy quân lên bộ hạ trại, hơn nữa còn lập ra liên tiếp mấy chục doanh trại bằng gỗ rừng.

Kết quả là tướng Lục Tốn của Đông Ngô đã dùng hỏa công đồng loạt tấn công vào liên trại của Lưu Bị. Quân Thục bị đánh úp nên không kịp trở tay, nhanh chóng tan vỡ và bỏ chạy. Tàn quân của Lưu Bị sau đó chạy về thành Bạch Đế trong tình cảnh vô cùng thê thảm.

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 5.

Vì mắc phải sai lầm tối kỵ trong của nhà binh, Lưu Bị đã nhận lấy kết cục thảm bại trong trận chiến quyết định tại Di Lăng. (Ảnh minh họa).

Theo phân tích của QQNews, nguyên nhân chủ chốt dẫn đến thất bại của Thục Hán trong trận Di Lăng chính là việc Lưu Bị đã lơ là hoặc cố ý không tận dụng đội ngũ thủy quân của mình.

Bởi nếu so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên, binh lực của Thục Hán bấy giờ hoàn toàn chiếm ưu thế trước quân Giang Đông.

Thực chất, yếu tố khiến Đông Ngô lo lắng nhất cũng chính là nước cờ kết hợp cả thủy quân và lục quân của phe đối địch. Do Kinh Châu vốn là vùng đất không thiếu sông hồ, một khi thủy quân tham chiến thì có thể linh hoạt mà di chuyển, tấn công.

Thế nhưng cuối cùng Lưu Bị lại hạ lệnh cho đội ngũ thủy quân của mình lên bờ và hạ trại ở nơi rừng núi. Liên trại của Thục Hán khi đó thậm chí còn kéo dài tới mấy trăm dặm. Chính sơ hở trong chiến thuật dùng binh ấy đã khiến Lục Tốn thừa cơ dùng hỏa công thiêu cháy liên trại, và đẩy Thục Hán vào cảnh thất bại thê thảm.

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 6.

Việc Lưu Bị không tận dụng thế mạnh thủy quân và bị đại bại ở Di Lăng phải chăng có liên quan tới cái chết của viên hổ tướng Quan Vân Trường? (Tranh minh họa).

Có giả thiết cho rằng, nếu năm xưa Quan Vũ không chết trận mà có thể chạy trốn trở về Ích Châu, thì chắc chắn Lưu Bị sẽ không nhận lấy kết cục đại bại ở trận Di Lăng.

Bởi Quan Vân Trường đặc biệt có thế mạnh về thủy chiến, do đó chắc chắn Lưu Bị sẽ để ông suất lĩnh thủy quân. Nước cờ này đương nhiên sẽ đánh thẳng vào điểm yếu mà Đông Ngô vốn rất kiêng kỵ.

Hơn nữa nếu có sự giúp sức của Quan Vân Trường, Lưu Bị năm ấy cũng sẽ không vì e sợ thủy quân quá yếu mà bỏ qua sách lược kết hợp đánh thủy và đánh bộ.

Vì vậy có thể khẳng định rằng, giả sử Quan Vũ còn sống và tham gia trận chiến ở Di Lăng, khả năng Thục Hán đánh bại Đông Ngô là vô cùng lớn.

Trong trường hợp không thể thâu tóm toàn bộ tập đoàn chính trị này, Lưu Bị ít nhất cũng có thể đoạt lại Kinh Châu, từ đó chiếm thế chủ động trước Tôn Ngô và có thực lực tranh thiên hạ cùng Tào Ngụy.

Lời kết

Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô? - Ảnh 7.

Thất bại thảm hại trong trận Di Lăng đã khiến Lưu Bị đánh mất toàn bộ đội quân tinh nhuệ và suy sụp tới mức bệnh không dậy nổi. (Ảnh minh họa).

Sau khi bại trận và quay về thành Bạch Đế, Lưu Bị cũng chẳng còn cơ hội "đông sơn tái khởi" vì đã qua đời trong u sầu chỉ chưa đầy 1 năm sau đó. Theo nhận định của QQNews, cái chết của vị Hoàng đế này đã khiến nhà Thục Hán dần trở thành thế lực yếu nhất trong Tam Quốc và mất đi hy vọng tranh bá cùng Tào Ngụy.

Tuy sau đó, cơ nghiệp của Lưu Bị được Gia Cát Lượng liều mạng chống đỡ. Thế nhưng có ý kiến cho rằng, dù đã che chở cho Thục Hán trước nhiều cơn sóng dữ, Khổng Minh chung quy vẫn chỉ có thể đem tập đoàn chính trị ấy kéo dài hơi tàn thêm mấy thập niên mà thôi.

Có lẽ, việc mất đi viên hổ tướng trụ cột như Quan Vũ không chỉ là một đòn đả kích về tâm lý đối với Lưu Bị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực lực quân sự của nhà Thục Hán.

Cũng bởi vậy mà mỗi khi nhìn lại về thất bại để đời của Lưu Bị ở Di Lăng, có học giả đã từng đưa ra nhận định: "Lưu Huyền Đức lúc sinh thời, thành cũng nhờ Quan Vũ, bại cũng do Quan Vũ".

Nếu những diễn biến trong chiến dịch chinh phạt Đông Ngô diễn ra đúng như giả thiết nêu trên, thì thế cục Tam Quốc nói riêng và lịch sử Trung Hoa nói chung rất có thể đã được viết lại theo một cách khác.

Chỉ tiếc rằng thực tế lịch sử vốn không có "nếu như". Vì thế mà hậu thế sau này cũng chỉ có thể thở dài tiếc nuối mỗi khi nhìn lại những sai lầm của tiền nhân năm xưa…

*Dịch từ báo nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại