Căn cứ vào 19 ý kiến bình luận được gửi về tòa soạn, sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định trao giải thưởng cho bạn đọc đã gửi câu trả lời nhanh nhất và đầy đủ nhất (không sao chép) sau đây:
Phần trả lời của bạn Lê Hạnh:
Đúng!
Nhiều ý kiến cho rằng trước đây, năm 2000 Việt nam từ chối không mua MiG-31 khi có cơ hội.
Bây giờ cũng vậy thôi, mặc dù kinh tế đất nước hoàn toàn có thể đáp ứng một, hai phi đội MiG-31, và mặc dù sau khi cải tiến nâng cấp lên chuẩn MiG-31BM nó đã thành tiêm kích đa năng có các chỉ tiêu được đánh giá tăng 2,6 lần so với phiên bản cũ. Nhưng vẫn chưa cần mua vội.
Tại sao?
Như các bài đã phân tích kỹ, quân đội ta luôn mang tính phòng thủ; chiều dài đất nước mình gấp nhiều lần chiều rộng; khoảng cách từ bờ ra các đảo trên biển cũng không quá xa.
MiG-31 có vận tốc lớn nhưng tính năng đánh quần vòng kém; radar chưa thực sự tiên tiến nhất; tính đe doạ của chiến thuật không - hải chiến của đối thủ tiềm năng chưa rõ ràng, dẫn tới nhu cầu tiêu diệt máy bay cảnh báo tầm xa của đối phương cũng chưa tới mức cấp bách.
Trong khi đây lại là điểm mạnh nhất và là nhiệm vụ chiến thuật chủ yếu của MiG-31.
Rồi còn tính năng “hơi thừa” đối với Việt nam, nó là máy bay đánh chặn tầm xa, mang được tên lửa chống vệ tinh, đánh chặn từ xa các máy bay chiến lược mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của đối phương, khi chưa bay tới khoảng cách phóng hiệu dụng...
Có lẽ nó sẽ phát huy được ưu điểm nhiều hơn đối với các quốc gia rộng lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh và có lực lượng radar chỉ huy mặt đất hiện đại, trải khắp đất nước.
Vậy Việt nam có nghiên cứu mua không? Bù đắp tính năng ưu việt của MiG-31 bằng cách gì, bằng loại tiêm kích nào?
Theo ý kiến của tôi, vẫn tiếp tục nghiên cứu trong tương lai, nếu có nhu cầu cần thiết, khi các nguy cơ chiến tranh và sự đe doạ trên không rõ ràng hơn. Còn ngay bây giờ thì chưa nên mua.
Máy bay đa nhiệm Su-27/30 của ta đủ sức bảo vệ bầu trời, biển đảo. Nếu sắm thêm được Su-30MS và Su- 35S thì lý tưởng hơn MiG-31.
Và nếu thoả thuận được với Ấn độ về việc trang bị và sản xuất (miễn phí chuyển giao công nghệ) tên lửa hành trình BrahMos phiên bản mini cải tiến lắp trên các loại Su; các loại tên lửa mã hiệu trên phóng từ tàu chiến, từ bờ biển, từ tàu ngầm, Việt nam có thể an tâm “bắn và quên”.
Tên lửa hiện đại khó đánh chặn này sẽ có sức răn đe rất lớn khi hợp với nhiều mũi giáp công tầm xa như Bastion-P, S-300, EXTRA, KCT-15, Bal-E (sẽ có), Kh-35, 3M-14E, 3M-54E... xé toác máy bay, bẻ gãy tàu chiến và dập nát căn cứ tập kết phương tiện của đối thủ.