Mới đây, một quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thừa nhận rằng, có lẽ lực lượng của khối này đã chiến đấu với Lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine, nếu không vấp phải sự uy hiếp của kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà Moscow đang sở hữu.
Theo giới chuyên gia quân sự phương Tây, lính đánh thuê và cố vấn quân sự từ các nước phương Tây từ lâu đã tham gia vào cuộc xung đột Ukraine ở bên phía Kiev và Moscow biết rõ về điều này.
Tuy nhiên, binh sĩ trong biên chế quân đội chính quy của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thực sự không tham gia chiến đấu với quân Nga, vì giới lãnh đạo các nước phương Tây sợ nếu NATO tiến quân vào Ukraine có thể dẫn đến xung đột hạt nhân với Nga.
Người đứng đầu Ủy ban Quân sự NATO là Đô đốc Rob Bauer cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.
“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu người Nga không có vũ khí hạt nhân thì chúng tôi đã có mặt ở Ukraine và đuổi họ đi rồi. Chúng tôi sẽ làm điều đó. Nhưng họ có vũ khí hạt nhân. Vì vậy, nó (cuộc xung đột với Nga ở Ukraine) không giống như ở Afghanistan” - Đô đốc NATO cho biết.
Thực tế là từ lâu các nước NATO ủng hộ Ukraine đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại không chỉ về về kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới, mà còn cả kho vũ khí thông thường rất hiện đại và vô cùng lớn của Nga.
Họ sợ chạm đến “lằn ranh đỏ” của Moscow sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Nga với các quốc gia NATO, điều mà không nước nào thực sự mong muốn, khi họ cũng không có mâu thuẫn trực tiếp với Nga.
Do đó, các nước hàng đầu NATO như Mỹ, Đức, Anh, Pháp cũng không dám đường đột can dự quá sâu vào cuộc xung đột này, mà dần dần từng bước leo thang cấp độ xâm lấn vào lằn ranh đỏ của Nga, để thử phản ứng của Điện Kremlin, nhưng cũng chỉ leo thang đối với vấn đề cung cấp vũ khí, chứ không bao giờ cam kết đưa quân vào Ukraine giúp đỡ chính quyền Kiev.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến thực tế là một số nước phương Tây cảm thấy họ không bị trừng phạt trong cuộc xung đột ở Ukraine và nếu cứ tái diễn tiền lệ như trên thì trong tương lai chúng có thể trở thành một thảm kịch đối với thế giới.
Trong tình huống mà các chuẩn mực ứng xử trên trường quốc tế bị phá bỏ, việc một quốc gia nào đó không thể kìm chế được và sử dụng đến vũ khí hạt nhân là không thể loại trừ. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi “câu lạc bộ hạt nhân” ngày càng trở nên nhiều thành viên hơn, với Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Israel, Pakistan, Triều Tiên…
Trong khi đó, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng đã nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân.
Vị cựu Tổng thống, cựu Thủ tướng Nga tin rằng, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân có thể xảy ra nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công Liên bang Nga bằng vũ khí tầm xa mà chính họ cung cấp và điều này sẽ chỉ kéo dài nỗi thống khổ của chính quyền Kiev và các nước phương Tây.