Lựa chọn hạt nhân là “kịch bản ít khả thi nhất”
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo hồi đầu tháng này rằng việc phương Tây chấp thuận cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga chẳng khác nào phát động một cuộc chiến tranh chống lại Nga, mối đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã được khơi dậy.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào Nga sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân, đồng thời nhắc nhở Nghị viện châu Âu rằng trụ sở của họ tại Strasbourg, Pháp chỉ mất 3 phút để một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga đến nơi.
Tuy nhiên, theo Washington Post, bên trong Điện Kremlin, ngày càng có sự công nhận rằng việc sử dụng liên tục mối đe dọa hạt nhân đang mất dần hiệu lực và các lằn ranh đỏ của Moscow liên tục bị vượt qua. Các nhà phân tích và các quan chức thân cận với giới ngoại giao Nga cho biết, thay vì sử dụng hạt nhân, Tổng thống Putin đang tìm kiếm một phản ứng tinh tế và hạn chế hơn đối với việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga.
"Đã có nhiều đe dọa hạt nhân được đưa ra. Tuy nhiên, cũng đã có sự miễn nhiễm với những tuyên bố như vậy và chúng không làm ai sợ hãi", một quan chức Nga giấu tên nhận định.
Một học giả người Nga có quan hệ mật thiết với các nhà ngoại giao cấp cao nước này cũng đồng ý với đánh giá trên và gọi lựa chọn hạt nhân là "kịch bản ít khả thi nhất" bởi vì nó "thực sự sẽ dẫn đến sự không hài lòng của các đối tác của Nga ở Nam Bán cầu và cũng bởi vì rõ ràng, xét về mặt quân sự, nó không hiệu quả lắm".
"Tất cả các cuộc thảo luận về ngưỡng hạt nhân này đều phóng đại quá mức mối đe dọa của một loại leo thang như vậy và đánh giá thấp khả năng có các lựa chọn thay thế. Vì phương Tây có các cơ sở hạ tầng quân sự trên toàn cầu nên có thể tìm thấy rất nhiều điểm yếu", học giả này cho hay.
Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tham vấn chính trị R-Politik có trụ sở tại Pháp cho rằng, Tổng thống Putin đang tìm kiếm một loạt các lựa chọn để ngăn chặn sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine và cố gắng thực thi các lằn ranh đỏ của mình. Theo bà: “Có những lựa chọn mà ông ấy không muốn thực hiện và có những lựa chọn ông ấy sẵn sàng xem xét ngay hôm nay". Ông ấy coi vũ khí hạt nhân là "lựa chọn tồi tệ nhất cho mọi người và cho chính bản thân mình", bà Stanovaya bình luận.
Các biện pháp hạt nhân hoặc một cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ NATO sẽ chỉ được cân nhắc nếu Tổng thống Putin "cảm nhận có mối đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga và không còn lựa chọn nào khác". Theo chuyên gia Tatiana Stanovaya: "Đối với một tình huống như vậy, phương Tây nên đi xa hơn những gì đang thảo luận hiện nay".
Nga sẽ phản ứng thế nào?
Washington Post cho rằng các quan chức Nga dường như đã phần nào được xoa dịu trước sự do dự rõ ràng của Mỹ trong lập trường dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga bằng tên lửa phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, Điện Kremlin vẫn đang chịu áp lực phải phản ứng theo một cách nào đó và ngăn chặn các lằn ranh đỏ của mình liên tục bị vượt qua.
"Có một sự nhận thức rằng các lằn ranh đỏ do Moscow vạch ra đang bị phương Tây phớt lờ và Moscow cần phải có những bước đi quan trọng cũng như ý nghĩa hơn để thể hiện sự nghiêm túc trong ý định của mình", học giả này Tatiana Stanovaya đánh giá.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Nga đã cảnh báo phương Tây về việc cung cấp chiến đấu cơ hiện đại như F-16, xe tăng chiến đấu chủ lực và tên lửa cho Kiev nhưng mỗi lằn ranh đó cuối cùng đều đã bị vượt qua.
Theo bà Stanovaya, Tổng thống Putin đang thấy một xu hướng, đó là phương Tây liên tục cho phép Ukraine mở rộng hoạt động của mình và điều này dẫn đến việc gia tăng các cuộc tấn công tên lửa vào trong nước Nga.
"Đối với ông Putin, đây là một sự thay đổi về chất đưa tình hình lên một nấc thang mới và có thể theo sau đó là sự mở rộng hơn nữa".
Washington Post nhận định, Moscow có thể lựa chọn đáp trả bằng các hoạt động phá hoại nhằm vào các mục tiêu quân sự hoặc các cơ sở hạ tầng của phương Tây.
Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị có liên hệ với Điện Kremlin cho rằng các phản ứng còn có thể bao gồm việc đóng cửa Đại sứ quán Anh tại Moscow và tấn công các căn cứ không quân ở Ba Lan và Romania, nơi có các máy bay F-16 do Ukraine triển khai.
“Vì Nga chắc chắn rằng đến một lúc nào đó các cuộc tấn công vào Moscow chắc chắn sẽ xảy ra nên chúng tôi cần phải tấn công trước”, ông Markov nói.
Tuần trước, cựu Tổng thống Trump nhận định trên The Hill rằng quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây "sẽ khiến thế giới có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" và kêu gọi thay vào đó, nên đàm phán trực tiếp với Moscow.
Chuyên gia Freedman cho rằng Tổng thống Putin cố tình đưa ra các mối đe dọa hạt nhân mơ hồ để tăng cảm giác nguy hiểm cho chúng.
"Nó nghe có vẻ đe dọa nhưng thực tế là Tổng thống Putin sẽ không bao giờ nói rõ về những gì mình sẽ làm. Ông ấy để chúng ta tự đưa ra cách giải thích của riêng mình và mọi người thường giải thích theo cách tồi tệ nhất".
Học giả Stanovaya thì nhận định, sự không chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng vì "không ai hiểu" Tổng thống Putin cuối cùng sẽ chọn phản ứng nào cho từng hành động cụ thể.