Nếu không được bảo vệ, Ban Tiếp dân T.Ư sẽ đóng cửa!

Minh Quang |

Liên tục thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ công dân khiếu nại, tố cáo (KNTC) có hành vi gay gắt, manh động thậm chí hành hung cán bộ tiếp công dân nhưng không bị xử lý. PV Tiền Phong trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân T.Ư về tình trạng này.

Đáng báo động là cán bộ tiếp công dân tại trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư tại Hà Nội thường xuyên bị đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Một số người quá khích dùng những lời lẽ đe dọa đánh, giết cán bộ tiếp dân. Lãnh đạo Ban Tiếp công dân T.Ư thường xuyên bị chặn xe, chửi bới...

Đến nay, đã có 3 cán bộ bị hành hung ngay tại trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư.

Nguyên nhân những hành vi manh động của người KNTC là gì, thưa ông?

Khi công dân lên T.Ư khiếu kiện, cán bộ tiếp dân cùng chính quyền địa phương vận động bà con về và có hứa với người dân sẽ đối thoại.

Nhưng một số chính quyền địa phương không đối thoại, hoặc chính quyền địa phương đối thoại không đầy đủ, không tuyên truyền, giải thích pháp luật dẫn đến bị bức xúc.

"Phải có lực lượng công an bảo vệ chúng tôi hằng ngày, hoặc phải có trạm chốt ở trụ sở Tiếp dân T.Ư. Dân đến đây khiếu kiện đông, tiềm ẩn những tình huống khó lường".

Ông Nguyễn Hồng Điệp

Bảo vệ tại trụ sở Ban Tiếp dân T.Ư hiện chỉ có 8 người, không đủ để xử lý khi đám đông quá khích. Chúng tôi làm việc vì nhà nước mà thường xuyên bị đe dọa về tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm gây ra tâm lý hoang mang.

Cán bộ tiếp dân bị chém nhưng đến giờ cũng chưa có kết quả điều tra, cũng chưa có chế độ, chính sách nào hỗ trợ. Nếu không có biện pháp bảo vệ thì Ban Tiếp dân T.Ư tạm thời sẽ đóng cửa.

Đã 3 năm nay chúng tôi đề nghị, Thanh tra Chính phủ cũng có văn bản đề nghị đưa trụ sở vào nơi bảo vệ đặc biệt.

Cán bộ tiếp dân của tôi đã bị chém, cán bộ tiếp dân của Ban Nội chính T.Ư bị đánh ngay tại phòng, tôi thì vừa bị hành hung.

Việc dân bức xúc dẫn đến có những hành vi vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương có phải chịu trách nhiệm không, thưa ông?

Đương nhiên. Chúng tôi đã giải thích rằng, thẩm quyền chúng tôi chỉ đến thế và yêu cầu lãnh đạo tỉnh cử người có thẩm quyền giải quyết.

Nhưng, lãnh đạo nhiều tỉnh như: Bình Dương, An Giang, Bạc Liêu, Vũng Tàu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre,... đã không phối hợp tốt.

Họ cử người không đủ thẩm quyền, người không hiểu việc, thậm chí còn không cử cán bộ ra trụ sở thì vận động thế nào được người dân về địa phương.

Lãnh đạo nhiều tỉnh có thái độ thờ ơ, vô cảm với những khiếu kiện của dân; vô cảm, thiếu tôn trọng với chính cán bộ tiếp dân chúng tôi.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nhưng rất ít các đoàn công tác các địa phương có lãnh đạo tỉnh ra trụ sở Tiếp dân T.Ư để làm việc, vận động công dân về.

Việc giải quyết theo quy định pháp luật là thuộc địa phương chứ không phải là Trung ương.

Ông có đề xuất giải pháp gì để ngăn chặn kịp thời tình trạng này?

Tôi cho rằng, phải đề cao trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp. Đồng thời, phải nghiêm khắc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương xảy ra tình trạng người dân kéo lên T.Ư đông người, lâu ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại