Hầu hết các phóng viên nước ngoài tại trung tâm báo chí của hội nghị thượng đỉnh liên Triều đều đánh giá rằng cuộc gặp mặt ngày mai (27/4) là bước đột phá về mặt ngoại giao trong vấn đề phi hạt nhân bán đảo.
Nhiều người khác cho rằng cuộc gặp lần này sẽ quyết định liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có gặp mặt tổng thống Mỹ Donald Trump trong dịp tới hay không.
"Mọi chuyện đang đi đúng hướng," Suzuki Sotaro, trưởng bộ phận báo Nikkei (Nhật Bản) chi nhánh Seoul. "Tôi rất lạc quan vào kì thượng đỉnh. Tôi nghĩ kết quả ngày mai sẽ rất tốt đẹp bởi nó còn ảnh hưởng tới cuộc gặp mặt giữa ông Kim và ông Trump nữa."
Đại diện 10 phóng viên khác của Nikkei có mặt tại trung tâm báo chí ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ông Sotaro cho biết ông sẽ tập trung khai thác "mức độ đồng thuận" giữa ông Kim và ông tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
"Mức độ của cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc phần lớn vào ông Kim," ông Sotaro đánh giá.
Quan Xiaoxing, một phóng viên của báo Tin tức Kinh doanh Trung Quốc, nhận định cuộc gặp thượng đỉnh sẽ "có ảnh hưởng lớn toàn cầu", vậy nên "nó nhất định phải thành công".
"Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không phải là chuyện riêng giữa hai nước Triều Tiên - Hàn Quốc. Đó là chuyện của cả châu Á và hơn thế nữa. Nhiều quốc gia có liên quan tới vấn đề này, bao gồm Trung Quốc. Kết quả của hội nghị sẽ ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của các nước trong khu vực. Tất nhiên mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng."
Mối quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc: Làng Panmunjom - Nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử
Andreas Landwehr, trưởng đại diện báo DPA (Đức) tại chi nhánh Bắc Kinh, tỏ ra rất lạc quan. Theo ông, kết quả của cuộc gặp liên Triều "sẽ giúp chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump".
"Cả hai vị nguyên thủ đều rất khó đoán. Tôi đặt niềm tin vào những gì sắp xảy ra tại bán đảo liên Triều. Nhưng chúng ta cần phải xem liệu ông Trump và ông Kim có hòa hợp với nhau không. Không ai biết liệu hai miền Triều Tiên có đoàn tụ hay không, nhưng nếu viễn cảnh ấy xảy ra, hãy nhìn lại lịch sử và học từ cách nước Đức thống nhất".
"Người dân Triều Tiên sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm từ những sai lầm ở Đức," ông Landwehr nói.
Neeraj Rajput, thuộc hãng tin ABP, là một trong số ít phóng viên Ấn Độ có mặt tại đây. Anh cho biết nếu tình hình bán đảo trở nên tốt đẹp hơn, thì nó sẽ có ảnh hưởng tích cực lên kinh tế Ấn Độ.
"Chúng tôi có mối quan hệ kinh tế rất tốt với Hàn Quốc. Có rất nhiều sản phẩm của Samsung và Hyundai tại Ấn Độ.
Chúng tôi muốn củng cố mối quan hệ này và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu hội nghị thượng đỉnh thành công. Người Ấn Độ coi các quốc gia trên thế giới là những người anh em và chúng tôi hi vọng vào hòa bình."
Theo ủy ban chuẩn bị cho kì thượng đỉnh của Nhà Xanh, gần 870 phóng viên từ 184 hãng thông tấn thuộc 40 quốc gia và 1.980 phóng viên từ 176 cơ quan truyền thông Hàn Quốc đã đăng kí có mặt tại trung tâm báo chí cho sự kiện đặc biệt này.