Có cơ duyên tới thăm Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) từ cả hai phía Triều Tiên và Hàn Quốc, anh Ngô Quang Minh (Hà Nội) chia sẻ với độc giả Trí thức trẻ những hình ảnh được ghi lại dọc hành trình và tại nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tới đây.
160km từ Bình Nhưỡng, 70 cây số từ Seoul, Khu phi quân sự liên Triều (Korean Demilitarized Zone - DMZ) nằm trên vĩ tuyến 38 chia cắt 2 miền Nam Bắc Triều Tiên. Với người dân hai nước thì đây là một vết thương quá khứ đến giờ vẫn chưa lành, là chứng nhân cho nỗi đau chia cắt dân tộc mà họ đang trên lộ trình hàn gắn.
Tôi có tìm hiểu lịch sử của khu vực này và muốn tận mắt chứng kiến những giá trị được các bên gìn giữ nên đã tới đây, từ cả hai phía.
Triều Tiên luôn là đề tài "bí ẩn" với cộng đồng quốc tế. Những câu chuyện về hành trình tới Triều Tiên không phải là không có, nhưng đa số đều là các góc nhìn mang tính cá nhân. Điều đó càng khơi gợi sự tò mò, khiến nhiều người muốn tự mình khám phá và tôi cũng không ngoại lệ.
Lần đầu tiên tôi cùng nhóm 9 người bạn đến du lịch Triều Tiên là năm 2011, ở thời điểm đó, hình thức đi tour du lịch Triều Tiên chưa phổ biến, các hướng dẫn viên du lịch cũng chia sẻ chưa gặp nhiều người Việt Nam đến thăm đất nước họ, nên họ đón tiếp rất trọng thị và thân tình.
Nếu nói sự bí ẩn là yếu tố đưa tôi đến với Triều Tiên thì sự mến khách chân thành của người Triều Tiên đã thôi thúc tôi quay lại lần nữa vào năm 2017.
Khu phi quân sự Liên Triều nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 160km. Trên đường đi, xe chúng tôi chạy dưới cổng chào này, chú hướng dẫn viên có hỏi: "Các bạn có nhận ra hai bức tượng này khác nhau ở điểm nào không?"
Rồi chú đáp: "Hai bức tượng đó không khác nhau chút nào cả, một bên là bà mẹ phía Bắc, một bên là bà mẹ phía Nam, cùng là người mẹ Triều Tiên thì làm sao khác nhau được!"
Sau 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô trên cao tốc nối Bình Nhưỡng - Khai Thành (còn được Triều Tiên gọi là Cao tốc Thống Nhất), tôi và nhóm du khách đã tới vọng gác của quân đội Triều Tiên phía ngoài DMZ, nơi du khách xuống xe để nghe giới thiệu về khu vực tham quan và tình hình biên giới.
Đi qua vọng gác này là đã đặt chân vào địa phận của DMZ, cách Kaesong 8km về phía Nam.
Bên ngoài vọng gác của quân đội Triều Tiên. Trên tấm bia là dòng chữ "Hãy để chúng tôi truyền lại đất nước thống nhất cho con cháu đời sau.
Tòa nhà Đàm phán Đình chiến (Armistice Talks Hall) nằm trong khuôn viên xanh mướt của DMZ. Đây là nơi các cuộc đàm phán đình chiến diễn ra.
Bên cạnh Tòa nhà Đàm phán Đình chiến là nơi ký kết hiệp định đình chiến giữa các bên vào 27/3/1953, và cũng là nơi trưng bày các bức ảnh, tài liệu liên quan tới dấu mốc lịch sử này.
Người Triều Tiên chụp ảnh lưu niệm với bia đá phía trước tòa nhà ký kết hiệp định đình chiến. Trên bia đá khắc dòng chữ: "Tại đây, vào ngày 27/7/1953, đế quốc Mỹ đã phải quỳ gối trước nhân dân Chosun anh dũng để ký kết hiệp định đình chiến cho cuộc chiến mà họ đã khơi mào vào 25/6/1950".
Trên bàn ký kết hiệp định của phía Triều Tiên là bản gốc hiệp định bằng tiếng Triều Tiên và cờ của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trên bàn ký kết hiệp định của phía Hàn Quốc là bản gốc hiệp định bằng tiếng Anh và cờ của Liên Hợp Quốc. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, Mỹ muốn dùng cờ của mình nhưng Triều Tiên không công nhận và yêu cầu phải để cờ Liên Hợp Quốc thay thế.
Cách Tòa nhà Đàm phán Đình chiến khoảng 1km về phía Nam là Khu vực An ninh Chung (JSA), nơi duy nhất tại Khu phi quân sự Triều Tiên, các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đứng mặt đối mặt. Từ phía Triều Tiên, chỉ cần bước vào khuôn viên khu vực này là sẽ gặp tấm bia đá lớn có chữ ký của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Bia đá này kỷ niệm những bút tích cuối cùng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành khi ông ký một tài liệu có liên quan đến việc thống nhất 2 miền vào ngày 7/7/1994, cũng là lúc ông mất vì cơn đau tim.
Toàn cảnh khu vực an ninh chung JSA. Các tòa nhà nằm trên Giới Tuyến Quân sự (MDL) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tòa nhà Hội nghị (Conference House) là nơi du khách dù đến từ Triều Tiên hay Hàn Quốc cũng đều có thể tự do đi lại và thực sự đi qua biên giới hai miền. Phía cuối căn phòng là cánh cửa thông sang Hàn Quốc được 2 lính Triều Tiên canh giữ. Từ trong phòng cũng có thể nhìn ra bên ngoài: Phần đất nện thuộc Triều Tiên, phần rải sỏi thuộc Hàn Quốc.
Khoảng vài phút sau khi xe chạy ra khỏi JSA, nếu nhoài người khỏi cửa kính xe và quay đầu nhìn lại thì bạn có thể thấy một tấm biển chỉ đường viết: "Seoul 70km".
Khu phi quân sự Liên Triều rộng 4km trải dài theo vĩ tuyến 38. Thế giới gọi đây là "tuyến lửa không tiếng súng" nóng bỏng vô cùng! Tuy nhiên, ở vị trí là một khách du lịch, tôi có cảm giác trái ngược hoàn toàn.
Nếu ở bên phía Triều Tiên, các tour du lịch đưa khách đi thăm Khai Thành (Kaesong - Cố đô của nước Cao Ly), thăm Phòng ký hiệp định đình chiến cũng như khu vực An ninh chung (JSA) thì từ bên phía Hàn Quốc, các tour du lịch sẽ đưa khách đến thăm Nhâm Thìn Các, Vọng Bái Đàn, Cầu Tự do, và các đường hầm.
Lính gác các bên rất nghiêm trang, họ đều được huấn luyện bài bản, rất nhã nhặn với du khách và họ cũng rất giỏi tiếng Anh để hướng dẫn cho khách.
Không khí ở bất kỳ bên nào cũng thoải mái, người Hàn Quốc và người Triều Tiên đều rất có thiện cảm với người Việt Nam, sẵn sàng chụp ảnh chung, trao đổi về lịch sử. Sẽ không tìm thấy thái độ thù địch giữa đôi bên. Bên phía Hàn Quốc, tôi đã gặp nhiều xe buýt đưa học sinh tới thăm DMZ. Có lẽ họ muốn con cháu mình có cái nhìn đúng đắn và trực tiếp hơn vào lịch sử đất nước, cũng như tình hình hiện tại.
Ở DMZ phía Hàn Quốc, nổi bật là bức tượng "Một thế giới" chính giữa công viên Imjingpark. Bên cạnh đó là đài tưởng niệm và máy hát phát ca khúc "30 year of lost" tượng trưng cho ước mơ sum họp 2 miền.
Rất nhiều ruy-băng màu sắc được gắn trên hàng rào kẽm gai ngăn cách hai miền. Tôi có hỏi và được biết đó là do các cựu binh và người Hàn Quốc treo lên. Họ muốn nhìn về phía kia của đất nước với hy vọng và niềm tin thống nhất, thay cho hàng rào lạnh lùng hiện đang phân đôi ranh giới.
Thuộc địa phận thành phố Paju, Hàn Quốc, Imjingak là một trong những địa điểm du lịch về DMZ nổi tiếng nhất. Du khách tới đây sẽ không cần phải thông qua bất kỳ hình thức kiểm tra an ninh nào. Đây cũng là địa điểm xa nhất về phía Bắc mà người Hàn Quốc có thể tự do đi lại.
Hiện nay, từ Hàn Quốc, ngoài cách tới DMZ thông qua các công ty tour du lịch, du khách có thể chọn tàu hỏa tuyến Gyeongui tới ga Dorasan, ga gần Triều Tiên nhất.
Quang cảnh Imjingak và Cầu Tự do, nối Hàn Quốc với làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Cầu Tự do là một tuyến đường quan trọng trong chiến tranh Triều Tiên.
Tới thăm DMZ từ phía Hàn Quốc, du khách có thể tham quan Đường hầm số 3, một đường hầm Triều Tiên bí mật xây dựng dưới lòng DMZ được Seoul phát hiện vào tháng 10/1978. Nằm cách tiền đồn bảo vệ hành lang Musan dẫn đến Seoul chỉ 2km, Đường hầm số 3 được coi là đường hầm nguy hiểm nhất nếu Bình Nhưỡng sử dụng để tấn công Seoul.
Trong sách vở của mình, hai miền Triều Tiên đều ghi rõ "Korean Pennisula" (Bán đảo Triều Tiên) với đầy đủ bản đồ, tuyệt nhiên không có sự phân tách nào. Dường như, với họ đó là lời khẳng định đây là một quốc gia, một dân tộc.
Khi đến Khai Thành (Keasong) từ phía Triều Tiên, họ cho tôi xem bản đồ nước Koryo xưa; còn tới Seoul, tôi cũng đã mua một cuốn sách giới thiệu về Hàn Quốc, trong đó cũng ghi chi tiết về quốc gia của họ và bản đồ vẽ giống hệt phía Triều Tiên.
Có thể hiểu rằng dân tộc này rất kiên cường, họ đã có quá khứ vinh quang qua nhiều thời kỳ, việc họ tạm bị chia cắt những năm qua không làm thay đổi được tình yêu, cũng như những suy nghĩ, hành động của họ trong vai trò là cá thể chung nguồn cội cùng hướng đến một tương lai gần nhau hơn nữa.
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất kỳ ai đặt chân đến Triều Tiên và Hàn Quốc đều tha thiết chia sẻ suy nghĩ này, cũng như ước mong về một bình minh thống nhất sẽ mọc trên bán đảo này ngày không xa!
Trên những chiếc ruy-băng này là những thông điệp tràn đầy ước mơ, hy vọng về một tương lai thống nhất giữa hai miền.