Kiến vốn là biểu tượng khó thay thế khi muốn nhắc đến sự chăm chỉ. "Kiến tha lâu cũng đầy tổ" - chẳng phải dân gian Việt Nam có những câu thành ngữ, tục ngữ ám chỉ đến sự chăm chỉ của loài kiến hay sao?
Nhưng biết gì không, thực ra kiến cũng là một lũ chúa lười! Và điều này đã được khoa học chứng minh hẳn hoi.
Số là trong một vài lần quan sát kiến làm tổ, khoa học bỗng nhận ra một số con kiến chẳng làm gì cả. Chúng cứ ngồi một chỗ, lười biếng, vô dụng một cách kỳ lạ. Và không chỉ kiến, hiện tượng tương tự cũng xảy ra với loài ong.
Và hóa ra, lười biếng cũng có lợi thế của nó.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện công nghệ Georgia (Mỹ), kiến thực ra là loài cần cù một cách có chọn lọc. Đôi khi chúng tỏ ra lười biếng, nhưng đều có mục đích thực sự đằng sau.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên các nhóm kiến được đánh dấu theo màu. Chúng đào hầm trong phòng thí nghiệm. Và theo quan sát, chỉ cần 30% số kiến cũng đủ để làm được 70% khối lượng công việc.
Số kiến còn lại làm rất ít, và có những con chẳng làm gì cả. Nhưng khi loại bỏ hết những con kiến chăm chỉ nhất, một số trong nhóm lười kia bắt đầu đứng dậy và làm việc nhiều hơn. Điều này chứng tỏ, kiến không hề có đức tính cần cù chăm chỉ. Cái chúng có là những nhiệm vụ được phân cấp rõ ràng, sao cho cần thiết cho xã hội.
Lười biếng ở loài kiến là có mục đích
Khi đào hầm xây tổ, nếu sử dụng quá nhiều "kiến lực", đường hầm sẽ trở nên quá đông. Nó sẽ gây ra "tắc nghẽn giao thông", và chúng tránh điều đó bằng cách để một số con rời đi mà chẳng cần làm thêm điều gì.
Trên thực tế, giao thông của loài kiến cũng không bao giờ tắc cả. Chúng có thể cụng đầu vào nhau (để trao đổi thông tin), nhưng dòng chảy giao thông luôn rất ổn định, không có chút sai sót nào. Hóa ra, chúng tránh được chuyện đó là vì... lười.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã tạo ra một mô hình máy tính để kiểm chứng giả thuyết này. Kết quả, hóa ra việc một số con không làm gì đã giúp toàn bộ công việc được trôi chảy hơn, nhanh chóng hơn.
"Loài kiến quả thực đã tìm ra cách tốt nhất để làm việc thật hiệu quả. Bạn sẽ cần một số cá thể không làm gì trong cộng đồng. Bạn cần những cá thể biết lúc nào thì dừng lại và nhường cho người khác làm" - tiến sĩ vật lý Daniel Goldman, người chịu trách nhiệm cho nghiên cứu chia sẻ.
"Đây là một ví dụ hay nhất cho câu "làm ít nhưng hiệu quả." - Ofer Feinerman, chuyên gia nghiên cứu kiến đến từ Viện khoa học Weizmann (Israel) chia sẻ.
Mục đích của nghiên cứu là gì?
Nhóm nghiên cứu tại Georgia đã thử tạo ra một số robot mô phỏng lại hành vi của kiến, nhưng chưa thu được kết quả đáng kể - chủ yếu là vì robot còn khá cứng nhắc, không linh hoạt như kiến.
Tuy nhiên, mục đích của nghiên cứu lần này là tìm ra quy luật "từ bỏ" và "lười biếng" của loài kiến. Khi bạn biết ngưng lại đúng lúc, toàn bộ khối lượng công việc lại được giải quyết nhanh hơn.
Đưa một lượng lớn robot vào sử dụng cũng cần có chiến lược
Có được quy luật này, chúng ta có thể tạo ra một bước đột phá trong thiết kế robot cỡ nhỏ với số lượng lớn. Như robot cứu hộ vào các tòa nhà bị động đất phá hủy để tìm kiếm người sống sót chẳng hạn, cần phải có khả năng phân biệt lúc nào nên thoái lui, tránh ùn tắc giao thông.
Đây cũng là bài học dành cho xã hội của con người. "Bạn không thể bắt tất cả mọi người cùng làm một việc. Thay vào đó có hiệu quả cao nhất, mỗi người nên làm những chuyên môn khác nhau." - Nick Gravis từ ĐH California (San Diego) chia sẻ.
"Khi tất cả có chung một mục tiêu, quy tắc này sẽ giúp mọi chuyện được hoàn thành nhanh hơn mà không cần quá nhiều nhân lực."
Tóm lại, ngay cả một loài vật chăm chỉ nhất là kiến cũng có con lười biếng và chẳng làm gì. Nhưng dĩ nhiên, chúng có nguyên do, tất cả là vì mục tiêu chung. Còn bạn, nếu lười đơn giản chỉ là lười, thì hãy bật dậy mà làm việc ngay đi.
Tham khảo: Science Alert