Ngày 13/7, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường - liên quan đến đề xuất "cống hoá một số sông có tính chất kênh, mương thoát nước, ngay cả như sông Tô Lịch, Kim Ngưu".
Mặc dù đề xuất trên của Bí Thư quận uỷ Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn được cho là sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải và tăng thêm không gian công cộng, hạ tầng cho thành phố, tuy nhiên, GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, Hà Nội sẽ mất nhiều hơn được nếu cống hoá. Cái được duy nhất là có thêm diện tích hạ tầng giao thông cho người dân.
GS.TS, NGND Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, nếu cống hoá sông Tô Lịch, Hà Nội chỉ được thêm mỗi hạ tầng giao thông đi lại cho người dân.
GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ cho biết: "Nhiều quốc gia trên thế giới rất trân trọng những dòng sông chảy qua thành phố.
Thậm chí, có những nước đã có những bước đi sai lầm về cống hoá các dòng chảy, đơn cử như Hàn Quốc. Sau đó, nước này phải lấy lại các dòng chảy bằng mọi cách cho thế hệ sau. Bởi lẽ, họ nhận thấy, lợi ích mà các dòng chảy mang lại trong đô thị là rất lớn.
Ở nước ta, đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh, rạch rất chằng chịt. Các hệ thống kênh rạch này không những tạo nên nền nông nghiệp trù phú, mà còn mang lại lợi thế về giao thông đường thuỷ cho ĐBSCL.
Hà Nội cũng cần những lợi ích tương tự. Nếu các dòng chảy trong Hà Nội không tạo nên lợi thế về giao thông đường thuỷ thì cũng có vai trò cân bằng môi trường sống Thủ đô".
Trước khi được bổ cập nước, dòng sông Tô Lịch chứa rác thải, nổi váng.
Tuy nhiên, sau khi được bổ cập nước từ Hồ Tây, sông Tô Lịch đã bất ngờ trong xanh, tạo không gian thoáng đãng cho Thủ đô.
"Trước đây, chúng ta chưa đô thị hoá thì nước sông rất trong và thơ mộng nhưng hiện nay, trong quá trình đô thị hoá, không chỉ sông Tô Lịch mà các dòng chảy trong Hà Nội đều có nhiệm vụ vận chuyển nước thải hơn là điều hoà khí hậu, tạo cảnh quan đô thị.
Vì vậy, quan điểm của tôi là chúng ta phải giữ bằng được dòng sông Tô Lịch và các dòng chảy trong thành phố. Chúng ta phải tìm mọi giải pháp để làm sạch nó để dòng sông trở về đúng nghĩa với dòng sông lịch sử vốn đã đi vào vần thơ, ca điệu của nhiều nghệ sĩ", GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ cho hay.
Theo GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ, giải pháp lâu dài để các dòng sông hồi sinh chính là thu gom nước thải đưa về xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải. Sau đó, lắp đặt trạm bơm với công suất lớn để đưa nước sông Hồng vào Hồ Tây.
Với vai trò là thượng nguồn sông Tô Lịch, nguồn nước từ Hồ Tây sẽ tạo dòng chảy, làm sạch sông Tô Lịch. Song song với đó là xử lý, nạo vét bùn ở tầng đáy sông. Việc này có thể vừa xử lý bằng sức người, vừa áp dụng công nghệ Nano của Nhật Bản.
Dòng sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô trở nên thơ mộng, yên bình sau khi được bổ cập nước.
GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ cho hay: "Tôi cũng theo dõi công nghệ Nano của Nhật Bản từ thời điểm bắt đầu thí điểm, qua các số liệu của chuyên gia Nhật Bản, lượng bùn trong sông Tô Lịch giảm từ 90mm xuống còn 40mm trong vòng một tháng thì có thể thấy, công nghệ Nano có triển vọng để góp phần cải thiện ô nhiễm các dòng sông ở Hà Nội.
Vì vậy, nếu áp dụng song song giải pháp bổ cập nước, kết hợp với phân tách nguồn nước thải, chúng ta không những giải quyết được vấn đề nước thải chảy qua các con sông, mà còn giải quyết được lượng bùn dày dưới đáy sông, làm hồi sinh tình trạng ô nhiễm hiện nay ở các con sông chảy qua Hà Nội".