Mới đây, vào tối 17/5, ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã xảy ra sự việc đau lòng khi một con chó Pitbull nặng chừng 30 kg đã bất ngờ lao từ ngoài sân vào trong nhà cắn xé cụ Đặng Thị Vân (82 tuổi).
Được biết, con gái cụ Vân sau khi ăn cơm đã mở lồng sắt đưa con chó Pitbull đi dạo trước hiên nhà.
Lúc này cụ Vân ngồi trong nhà cách đó hơn chục mét nói lớn tiếng vọng ra ngoài, bất ngờ bị con chó lao vào cắn vùng mặt. Người thân ngay lập tức chạy vào can thiệp, kéo con chó ra nhưng không kịp do con chó Pitbull quá lớn và hung dữ, nạn nhân lớn tuổi không thể bỏ chạy và kháng cự nên đã tử vong sau đó khoảng 2 phút.
Sự việc nhanh chóng được chia sẻ trên các trang báo điện tử và mạng xã hội khiến nhiều người rùng mình sợ hãi trước mức độ nguy hiểm và hung dữ của chó Pitbull.
Trên thực tế, đây không phải sự việc đau lòng đầu tiên xảy ra ở Việt Nam với hung thủ là giống chó Pitbull, và nạn nhân chủ yếu là những người xung quanh, thậm chí là chủ nhân, người trong gia đình.
Được mệnh danh là giống chó nguy hiểm nhất thế giới, nằm trong "danh sách đen" cấm nuôi ở nhiều quốc gia
Chó Pitbull xuất hiện vào thế kỷ 18 ở các nước Anh, Ireland và Scotland. Vào khoảng đầu thế kỷ 19, chúng được chính người Anh mang sang Mỹ để dùng cho việc canh gác trang trại, giữ nhà và săn bắt thú rừng.
Người Mỹ nhận thấy rõ tiềm năng của loài chó này nên mau chóng lai tạo chúng với giống chó bản địa và tạo ra loài Pitbull khỏe mạnh và dữ tợn hơn nhiều so với Pitbull của nước Anh.
Tuy nhiên, về cơ bản đây là giống chó được sinh ra với mục đích chiến đấu, nên chúng vô cùng hiếu chiến và có khả năng chiến đấu được xếp vào hạng bậc nhất.
Pitbull thực tế trông rất lầm lì và dữ tợn với đôi mắt trợn ngược, hai tai hình tam giác dựng thẳng đứng. Vầng trán và phần gò má của Pitbull trông khá gồ ghề, phần mõm dài, chảy xệ, xếch nhẹ lên để lộ hàm răng nhọn với chiếc lưỡi đỏ ửng khiến bất cứ ai nhìn vào cũng có thể phải tránh xa khi thấy nó.
Đặc biệt, loài chó này còn sở hữu cặp hàm với lực cắn cực mạnh.
Lực cắn từ hàm của một con chó Pitbull có thể rơi vào khoảng 235 psi (1 psi tương đương 6.895 N/m2).
Một số người cho rằng, với lực cắn như vậy, chó Pitbull có thể cắn gãy xương đùi của bò chỉ bằng một nhát cắn.
Ngoài lực cắn mạnh, tác động của vết cắn từ chó Pitbull còn phụ thuộc vào 2 yếu tố.
Thứ nhất là cắn chặt kèm lắc mạnh. Chó Pitbull là loài có thân hình to lớn, kết hợp với việc vừa cắn chặt vừa lắc mạnh sẽ khiến vết thương ngày càng nặng.
Yếu tố thứ hai khiến Pitbull trở thành loài đáng sợ đó là chúng không nhả ra sau khi cắn. Cơ hàm cực khỏe giúp Pitbull cắn và giữ chặt không cho đối phương thoát ra.
Một ví dụ về sự "lì lợm" của Pitbull đó là trường hợp xảy ra vào năm 2018, ở thành phố Alton, bang Illinois, Mỹ. Một cảnh sát bị chó Pitbull tấn công khi tới hiện trường. Các đồng đội buộc phải bắn chết con Pitbull để giải cứu viên cảnh sát. Nhưng ngay cả khi đã chết, con chó Pitbull vẫn ngọam chặt tay của viên cảnh sát. Điều này chưa từng xảy ra trong các vụ tấn công của những loài chó khác.
Một nghiên cứu thống kê các vụ chó tấn công gây tử vong ở Mỹ trong 13 năm cho thấy, Pitbull là nguyên nhân gây ra 66% số ca tử vong.
Một nghiên cứu khác thu thập số liệu trong 10 năm cho thấy Pitbull khiến hơn 3.500 người thiệt mạng ở Mỹ và Canada. Trong các vụ tấn công, nạn nhân tử vong do mất nhiều máu và bị chấn thương nặng vùng đầu.
Theo trang Petolog, hiện có trên 35 quốc gia và nhiều tỉnh thành hoặc các bang ban bố lệnh cấm nuôi chó Pitbull sau những hệ lụy đáng tiếc mà giống chó này gây ra.
Trong số này đó bao gồm Argentina, Bavaria, Belarus, Bermuda, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Guyana, Ireland, Israel, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Ukraine, Vương quốc Anh và Venezuela là các quốc gia cấm nuôi Pitbull trên toàn quốc.
Ngoài ra, có tới 15 trên tổng số 16 bang tại Đức cũng cấm nuôi chó Pitbull, cũng như một số khu vực tại Trung Quốc, Australia, Bỉ, Trung Quốc, Canada.
Tuy nhiên, có thể thấy trong sách này không có Việt Nam, và trên thực tế, số lượng người nuôi chó Pitbull tại Việt Nam vẫn còn rất đông, thậm chí nhiều người còn thành lập các hội nhóm để trao đổi, mua bán và sưu tập giống chó này tại nhà.
Nếu bị chó Pitbull tấn công thì nên tự vệ như thế nào?
Thông thường, khi chó chuẩn bị tấn công người, luôn có những biểu hiện cảnh báo trước mà nhiều người thường không để ý như nhe răng, gầm gừ, lông lưng dựng lên, trong mắt của chó xuất hiện những hình bán nguyệt màu trắng, đầu cúi gằm sát đất kiểu như dạng vồ mồi...
Nếu nhận biết thấy những dấu hiệu cảnh báo này, bạn cần hết sức cảnh giác.
Còn nếu bạn gặp chó Pitbull ngoài đường mà chúng không được rọ mõm, hãy hết sức cẩn thận khi lại gần, cũng như không làm những động tác khiêu khích chúng, vì có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Điều đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, không nên hoảng sợ mà bỏ chạy, vì chó có tập tính săn mồi nên càng bỏ chạy càng kích thích tập tính của chó.
Ngoài ra, cũng tránh nhìn chằm chằm vào nó, mà chỉ chậm rãi đi lùi lại phía sau, rồi nghĩ cách đánh lạc hướng chúng bằng một cành cây, một viên đá, hoặc một vật gì đó trong tay.
Nếu không may bị chó tấn công, cần một tay che phần cổ, một tay che bộ phận sinh dục, bởi phần đây là nơi tập trung nhiều động mạch và tĩnh mạch chính nên rất dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, lưu ý hai bàn tay nắm chặt và đứng vững, tránh bị mất trọng tâm và ngã về phía sau sẽ rất nguy hiểm.
Nếu trong trường hợp khi đang chạy mà bị ngã thì phải nằm úp xuống, hai tay nắm chặt che gáy, như thế độ sát thương khi bị chó cắn sẽ giảm đi.
Lỡ như đã bị chó cắn rồi thì cần cố gắng chịu đựng nằm yên vì chúng có thể chỉ cắn một đến hai cái rồi bỏ đi, nếu càng chống cự chúng sẽ càng cắn mạnh và hung hăng. Thậm chí nếu chống cự khi bị chó cắn có thể sẽ làm cho vết thương nghiêm trọng hơn.
Tại Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều trường hợp chó Pitbull cắn người, và hậu quả để lại thường rất nặng nề, nhiều người đã thiệt mạng hoặc bị thương tích nặng dưới hàm răng và cú đớp của loài chó này, trong đó có cả trẻ em.