Phát thải từ điều hoà vừa làm tăng nền nhiệt môi trường ngắn hạn, vừa làm tăng nồng độ khí nhà kính về mặt lâu dài. Trong khi đó, chỉ cần trồng nhiều cây xanh để làm mát tự nhiên, nhiệt độ môi trường có thể thấp hơn từ 5-7 độ C so với nhiệt độ khí tượng.
Chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy (nổi tiếng với trang facebook Huy Nguyễn) kể anh sở hữu căn hộ trong một khu đô thị ven Hà Nội. Ở đây, vào những buổi trưa hè nắng nóng, chủ nhà vẫn có thể ngồi bên ngoài nhờ bóng mát của những tán cây. Với nhiều người đang sống ở các đô thị lớn, đó có lẽ là điều khó có được bởi mật độ bê tông khá dày đặc ở các quận nội đô.
Kêu nóng vào mùa hè có lẽ hơi buồn cười, nhưng trên đường tới đây vào buổi trưa, thú thực với anh, tôi cảm thấy như bị thiêu đốt dưới cái nóng mà có lẽ là gần 50 độ C chứ không phải chỉ 36 độ C như dự báo.
TS Huy Nguyễn: Tôi rất hiểu. Bởi vì nhiệt độ khí tượng là đo trong lều ở bãi cỏ thoáng đãng nên sẽ chênh lệch so với thực tế tuỳ nơi. Ví dụ, dự báo hôm nay 40 độ C nhưng nhiệt độ ở những nơi chỉ có bê tông sẽ lên tới 45-47 độ C. Cá biệt, ở nơi hoàn toàn bê tông trống trải như mặt đường, có nhiều vật liệu hấp thụ nhiệt thì nhiệt độ môi trường sẽ cao hơn nhiệt độ khí tượng tới 10 độ.
Mùa nóng ở Hà Nội khắc nghiệt. Địa hình bị bao vây bởi các ngọn núi cao phía Tây như Ba Vì, Vĩnh Phúc, Hoà Bình… đã biến Thủ đô thành thung lũng om nhiệt. Vào những ngày áp thấp nóng hoạt động mạnh, Hà Nội bị hạn chế khí đối lưu theo trục đứng, khiến nhiệt độ khí tượng có thể lên tới 40-41 độ và nhiệt độ thực tế lên tới 47-48 độ.
Gọi là om nhiệt vì không có sự trao đổi không khí đối lưu với tầng khí quyển trên cao, nhiệt sinh ra hôm nay sẽ được giữ lại, ngày mai chỉ cần tiếp tục nắng nóng là nền nhiệt sát mặt đất lại nóng lên và khi tăng nhiệt sẽ nóng hơn nữa.
Nếu TPHCM hay Đà Nẵng, Nha Trang là đô thị gần biển nên gió biển thổi vào mau hơn, làm nguội đô thị nhanh thì Hà Nội lại khác. Đang giữa trời nóng ở Sài Gòn, đi vào bóng râm có thể thấy mát thì ở Hà Nội vẫn cảm thấy bỏng rát. Chúng ta chịu cái nóng từ nền nhiệt xung quanh nhiều hơn, chứ không đơn thuần chỉ có nhiệt độ mặt trời.
Rất cảm ơn anh đã chia sẻ với tôi cảm giác này. Nóng bức có lẽ cũng là lý do khiến những chiếc điều hoà không khí được lắp đặt dày đặc ở hầu hết các tòa nhà, dù nhiều người đã biết về mặt trái của nó.
TS Huy Nguyễn: Đúng thế. Không chỉ ở Hà Nội, mà ở Đà Lạt cách đây 10 năm, rất ít khách sạn dùng điều hoà, nhưng bây giờ, hầu khắp mọi nơi đều phải lắp thiết bị này.
Tôi không bài xích điều hoà nhưng đúng là nó có nhiều mặt trái. Thứ nhất, nó tiêu thụ nhiều điện năng, mà ở Việt Nam. Thứ hai, khí thải của điều hoà đóng góp một lượng lớn phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Thứ ba, khi làm mát căn phòng, nó đồng thời thải ra khí nóng. Nếu bạn đứng gần cục nóng, chắc chắn sẽ thấy rất khó chịu. Một thành phố chi chít hàng triệu cục nóng như thế, sẽ thải ra một lượng nhiệt cực lớn, làm tăng 3-5 độ C so với nhiệt độ khí tượng.
Theo ước tính của Hội Lạnh Quốc tế (IIR) năm 2019, lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ khoảng 20% lượng điện năng và phát thải tương đương 4,14 tỷ tấn CO2, chiếm khoảng 7,8% lượng khí nhà kính của toàn thế giới. Một trong những chất làm lạnh phổ biến nhất trong máy điều hòa là hydrofluorocarbons (HFC), có khả năng làm tăng nồng độ khí nhà kính gấp 1.000 lần CO2.
Cũng theo chứng minh của các nhà khoa học từ những năm 1960, CO2 càng nhiều, trái đất càng nóng. Lý do tạo CO2 rất nhiều, trong đó đốt nhiên liệu hoá thạch đứng đầu bảng.
Nếu chúng ta sống trong những khu đô thị sinh thái, ví dụ như Ecopark thì thời gian cần dùng điều hoà có thể giảm bớt đi phần nào. Vào những ngày nắng nóng, khi đi làm về, cư dân có thể xuống công viên dạo chơi, hạn chế dùng năng lượng trong nhà. Như vậy cũng là cách giảm phát thải. Hoặc ở quán cafe tại KĐT Đặng Xá này, tôi và bạn vẫn có thể ngồi ngoài trời. Nhưng nếu cùng thời tiết này mà quanh đây chỉ toàn bê tông thì chắc chắn dù muốn cũng không thể làm thế.
Không cần nghiên cứu sâu, người ta dễ dàng đo đạc, cảm nhận được ở những khu vực có cây xanh che phủ, nhiệt độ sẽ thấp hơn dự báo khí tượng từ 5-7 độ C. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào mật độ cây, chất liệu che phủ là bê tông hay bãi cỏ…
Nhưng không có nhiều nơi như Ecopark hay Đặng Xá. Ở trung tâm thành phố, ngay cả những cây to trên đường phố cũng thưa thớt…
TS Huy Nguyễn: Có lẽ những người đang sống ở phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào… cũng muốn một ban công nhiều cây cối, người đang sống ở trung tâm thành phố vẫn thích một mảnh vườn mướt xanh… Nhưng khi 1m2 đất giá 1 tỷ đồng thì người ta sẽ phải lựa chọn để đất “đẻ” ra tiền chứ chẳng ai đổi 1 tỷ đồng chỉ để có 1 cái cây.
Ngay cả cây trồng trên vỉa hè, nhiều người cũng chỉ muốn cái cây ấy chết đi để họ có thêm không gian buôn bán. Mức giá BĐS vào hàng đắt nhất hành tinh là tường thành to lớn ngăn cản việc xanh hóa đô thị.
Chính quyền muốn giữ cây nhưng lại sợ mưa bão bị đổ và cứ đến trước mùa mưa, công nhân cắt tỉa cây không thương tiếc. Hệ thống cây xanh ở đô thị Việt Nam thuộc diện vừa nghèo nàn vừa dễ bị tổn thương bởi phát triển hạ tầng. Thậm chí, có thời, ở Hà Nội, người ta còn chặt hết cây to để quy hoạch trồng cây theo từng con phố. Đó là tư duy rất sai lầm về trồng cây đô thị. Bởi một cây xanh phải sau 5-10 năm mới phát huy tác dụng và khi nó toả bóng cũng là lúc người ta chặt đi, trồng cây khác.
Nếu vẫn giữ cách làm đó, tư duy đó, tôi thấy khó có cơ hội để Hà Nội trở thành một thành phố xanh. Nếu so với các nước trong khu vực, chúng ta thua xa họ và chỉ có điểm sáng ở vài khu đô thị phát triển theo hướng sinh thái.
Như thế đang có một nghịch lý: Hà Nội - thung lũng om nhiệt, rất cần nhưng cũng lại rất thiếu cây xanh…
TS Huy Nguyễn: Đúng vậy. Đáng lẽ Việt Nam phải trở thành hình mẫu cho thế giới học tập. Vì chúng ta sống ở vành đai cận xích đạo và chỉ có những nơi ở gần xích đạo mới có nền nhiệt cao như vậy. Châu Âu, châu Úc mới 25 độ C là họ đã thấy nóng. Khả năng thích ứng với nắng nóng của họ không thể bằng người miền nhiệt đới như chúng ta. Công trình kiến trúc của họ cũng không hướng đến chống nóng mà chủ yếu chống lạnh. Còn những nơi như Trung Đông tuy cận xích đạo nhưng lại là khí hậu sa mạc, rất khó trồng cây.
Chỉ có những nơi như khu vực Đông Nam Á nắng lắm mưa nhiều, điển hình là Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thích hợp cho cây xanh phát triển thì rất nên có những mô hình, sáng kiến cho thế giới học tập. Chúng ta chẳng thể học thế giới đâu vì thế giới có ở trong hoàn cảnh như Việt Nam đâu mà họ phải sáng tạo.
Vậy nhưng tôi lại nhớ tới Singapore, dù nước họ có nền nhiệt không cao bằng Việt Nam nhưng lại có những thành phố xanh kiểu mẫu, rất đáng mơ ước.
TS Huy Nguyễn: Singapore cũng được từng được ví là quốc gia của điều hoà. Điều thú vị là các đô thị xanh mới ở Singapore đều là xanh nhân tạo và họ đang có định hướng phát triển giảm điều hoà. Vốn là một quốc đảo, Singapore muốn thu hút người nhập cư trình độ cao thì phải tạo ra môi trường sống tốt. Khi làm bất cứ cái gì, họ đều hướng tới sự tuyệt hảo. Hầu hết đô thị ở Singapore có sự kết nối cây xanh với nhau, trừ các khu phố cổ của cộng đồng người Ấn và người Hoa buôn bán lâu đời là có ít cây (có lẽ do giá bất động sản cao). Trong các tòa nhà mới xây dựng có không gian sinh hoạt chung tựa khu vườn, thậm chí rừng nhiệt đới. Có nơi đơn loài, có nơi đa loài. Đơn loài là những công viên hoa lá, đa loài thì gần giống như Ecopark.
Nếu Hà Nội làm được như các khu vực mới phát triển của Singapore thì dù chúng ta không thể tránh được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cảm giác nóng bức hơn quá khứ, nhưng ít nhất, nhiệt độ sẽ ở ngưỡng chịu đựng được, bằng với dự báo khí tượng và giảm bớt hiện tượng om nhiệt cực đoan.
Tuy nhiên, nếu bắt đầu ngay hôm nay, ít nhất 20 năm nữa, Việt Nam mới có thành phố xanh đúng nghĩa. Ngoài thời gian, cần phải có quy hoạch tốt và duy trì quy hoạch đó liên tục.
Một nơi khác tôi rất thích là Luzon (Philippine) - nơi có nhiều cây xanh, mật độ xây dựng thấp. Tất nhiên giá đất và mật độ dân số của họ không thể áp lực bằng Hà Nội. Họ không quy hoạch giống như Singapore mà có cây xanh tự nhiên, do thời xưa để lại. Khoảng 40 năm trở lại đây, Philippines trồng nhiều cây ăn trái. Ở thành phố cũng có những rừng xoài cổ thụ, cây cao 15-20m, rộng tới nỗi đi một ngày không hết.
Như vậy, nói về phát triển không gian xanh nhân tạo, thì những đô thị như Ecopark cũng là chúng ta đang theo mô hình Singapore?
TS Huy Nguyễn: Đúng vậy. Và mặc dù đi sau Singapore nhưng tôi nghĩ những khu đô thị như Ecopark có thể đến đích Net Zero nhanh nhất theo cách đem rừng về phố.
Ecopark tạo ra các tầng tán cây xanh khác nhau. Họ lựa chọn những loài cây lâu năm và cả cây ngắn ngày theo mùa. Những cây lâu năm là loại gỗ quý có khả năng thích nghi cao ở điều kiện khí hậu nhiệt đới, như chò chỉ, cây dẻ gai… Khi trồng trong khu đô thị, nó trở thành tài sản chung của cư dân.
Ngoài các cây tầng cao, tán rộng thì dưới thấp, họ trồng các cây cho hoa theo mùa như bằng lăng, cây hoa ban… Ở tầng thấp hơn nữa, Ecopark trồng cây dây leo có tuổi thọ ngắn nhưng thường xuyên chăm sóc, bổ sung. Hoa dây leo có hai vai trò chính, một là tạo sắc màu, cảnh quan đẹp, hai là tạo ra nơi trú ngụ cho côn trùng. Nơi nào có cỏ cây thì nơi đó có côn trùng, rồi có chim, rắn, chuột… tạo ra hệ sinh thái, giảm bớt sự can thiệp của con người.
Tôi nghĩ cách đó chỉ làm được ở những đô thị mới ven thành phố với điều kiện đất đai thoáng rộng, không quá đắt. Sẽ rất khó để phát triển mô hình này ở trung tâm nội đô khi mà từng m2 đều được tận dụng tối đa để kiếm tiền.
Thế anh nghĩ sao về thiết kế xanh, có nghĩa đô thị xanh không đơn thuần là màu xanh cây cối, mặt nước mà nó còn là thiết kế đón nắng, gió tự nhiên, giúp tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn nước…?
TS Huy Nguyễn: Tôi rất tán đồng điều này. Nếu lý tưởng nhất là công trình xanh theo nghĩa thiết kế, vật liệu, quá trình xây dựng xanh và trồng nhiều cây, tạo ra nhiều hồ nước. Nhưng chuyện đó rất khó.
Ngay cả ở Ecopark, dù rất cố gắng thì họ cũng mới xanh tại công viên chứ chưa tạo được xanh trong căn nhà theo cách hoàn hảo như bạn vừa nói. Tất nhiên khi xây dựng đồng loạt như thế thì rất khó tính toán chi tiết chuyện tránh ánh nắng trực tiếp từ phía Tây, hay không gian mở ra đón nắng hướng Đông. Vì nắng hướng Đông nhẹ, nhiều năng lượng, trong khi nắng hướng Tây năng lượng quá mức, đốt nóng căn nhà của mình.
Ở Việt Nam, có một công trình kiến trúc thân thiện với khí hậu mà tôi rất thích là trường ĐH Sư phạm Huế. Họ thiết kế nhà hình chữ Y, như ngôi sao 3 cánh. Cả 3 cánh đều tránh hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn chiếu trực tiếp vào các căn phòng và ngăn gió hướng Bắc vì gió này lạnh và độc. Họ làm hành lang rộng. Chắn trước hành lang là các ô sáo khiến gió có thể vào, và tuỳ từng hướng mặt trời mà cho nắng vào khoảng 20-30%.
Công trình do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế này tuyệt vời đến mức miền Trung nắng nóng như vậy nhưng đi vào giảng đường ĐH Sư phạm Huế vẫn mát mẻ, không cần dùng điều hoà. Bên ngoài giảng đường trồng rất nhiều phượng vĩ, vừa che nắng, vừa lọc bụi và làm dịu mát các lớp học.
Một toà nhà muốn tiết kiệm năng lượng thì rất cần được thiết kế để đón nắng, gió tự nhiên. Nhưng chỉ khi mật độ xây dựng thưa mới làm được như vậy. Nếu xây các tòa nhà sát sạt vào nhau, khi bước vào phòng, bao giờ cũng phải làm hai việc là mở điều hoà và bật đèn bất kể ngày đêm.
Tôi cũng từng có trải nghiệm nhỏ với công trình xanh của KTS Võ Trọng Nghĩa ở Quảng Bình. Dù rất độc đáo nhưng những công trình xanh như thế vẫn còn khá ít. Muốn thay đổi bộ mặt đô thị, công trình xanh phải tạo nên làn sóng và có sự nhân rộng ở nhiều nơi. Điều này không chỉ ở phía chủ đầu tư hay KTS mà cần có quy hoạch từ chính quyền, quy định chỗ này mật độ xây dựng, không gian cho cây xanh, mặt nước là bao nhiêu, công trình phải sử dụng vật liệu gì… để không ai dám phá vỡ. Chuyện này khó vì nó đụng trực tiếp đến vấn đề kinh tế.
Còn việc tạo ra những khu “rừng trên cao” thì sao, anh nghĩ gì về giải pháp này?
TS Huy Nguyễn: Có lẽ ở khu vực trung tâm thành phố, chúng ta cũng chỉ có thể trông mong vào việc sử dụng các loại cây bé và thấp nhưng vẫn tạo tán và tạo không gian xanh trên cao. Chúng có thể giúp tránh ánh nắng trực tiếp, tạo oxy, ngăn tiếng ồn hoặc tạo cảnh quan đẹp.
Cái khó của giải pháp này là chi phí duy trì tốn kém, phải tưới liên tục. Cây cối cũng khó sống hơn, không phải loại nào cũng phù hợp.
Cây trên cao là giải pháp xanh hiệu quả. Ở Bangkok từ cách đây hơn chục năm đã làm mô hình này rất nhiều. Khoảng năm 2008-2010, tôi sang đấy và rất ấn tượng với khu nhà có 4-5 tầng là khu thương mại hoặc thậm chí 50% chỗ đấy là để xe, sau đó là không gian cây xanh, họ thậm chí còn đem dừa lên cao để trồng. Các loại cây ăn trái được trồng trên cao rất nhiều. Sau các vườn cây, ở trên cao hẳn mới là khu căn hộ. Đây là giải pháp rất hay vì nếu tạo ra rừng ở nơi quá cao, khoảng 30m so với mặt đất thì tôi lại nghĩ nó không phải giải pháp tốt vì có thể nguy hiểm và rất tốn kém. Một giải pháp khác là mỗi nhà đều có một ban công có chỗ trồng cây. Cái ô trồng cây đó khắp toà nhà đều giống nhau, nhìn rất đẹp và tôi nghĩ do chủ đầu tư trồng ngay từ đầu rồi giao cho cư dân chăm sóc.
Nếu Hà Nội mà nhà nào cũng có vườn trên cao như vậy sẽ giảm nhiệt rất tốt. Tôi có căn nhà ở quê xây tường hai lớp, lớp xốp ở giữa thì dù bên ngoài có nóng đến mấy, sờ tường bên trong vẫn mát và chỉ cần bật quạt nhẹ là đủ mát rồi hoặc nếu bật điều hoà rồi tắt đi nó sẽ giữ nhiệt độ trong nhà ổn định rất lâu. Nếu có cây xanh bao phủ bên ngoài, bức tường nhà bạn cũng sẽ mát như thế.
Vậy cuối cùng thì theo anh, có thể kỳ vọng vào việc tạo ra các đô thị xanh để giúp chống biến đổi khí hậu và ngăn trái đất nóng lên không?
TS Huy Nguyễn: Trong cuốn sách gần đây của Bill Gates viết về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính thì một trong những giải pháp đưa ra để trung hoà hết carbon dư thừa trong bầu khí quyển là sẽ cần trồng cây kín hết các mảnh đất có thể trồng và duy trì việc phủ kín trong vòng 40 năm liên tục. Đồng thời, trong 40 năm ấy, chúng ta không đốt thêm nhiên liệu hoá thạch, giống như loài người đứng im hay biến mất vậy (cười).
Rõ ràng, cây có thể hấp thụ khí nhà kính, nhưng tuỳ mật độ, tuỳ loài cây mà khả năng hấp thụ khác nhau. Ví dụ trung bình 1ha rừng có thể hấp thụ từ 1-150 tấn carbon tuỳ loại rừng. Với rừng nhiệt đới đa tầng của Việt Nam thì 1ha rừng có thể hấp thụ 25-30 tấn carbon/ năm. Nếu muốn tính cây xanh trong đô thị trung hoà bao nhiêu tấn carbon/ năm thì không thể chính xác được vì cây xanh đô thị không được trồng theo một công thức hay đủ độ tán như ở rừng.
Rất khó để nói đô thị xanh giúp chống lại biến đổi khí hậu như thế nào. Nhưng chắc chắn là nó có góp phần vào việc trung hoà carbon và giúp môi trường sống của mọi người dễ chịu hơn./.