Có một nhóm hai nhà nghiên cứu Châu Âu thắc mắc chim chóc nhìn sự vật ra sao, thế là họ bắt tay vào đi tìm câu trả lời. Sử dụng một loại camera đặc biệt để chụp ảnh cây cối, Cynthia Tedore và Dan-Eric Nilsson đã biết tầm nhìn cực tím của con chim theo dõi thế giới xung quanh chúng ra sao.
Nghiên cứu này sẽ góp công cải thiện hiểu biết của chúng ta về cách thức tiến hóa của thị lực trên Trái Đất.
"Chúng tôi khám phá ra một hiện tượng rất lạ, dù hiển nhiên nhưng trước đây chưa từng có nghiên cứu nào đào sâu vấn đề này", hai tác giả viết trong báo cáo khoa học, được đăng tải trên Nature Communications.
Cây với ánh sáng cực tím nó như thế này đây.
Con mắt tạo hình ảnh bằng cách kết hợp những màu sắc cơ bản lại, tạo thành một hình tổng thể. Nhìn chung, cách thức hoạt động cũng na ná cái máy in nhưng cũng có điểm khác: thay vì dùng ba loại mực, mắt có một loạt cơ quan tiếp nhận ánh sáng để nhận biết màu sắc, dựa trên bước sóng chúng phát ra.
Các tế bào cảm thụ ánh sáng có ba loại, phát hiện ra ba bước sóng là xanh dương, xanh lá và đỏ. Một số loài vật khác, trong đó có chim, có cơ quan cảm thụ ánh sáng phản ứng với tia cực tím, thứ màu mắt thường của người không bao giờ thấy được.
Cột thứ ba là cách chim nhìn thế giới, có độ phân tương phản rất cao và đó chính là tầm quan trọng của ánh sáng cực tím trong mắt chim. Cột thứ tư là cách con người nhìn cây cối.
Nhưng chim chóc thì cần nhìn thấy tia cực tìm làm gì nhỉ? Đó là câu hỏi đặt ra cho giới khoa học. Trong nghiên cứu mới, Tedore và Nilsson sử dụng camera có khả năng bắt được cả ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng cực tím.
Để dễ theo dõi kết quả, họ biến tia cực tím thành màu đỏ, cho thấy ánh sáng cực tím chính là yếu tố tạo độ tương phản cao cho hình ảnh. Mắt thường ta nhìn cây chỉ thấy một màu xanh thôi!
Hình ảnh đen trắng bên dưới cho thấy hình ảnh thuộc quang phổ xanh và thuộc quang phổ cực tím khác biệt ra sao. Bạn có thể thấy tương phản của quang phổ cực tím rõ ràng hơn nhiều.
Cây chỉ nhìn với ánh sáng xanh lá.
Cây nhìn với ánh sáng cực tím.
Ánh sáng cực tím đã "vẽ" thêm chi tiết cho lá cây, nên là phân biệt rõ được từng chiếc là mà không phải nhìn kĩ. Theo nghiên cứu hai nhà khoa học viết ra, so với tia cực tím, màu xanh "vô dụng một cách bất ngờ" khi dùng làm quang phổ màu, không phân biệt rõ các chi tiết có trong ảnh bằng tia cực tím.
Và cực tím cũng không chỉ có mỗi một loại, đa số các loài chim đất liền có tế bào cảm thụ ánh sáng cực tím có khả năng nhìn thấy hai bước sóng cực tím. Nghiên cứu chỉ ra rằng những tấm ảnh được nhìn qua hai bước sóng cực tím trên, sẽ có độ tương phản khác nhau trong các môi trường khác nhau, ví dụ như hai môi trường rừng của hai khu vực khí hậu khác nhau chẳng hạn.
Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới trong mắt loài chim. Trên thực tế, có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ biết chính xác con chim có thể nhìn thấy gì.