Mạng xã hội quá nhanh – quá nguy hiểm
PV: Thưa anh, thời gian qua mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin thiếu chính xác nhưng được cộng đồng mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt mà không kiểm chứng. Với góc nhìn của một nhà báo, anh đánh giá nguyên nhân đến từ đâu?
Nhà báo Huỳnh Sang: Theo tôi thấy, cách tiếp cận vấn đề và động thái của mỗi người trên mạng xã hội cho thấy tính cách và thái độ sống của từng người.
Có người tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin nhưng cũng có không ít lại quá dễ tin vào những điều mình vừa nghe thấy. Họ không kiểm tra, suy xét bởi đó có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" mà vội vàng tham gia bình luận (comment), thích (like) và chia sẻ (share) khiến thông tin chưa kiểm chứng lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Như vụ "Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa bị đồn thổi có bồ nhí", "cô gái dùng áo ngực che miệng thoát khỏi đám cháy lớn" hay anh việc vừa tôn vinh tài xế Phan Văn Bắc thì lại ném ngay anh ấy xuống mặt đất chỉ vì nghe thông tin từ chủ xe khách... Những thông tin ấy vừa xuất hiện lập tức nhận được lượng tương tác cực lớn.
Nhà báo Huỳnh Sang
Chẳng hạn, nếu người ta chịu chậm lại một chút để suy nghĩ sẽ nhận thấy, hành động dùng áo ngực che mũi, che miệng của cô gái là một phản xạ tất yếu trong hoàn cảnh cô đang ở lằn ranh của sự sống và cái chết. Đó là cách để tránh ngộ độc khí và tìm cách thoát khỏi đám cháy.
Vậy thì có gì đâu mà hả hê, cười cợt khiếm nhã về hành vi của một người vừa thoát khỏi nguy hiểm?!
PV: Có khi nào anh trở thành nhân vật chính trong một màn "ném đá" nào chưa, và anh làm gì để vượt qua những chỉ trích nặng nề từ mạng xã hội?
Nhà báo Huỳnh Sang: Có thể người ta ném đá sau lưng mình không biết! Nhưng tôi cũng từng bị một lần ném đá khi dự báo về tương lai mờ mịt của một CLB bóng đá ở miền Tây, do cách làm bóng đá thiếu chuyên nghiệp, thiếu nền móng của họ.
Cô gái dùng áo ngực che miệng thoát khỏi đám cháy ở Hà Nội bị cộng đồng mạng cười cợt chế giễu trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook
Điều không ngờ là những cổ động viên quá khích cắt clip trên TV và đưa lên youtube tạo diễn đàn chửi bới, hăm dọa bằng những từ ngữ khó nghe, thậm chí tục tĩu. Kết cục đúng như dự báo của tôi, đội bóng ấy xuống hạng và bị giải tán. Chỉ cần lý trí một chút, bình tĩnh một chút, có lẽ người ta sẽ không hành động như vậy!
Bỗng dưng một ngày bạn bị người ta chửi tập thể, chắc chắn bạn rất tâm tư, cảm giác khó chịu. Bản thân tôi cũng vậy! Vấn đề là bạn phải giữ được sự bình tĩnh, lý trí trước màn "ném đá" trên mạng xã hội, vì không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông.
Khi đứng giữa mớ hỗn độn, càng điên cuồng vùng vẫy thì càng khó thoát ra, khí ấy suy nghĩ tiêu cực sẽ phát sinh có thể dẫn đến hậu quả lớn cho chính mình.
PV: Vậy theo anh, từ đâu một bộ phận cộng đồng mạng dễ dàng tin tưởng thông tin trên mạng xã hội? Đó phải chăng là sự lười suy nghĩ- phân tích, thích thể hiện cái tôi của mình rồi vô tình tiếp tay lan truyền thông tin không kiểm chứng?
Nhà báo Huỳnh Sang: Đúng vậy! Lười suy nghĩ – phân tích thông tin sẽ dẫn đến tin tưởng mù quáng vào số đông. Từ đó, cộng đồng mạng có thể đẩy con người ta vào đường cùng, thậm chí khi bị áp lực người ta có thể tìm đến cái chết vì cảm thấy bị bế tắc.
Trong trường hợp này, mỗi động thái, hành động comment, share, like chẳng khác nào là một nhát dao "cứa" vào nỗi đau người khác.
Ở đây, chúng ta không phủ nhận mặt tích cực của mạng xã hội cùng sự tham gia rất có trách nhiệm của nhiều người khi tiếp cận thông tin, khi đứng trước một vấn đề mà xã hội quan tâm.
Họ chia sẻ, đăng tải thông tin, góp ý rất xây dựng, thậm chí đấu tranh, phản biện giúp phanh phui được tiêu cực, kể cả việc tận dụng mạng xã hội kêu gọi cộng đồng, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…
Trong nhiều trường hợp, khi ném đá vào ai đó, chính chúng ta lại trở thành nạn nhân của mình và phải trả giá trước pháp luật vì tội vu khống, nhục mạ, vi phạm quyền riêng tư của người khác.
Hãy thận trọng trước một phận người…
PV: Là nhà báo, anh tất nhiên sẽ tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin, trong đó thông tin trên mạng xã hội là không thể thiếu. Làm thế nào để anh phân biệt điều gì là đúng, điều gì sai trong mớ hỗn độn như thế.
Nhà báo Huỳnh Sang: Nguyên tắc của tôi là bình tĩnh và phải lý trí khi tiếp nhận thông tin. Từ các nguồn mình có, tôi sẽ đối chiếu qua lại và chọn lọc thông tin một cách cẩn thận. Tôi thà chậm lại một chút so với người khác để sàng lọc thông tin xác thực còn hơn vội vội vàng vàng để cuối cùng bị "hớ " trên sóng hay trên mạng xã hội.
Hiện nay, mạng xã hội và báo chí là một cuộc đua thông tin rất khốc liệt. Nhưng khi mọi thứ càng nhanh thì càng tỷ lệ nghịch với tính chính xác của vấn đề. Nói cách khác, nếu càng nhanh thì càng nguy hiểm.
Thời gian qua, bà con nông dân nhiều nơi rất khốn đốn cũng vì những nguồn thông tin "tam sao thất bổn" trên mạng xã hội. Một người nào đó nghe tin sầu riêng nhúng hóa chất, gạo giả, xoài giả… vội tung lên mạng, đánh đồng tất cả để rồi từ hiệu ứng tâm lý đám đông dẫn đến thông tin lan truyền khắp nơi.
Tài xế Phan Văn Bắc - người bị cộng đồng mạng "nâng lên hạ xuống" trên mạng xã hội sau việc cứu xe khách chở 30 người trên đèo Bảo Lộc.
Dù sau đó cơ quan chức năng đã khẳng định những thông tin trên là sai, nhưng khi "được vạ thì má đã sưng" - bà con nông dân lãnh đủ vì lỗ nặng, vì nông sản rớt giá sau thu hoạch.
Đừng để thói quen "ném đá" trở thành một thứ phản xạ, khi đó sẽ mang đến nguy hiểm cho xã hội, cho cộng đồng.
PV: Hiện nay, mỗi người đều có rất nhiều nguồn thông tin phong phú phục vụ mình, làm thế nào để trở thành một cư dân mạng thông minh?
Nhà báo Huỳnh Sang: Tôi thấy mạng xã hội hiện nay là một môi trường rất tự do, không ai cấm đoán mình tương tác với cộng đồng. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu vào một ngày, bạn là người bị đem ra "ném đá", bị cười cợt trên mạng xã hội, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Trả lời được điều này, bạn sẽ có cách hành xử đúng mực.
Hãy đặt mình vào người khác thì sẽ tự khắc biết mình phải làm gì trong cộng đồng mạng! Đừng trở thành kẻ chụp giật thông tin và vi phạm pháp luật khi phát tán thông tin sai sự thật.
Bạn có thể hời hợt với một status nói về những chuyện mông lung hay hình ảnh thông tin về một vật vô tri, vô giác, một chiếc bánh, cái quần, cái áo… nhưng khi tiếp nhận thông tin liên quan đến danh dự, nhân phẩm con người, hạnh phúc một gia đình và cả sinh mạng chính trị người khác thì phải xử lý nguồn tin cực kỳ thận trọng.
Đó có thể là một nguồn tham khảo nhưng đừng vội quy kết.
Không ai cấm chúng ta phê phán, chê bai điều gì nhưng thay vì " đạp" người ta xuống bùn, hãy mở cho người ta một con đường sống, hãy giúp cho vấn đề trở nên tốt hơn chứ đừng đụng đâu chửi đó.
Nhà báo Huỳnh Sang là BTV của Kênh Giao thông đô thị FM 95,6mhz - Đài VOH. Anh đang phụ trách Chương trình talkshow Radio trực tiếp Sài Gòn FM.
Anh cũng tham gia bình luận bóng đá trên nhiều Kênh phát thanh - truyền hình cả nước như VOH, HTV, SCTV, BTV, ĐNTV…