Năm 2002, trong một vụ cháy trường học ở Saudi (Ả Rập Xê Út), các em học sinh nữ nháo nhào chạy thoát thân. Trong khi đó ở các lối ra vào, một số thầy tu tôn giáo đã ngăn cản các nam nhân viên chữa cháy cứu người vì trong lúc vội vàng tìm cách thoát chết, các em quên... mang khăn trùm đầu.
Hậu quả là 15 nạn nhân chết ngạt. Đây là chuyện xảy ra ở nơi phụ nữ mới có quyền bầu cử năm ngoái, không được phép lái xe, ra ngoài phố hay đi nước ngoài hoặc mở tài khoản đều phải có đàn ông cho đi kèm hoặc cho phép.
Giáo lý cực đoan của Saudi (Wahhabism) cũng là nền móng tư tưởng cho các phần tử cực đoan và bạo lực Hồi giáo. Đây là câu chuyện tôi có nhắc đến trong cuốn "Con Đường Hồi Giáo". Nó đập ngược trở lại trí nhớ khi tôi đọc thông tin về vụ cháy quán karaoke vừa qua.
Bình luận thì có nhiều loại, nhưng vài lời chì chiết kiểu "lấy áo ngực mà che mặt, thật là chẳng còn phẩm giá", thậm chí "giấy rách phải giữ lấy lề" khiến tôi hoảng sợ. Trong lúc cái chết cận kề mà còn phải cố gắng vác theo những khuôn mẫu về đức hạnh nữa sao?
Với những thầy tu Hồi giáo cực đoan thì gần "kề miệng hố" cũng phải thà chết chứ không được bỏ khăn trùm đầu. Ngờ đâu ở Việt Nam còn có người cực đoan hơn, vì họ cho rằng thà chết thiêu chứ không được cởi bỏ cái áo con.
Cô gái bỗng dưng nổi tiếng sau khi dùng áo ngực che miệng thoát ra khỏi đám cháy cảm thấy mệt mỏi vì những lời đàm tiếu của cư dân mạng dành cho mình.
Lời tuyên án của định kiến
Tuy nhiên, khi đọc thêm nhiều bình luận khác thì tôi hiểu rằng lý do thực sự là do nghề làm tiếp viên quán karaoke bị đánh đồng với nghề lao động tình dục. Điều khủng khiếp ở đây là những vị quan toà này không cần bằng chứng mà tự tuyên án bằng cách gọi những cô gái làm việc ở đó là cave, gái điếm.
Một vài bài báo thậm chí còn chạy tít đậm "Nhiều cô gái trẻ ăn mặc gợi cảm chạy ra từ đám cháy". Dường như họ muốn độc giả ngay lập tức kết luận: "Đấy, ăn mặc gợi cảm thì làm nghề gì biết rồi đấy?".
Như thể còn sợ người đọc chưa rõ ý, hai link liên quan mời xem thêm ở ngay dưới tiêu đề là hai bài viết: "Tiếp viên karaoke Lọ Lem mây mưa với khách giá 1 triệu" và "Khách hát karaoke được chiêu đãi tiếp viên "áo yếm". Vậy tại sao lại có sự đánh đồng như vậy?
Đơn giản vì nếu đó là một nhóm khách nữ đi karaoke, hay một nhân viên đơn thuần, hay thử tưởng tượng hẳn là họ chạy ra từ một công sở bị cháy, cô gái có cách xử lý cực kỳ thông minh và có hiểu biết là dùng áo ngực thấm nước che mặt ấy sẽ được tung hô như người hùng.
Kỹ năng sống quan trọng đó không phải ai cũng biết, vì trong hoả hoạn ta dễ bị chết ngạt hơn chết thiêu. Điều dang dở ở đây là những cô gái này lúc đó chưa ai xác định được họ là ai, và việc nhấn mạnh vào sự ăn mặc gợi cảm của các cô là để hướng dư luận tuyên án dễ dàng hơn.
Dư luận thì thật ra cũng chẳng cần đến những lời ác ý đó, vì định kiến xã hội mạnh hơn sự công bằng: Làm ở quán karaoke thì là gái làm tiền. Không ai có bằng chứng, nhưng cần gì bằng chứng?
Một xã hội càng thiếu sức mạnh của khoan dung thì càng đầy rẫy định kiến, đơn giản vì nó khiến người ta phán xét tốt xấu một cách giản đơn nhất mà không cần lòng nhân ái, khả năng biết chờ đợi sự thật và khả năng lắng nghe những số phận riêng biệt của từng con người.
Chúng ta nhìn những kẻ xăm trổ đầy mình và kết luận họ là dân lưu manh đầu gấu, coi những kẻ nhường nhịn bà xã là đàn ông hèn, những bạn trẻ sống thử là hư hỏng, những kẻ ăn mặc lam lũ là hạng bần cùng.
Không ai thoát khỏi sợi dây trói định kiến, nhưng ai cũng có thể tự ý thức được sự bất công của nó bằng cách nhìn lại cuộc sống của chính mình. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, hãy tưởng tượng một ngày kia khi bước chân vào siêu thị ở Nhật và thấy tấm biển đề bằng tiếng Việt "Ăn cắp là tội phạm".
Hãy tưởng tượng người dân của nhiều nước đang định kiến rằng cứ người Việt là chôm chỉa, ăn buffet để thừa mứa, sang Singapore làm gái bán hoa, ở châu Âu thì trồng thuốc phiện.
TS Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, và giảng dạy môn đàm phán/giao tiếp đa văn hóa tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.
Tôi từng có vài bạn gái khi đã thân thiết liền hỏi: "Này, nghe nói đàn ông nước mày... "cái ấy" bé tý đúng không?" Thấy chưa? Bạn cũng chính là nạn nhân của định kiến, vậy hãy ngưng làm những quan toà tuyên án mà không cần bằng chứng.
Tình yêu bầy đàn
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Việc tuyên án các cô gái là người bán dâm tạo nguyên cớ cho việc thay vì tung hô sẽ là xỉ nhục.
Việc các cô thoát chết không phải là một sự kiện vui mừng, hay các cô thông minh không phải là một cái lý để ca ngợi. Vì các cô là gái bán hoa, nên các cô thoát chết là chuyện không đáng quan tâm, thậm chí nếu họ chết cháy còn là "chuyện đáng đời"?
Tôi đọc được một số comment khá ác độc, nói rằng họ là những kẻ toàn ăn không ngồi rồi, cướp chồng người khác (!). Ở đây, tôi sẽ không bàn đến việc nghề lao động tình dục có đúng hay không?
Gần một nửa thế giới đã hợp pháp hoá mại dâm và họ coi đây là xu thế tất yếu. Ở Bắc Âu, một số nước còn chuyển sang phạt khách hàng (thường là đàn ông) vì có cầu thì mới có cung. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến nguyên nhân chúng ta có xu hướng xỉ nhục người khác.
Một nguyên nhân quan trọng nhất là do chúng ta cần phải bảo vệ người cùng phe với mình. Con người là sinh vật bầy đàn, không có bầy đàn thì cá nhân không tồn tại. Vì vậy, bầy đàn trở thành đối tượng quan trọng để yêu thương, hy sinh và bảo vệ.
Trong quá trình tiến hoá, chúng ta dần dần xây dựng khả năng nhận biết kẻ cùng bầy đàn thông qua ngôn ngữ, cách ăn mặc, giá trị, hoặc hành vi... Kẻ không chia sẻ những đặc tính này thường kích hoạt hệ thống amygdala của não với tín hiệu "kẻ lạ, dè chừng".
Khi phải cạnh tranh nguồn sinh sống, chúng ta không thể vị tha với kẻ khác bầy đàn giống như kẻ cùng bầy đàn được, và tiến hoá xã hội hình thành một công cụ hữu hiệu để giúp con người có đủ dã tâm tàn hại kẻ khác: "phi nhân hoá" (demonization- nguyên bản là "biến kẻ khác thành quỷ dữ").
Để lòng trở nên vô cảm với kẻ thù, ta sẽ miêu tả họ là vô đạo đức, dã thú, xấu xa. Giết một kẻ xấu xa sẽ dễ dàng hơn giết một kẻ cũng giống như chúng ta.
Trong chiến tranh, phi nhân hoá là công cụ đắc lực để con người coi đồng loại là loài cầm thú đáng bị tiêu diệt, để vượt qua lòng vị tha và sẵn sàng vung kiếm.
Tổng thống của Philippines nổi tiếng với những phát ngôn "mạnh miệng" của mình.
Việc Tổng thống Phi-líp-pin nói dân nghiện "không phải là người" để có thể giết họ không cần xét xử là một ví dụ. Phi nhân hoá và sỉ nhục kẻ khác vì vậy một phần có nguồn gốc tiến hoá, và oái ăm thay, lại là sản phẩm của lòng trung thành với bầy đàn của chính mình.
Nói cách khác, chúng ta vì yêu bầy đàn (gia đình, tộc họ, quốc gia, tôn giáo) của mình quá mà kết quả là biến bầy đàn khác thành kẻ xấu xa.
Điều đó giải thích cho việc một số người kiên quyết đổ tội cho gái mại dâm chứ chồng mình nhất định chỉ là nạn nhân bị dụ dỗ.
Chủ nghĩa dân tộc là ví dụ điển hình khác. Lòng yêu nước không biến quốc gia khác thành quỷ dữ nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ đi cùng với việc bôi nhọ, kết án, sỉ nhục nhóm người khác.
Người Trung Quốc, Mỹ, Hồi giáo, Do Thái, Israel ...vv đều từng hoặc đang là nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Vì sự cực đoan này nên khi Tháp Đôi ở Mỹ bị đánh bom, hẳn chúng ta còn nhớ nhiều người reo mừng. Những thân người cùng đường nhảy ra khỏi tháp trở thành cái giá họ phải trả vì họ là kẻ xấu xa. Những cô gái trong câu chuyện của chúng ta cũng vậy.
Thủ dâm nhân cách
Để phân biệt thứ cấp bầy đàn, chúng ta có hai cách, một là tự đề cao bản thân, hai là hạ thấp người khác.
Dân tộc nào cũng ngời ngời tự hào về lịch sử của mình và nghĩ ra đủ các câu chuyện lập nước mang tính thần thoại huy hoàng là vì vậy. Để hạ thấp người khác hoặc bầy đàn khác, phi nhân hoá là một công cụ hữu hiệu.
Tôi nghĩ ra cụm từ "thủ dâm nhân cách" sau khi đọc một loạt bình luận phán xét về đạo đức của các cô gái. Một cách gián tiếp, hạ thấp kẻ khác khiến cho họ cảm thấy hài lòng với bản thân thực tại của mình, hài lòng với nhân cách mình đang có, và giúp họ tự khẳng định giá trị bản thân mà không mất nhiều thời gian tự kiểm điểm.
Nếu kẻ kia xấu xa thì đương nhiên mình tốt đẹp. Những vấn đề mà mình đang có không cần phải xem xét, những xấu xa mà mình đang có đương nhiên nhận cực trái dấu và trở thành đức hạnh.
Mình không cần soi gương tự kiểm điểm bản thân, chỉ cần chứng minh kẻ kia là bóng tối thì mình thành ánh sáng.
Vấn đề là ở chỗ đây không phải hai cực trái dấu. Mạt sát, sỉ nhục kẻ khác không khiến cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn mà thậm chí làm lu mờ những điều ta cần chỉnh sửa.
Thủ dâm nhân cách bằng cách sỉ nhục, hạ thấp, phi nhân hoá đối phương chỉ là một cơn cực khoái bằng đồ giả, một liều đô ping trá hình để xoa xít cho cái nhân cách đang hơi hoang mang, hơi bối rối, thậm chí đôi khi hơi thiếu tự tin của bản thân.
Như một kẻ phải bắt nạt người khác mới thấy mình mạnh mẽ, bôi đen người khác mới có thể tự thuyết phục rằng mình trong sạch, giết chết người khác mới có thể biết rằng mình đang sống.
Cũng giống như định kiến, chả mấy ai không từng thủ dâm nhân cách. Nhưng nếu thủ dâm nhiều thì lại thành đáng thương.
TS Nguyễn Phương Mai (Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan)