Các cháu bị bại não đáng được giúp đỡ
Cho dù ông bố đã có đôi điều không đúng khi trả lời trên truyền hình khi nói về gia cảnh, thậm chí bị buộc tội nói dối, nhưng ai có tấm lòng hảo tâm nên tiếp tục giúp đỡ hai cháu đáng thương.
Sợ cha mẹ ăn vào tiền của con thì các tổ chức xã hội nên đứng ra giúp chi tiêu cho đúng mục đích, tránh để cha mẹ lợi dụng lòng trắc ẩn để kiếm tiền.
Lên án người bố nói dối và người mẹ để hai con tật nguyền lại cho chồng và về sống nơi khác, nhưng không thể vì thế mà cộng đồng bỏ rơi hai cháu.
Tấm lòng tương thân tương ái chính là ở chỗ biết bỏ qua lỗi lầm của người lớn để vì thế hệ trẻ.
Xử tới nơi tới chốn lỗi của bố hoặc mẹ và mặc kệ số phận của trẻ thơ - đó mới là vô trách nhiệm.
Câu chuyện sẽ cảm động và đúng mức hơn, thậm chí được nhiều tiền tài trợ hơn nếu anh Nghị nói sự thật về vợ, về con và hoàn cảnh của mình.
Thử trong hoàn cảnh của anh Nghị nuôi hai con "không biết gì chỉ biết phá phách" xem ai đủ kiên nhẫn mà không nóng nảy, say rượu, tìm đủ lý do để đổ lỗi.
Anh Nghị đưa hai con cùng đi hát rong trên đường phố. (Ảnh cắt từ 1 clip đăng tải hồi tháng 2/2017)
Năm 2010 tôi đưa hai con nhỏ 9 tuổi và 7 tuổi từ Mỹ về thăm nhà do mẹ của hai cháu bận việc không đi theo.
Dù nhà có điều kiện, đi lại toàn xe taxi, xe hơi đưa đón, nhưng lo 3 bữa cho hai ông tướng cùng với chương trình đi chơi 24/7 trong hai tháng đủ chóng mặt.
Tôi hiểu thế nào là cảnh gà trống nuôi con dù là cuộc sống trong nhung lụa.
Hãy đặt mình vào địa vị của người đó để nói, để viết, lên án hay ủng hộ, một thái độ có trách nhiệm trên truyền thông.
Anh Nghị và chị Huyền do xung đột gia đình nên đã ly dị dù chị Huyền đang có thai đứa thứ 3. Có hai đứa con tật nguyền nên hai anh chị muốn có đứa lành lặn là chuyện hết sức con người.
Nếu cháu mới sinh ra bình thường thì việc mẹ ở với cháu ở nơi khác kể cả với một người đàn ông khác cũng là điều nên chấp nhận.
Cháu lành lặn đáng được hưởng một môi trường gia đình "lành lặn" cả về vật chất và tinh thần.
Lớn lên cháu sẽ biết có hai anh khác, ở một nơi khác, và khi thành đạt, cháu sẽ biết ơn cha mẹ và các anh.
Tòa án bên Mỹ khi xử ly hôn thường tìm người nào có lợi nhiều nhất để nuôi con chứ không phải do tiền bạc, địa vị hay ai đã phạm lỗi.
Nếu người cha nát rượu và bạo lực nhưng có tiền thì không thể nuôi con. Tòa sẽ bắt cha chia tài sản để cho vợ nuôi con.
Nếu người vợ hay đánh mắng con dù có tiền cũng phải để cha nuôi và tiền phải đóng theo luật tòa.
Nếu cả hai là những kẻ khốn cùng thì tòa xử cho con gửi vào nhà bảo trợ xã hội, và hai bố mẹ phải chi tiền nuôi con tới 18 tuổi.
Đôi lời với truyền thông và mạng xã hội
Xin đừng câu views bằng những tin nóng. Các facebookers đừng đến nhà selfie với cha mẹ của người đáng thương, gửi vài đồng rồi "cúng phây vì ta đây cũng làm từ thiện".
Nhiều bạn ủng hộ các chương trình từ thiện hàng trăm triệu mà không đòi hỏi tên được xướng lên hay công bố trên báo chí.
Từ thiện là giúp cho người hoạn nạn trước và sau đó bản thân mình được thanh thản với đức tin tốt đẹp.
Làm từ thiện nghĩa là vì tâm của mình trước, vì người khác sau, sẽ bớt đi cảnh selfie hay câu views trên mạng xã hội.
Đối với truyền thông khi đưa tin phải kiểm chứng nhiều chiều. Giá như (lại giá như) ekip phỏng vấn chị vợ cũ của anh Nghị trước khi lên hình thì hay biết bao nhiêu.
Vụ việc này làm cho người xem chán ngán vì những hình ảnh làm họ rơi nước mắt để rồi sau đó tức giận vì bị lừa dối, uất hận, và cảm thấy bị móc túi.
Truyền thông đã vấp váp đôi lần về chuyện đưa những nhân vật tranh cãi lên thành "sao do hoàn cảnh".
Mấy năm trước có một người tên là Nhật Thanh (Nguyễn Bá Thanh) lên VTV Sao Mai điểm hẹn với câu chuyện tình đẹp như trong mơ "Vợ chồng người hát rong" với một cô gái mù bẩm sinh tên là Đào, đã làm hàng triệu khán giả rơi nước mắt.
Nhưng có người phát hiện, anh Bá Thanh này đã có vợ, con ở Thanh Hóa. Anh ta lấy thêm cô Đào khiếm thị, đã kịp có đứa con gái đặt tên là Sao Mai. Lừa người khiếm thị, hết điều để nói.
Sau chuyện này, mấy gia đình đáng thương, rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Cô Đào khiếm thị ở vậy nuôi con. Nếu khán giả VTV thương nên giúp đỡ người hát rong mù lòa, có con nhỏ. Họ rất cần sự cảm thông và ủng hộ.
Nếu cô có giọng hát trời phú thì VTV có thể biến cô thành ca sỹ khiếm thị hơn là mấy kẻ bất tài sáng mắt trong giới showbiz. Nghe người mù hát còn hơn là xem anh chàng Lệ Rơi ba hoa.
Hồi tháng 12-2010, chương trình "Người xây tổ ấm" "lượm" được một nhân vật tên Lượm, một cô gái bụi đời sống bi đát.
Nhưng sau đó lại phát hiện cô Lượm này không có thật, mà tên cúng cơm của cô ta là Trần Thị Thuỳ Dương.
Những tâm tình của cô làm cả triệu người rơi nước mắt, cuối cùng là cú lừa đảo, vì cô có cha, mẹ, chồng… đang sinh sống ở Huế.
Những vụ việc có một điểm giống nhau. Câu chuyện cảm động làm khán giả khóc bắt đầu từ một sự dối trá.
Một anh chưa tốt nghiệp cấp hai bỗng thành sinh viên nhạc viện Hà Nội. Một người có gia đình đàng hoàng bỗng hóa thành kẻ đáng thương. Và người bị vợ bỏ đơn thân nuôi con bại não.
Internet đã thay đổi mọi ngõ ngách của cuộc sống, mọi thứ dễ bị bạch hóa, độc/khán giả không dễ bị lừa.
Nếu truyền thông không theo kịp xu hướng chung của mạng xã hội, thiếu sự chuyên nghiệp, nhất là sự xác tín của thông tin và hình ảnh, thì ống kính dù có tròn nhưng chỉ đưa được tin và hình méo mó.
Còn chúng ta những khán độc giả của truyền thông thì hãy nhận ra đâu là người cần giúp đỡ chứ không phải địa chỉ để đòi tiền hay thóa mạ.
Nếu anh Nghị mua cái nhà hàng trăm triệu cho hai cháu Toàn-Tùng thì nên mừng hơn là lo. Cuộc đời của hai cháu bại não còn dài mà sự giúp đỡ không phải từ những người "teo não".