Nét buồn đám cưới thời "công nghiệp"

Nguyễn Ngọc Trâm |

Hôm trước đi công tác về, tôi cầm hộp bánh sang biếu nhà bà chị chơi thân. Bác gái gương mặt nhẹ nhõm mừng mừng nhìn tôi nhắc khéo: “Chị cháu sắp cưới rồi đấy, hết cô chị là phải đến lượt cô em”. Thành ra, giờ đi đâu chơi tôi bắt đầu hơi… ngại.

Mừng cưới như chạy show

Tôi sinh năm 1994, một cô gái Hà Nội đến tuổi làm duyên, bắt đầu chán ghét những bữa ăn đơn lẻ. Mỗi khi nhìn người người, phố phố, tôi tự hỏi sao đông đúc mà lại cô đơn… Nhắn tin rủ cô bạn thân đi uống cà phê, cô kêu hết tiền.

Tôi trót dại tra khảo: “Lương đâu?” nên thành ra bị nghe kể lể: “Lương tớ đi mừng đám cưới, uống trà sữa…Tháng này sao nhiều đám cưới thế cơ chứ, lại ăn toàn nhà hàng, biết suất khoảng hơn 600.000 đồng một người thì chẳng lẽ mình mừng kém 1 triệu đồng. Mỗi tuần 2 đám cưới thì còn gì mà để dành?”.

Chợt nhớ, có lần chị tôi than vãn: “Giờ mừng đám cưới rất “công nghiệp”, chắc xem ngày đẹp nên các đám toàn trùng nhau, có hôm một tiếng rưỡi nghỉ trưa chị phải “tới dự bữa cơm thân mật chung vui” với 3 gia đình”.

Tôi cười ngặt nghẽo khi nghe kể về một hôm trời mưa gió bão bùng mà người ta hớn hở bảo “mưa mới được lộc”, chị tôi váy sặc sỡ tưng bừng dự đám cưới, sau màn chào cô dâu, chào chú rể là màn tăm tia bỏ phong bì cho đúng hòm “Nhà trai” hay “Nhà gái”, chụp ảnh check-in phông nền hoa lá, vào húp kịp bát súp khai vị, món chưa ra hết đã “chuồn”.

Nắng có vẻ đẹp của chụp dưới nắng. Mưa có sự thi vị của chụp dưới mưa. Nhiếp ảnh gia vừa động viên, vừa như la hét: “Chú rể nhìn cô dâu”; “Cô dâu hôn chú rể, hôn tự nhiên lên nào”; “Cô dâu chú rể nhìn về phía cái cột kia, đúng rồi”…

Nhân chứng cho bao cặp đôi - bạn tôi - nhiếp ảnh gia 30 tuổi chăm chỉ làm phim cưới, phóng sự cưới, album ảnh cưới hợp xu hướng thị trường nhưng vẫn “ế sưng ế xỉa” vì nghi hoặc hạnh phúc.

Tới mừng đám cưới người bạn thứ hai, cô dâu chú rể đã vừa xong màn trao nhẫn, chị tôi nhìn đồng hồ thấy không kịp sang đám cưới còn lại, bèn nhắn tin hỏi số tài khoản của bạn rồi gửi một số tiền mừng như lời chúc phúc cho đúng ngày.

Mừng cưới như chạy show là một nhẽ, nhưng người ta cưới nhau cũng “công nghiệp”. Đồng nghiệp tôi một hôm tuyên bố qua điện thoại với người yêu: “Em không biết anh chuẩn bị gì, nhưng ít nhất phải có hoa hồng, quỳ xuống cầu hôn em… không thì còn lâu em mới đồng ý”.

Tôi cứ thắc mắc, không biết giờ có phải chú rể nào cũng phải tập quỳ trước khi quỳ thật hay không?

Bởi vì còn có Facebook, họ sẽ chụp ảnh đăng lên cho nhân tình thế thái thả biểu tượng trái tim với bình luận.

Hôm trước, tôi cứ gờn gợn khi nhìn tấm ảnh chụp cảnh một cô gái cầm iPhone chụp chiếc nhẫn lấp lánh khi người yêu cầu hôn. Phút giây lãng mạn ấy ghi nhớ bằng hình ảnh tốt hơn ghi nhớ bằng cảm xúc hay sao, nếu là tôi, liệu tôi sẽ tắt nguồn điện thoại để tập trung trọn vẹn vào nỗi xúc động?

Nét buồn đám cưới thời công nghiệp - Ảnh 2.

Đám cưới ngoài trời phong cách Tây đang được các bạn trẻ ưa chuộng

Sự nghi hoặc hạnh phúc

Chiều nào cũng như chiều nào, riêng cuối tuần thì đông hơn, đi qua Tràng Tiền Plaza và hồ Gươm, tôi lại bắt gặp khung cảnh một cô gái trang điểm xách váy trắng bồng bềnh, một anh chàng mặc vest đeo caravat cùng hướng về sự chỉ đạo của nhiếp ảnh gia. Nắng có vẻ đẹp của chụp dưới nắng. Mưa có sự thú vị của chụp dưới mưa.

Nhiếp ảnh gia vừa động viên, vừa như la hét: “Chú rể nhìn cô dâu”; “Cô dâu hôn chú rể, hôn tự nhiên lên nào”; “Cô dâu chú rể nhìn về phía cái cột kia, đúng rồi”…

Nhân chứng cho bao cặp đôi - bạn tôi - nhiếp ảnh gia 30 tuổi chăm chỉ làm phim cưới, phóng sự cưới, album ảnh cưới hợp xu hướng thị trường nhưng vẫn “ế sưng ế xỉa” vì nghi hoặc hạnh phúc. “Đi chụp ảnh cưới mới thấy bao nhiêu người cưới nhau để thỏa lòng gia đình, cưới vì đến tuổi, cưới vì… bác sĩ bảo.

Hiếm có ai cưới nhau vì thực lòng yêu và muốn tin vào hạnh phúc phía trước. Ngay như người trong cuộc, có lúc đăm đăm nghĩ ngợi “lại vào rọ rồi”, giờ sống như “gông tù” - bạn tôi ủ rũ. Tôi hỏi một người bạn khác đã 1 vợ, 2 con: “Có thấy hôn nhân là dây thừng trói buộc không?”.

Bạn bảo: “Không. Là “nấm mồ” mới đúng. “Nấm mồ” chôn ước mơ”. Vì hôn nhân rất thực tế, đòi hỏi hàng tháng ổn định, đủ lương, an toàn. Những thứ không chắc chắn như ước mơ đều sẽ dần dần tan biến.

Trước khi vào đại học, bố tôi hay trêu: “Không đỗ thì về cho 50 mâm cỗ đi lấy chồng”. Giờ tôi tốt nghiệp đại học, công việc hòm hòm, thấu đáo xin mẹ: “Hay mai sau con cưới nhà mình làm 20 mâm thôi, vui là chính”.

Mẹ tôi tuy không giãy nảy lên nhưng lại nghĩ tôi đùa. Hàng ngày, trên mạng nhiều bài về “Dàn siêu xe chục tỷ đồng đón cô dâu”; “Cô dâu chú rể đeo đầy vàng được tặng biệt thự, xe hơi ngày cưới”; “Tuần trăng mật qua mấy châu lục”, ăn hỏi bao nhiêu tráp, cỗ cưới bao nhiêu bàn...; hay, người ta than trời: “Tại sao cỗ tận ba bữa, bữa dựng rạp (bữa nháp), bữa chính, bữa cảm ơn. Một người cưới, cả họ phờ phạc”.

Phong phú hơn, giờ nhiều người trước khi cưới còn có tiệc chia tay thời gian độc thân, ngoài làm một tiệc cưới mời họ hàng còn làm thêm một tiệc cưới mời bạn bè như ao ước: phong cách kiểu Tây, hoặc ngoài trời, hoặc trong nhà nhưng phải lung linh nến, cô dâu chú rể ngồi trung tâm, khách khứa xung quanh, tất cả cùng nhau chia sẻ, ôn lại kỷ niệm, ấn tượng đầu tiên, đọc thơ, ca hát…

Tôi nhẩm tính, hai bạn đại học có hứa tặng tôi một cái iPhone đời mới nhất và một con chó Alaska thuần chủng khi tôi lấy chồng, dự án tôi làm hứa tặng tôi một con mèo, tùy tôi chọn tai cụp hay nửa cụp và màu lông… chứ không đưa phong bì.

Nghĩ đến đám cưới cũng thật hấp dẫn, nhưng trong những nỗi hoang mang tuổi trẻ, mơ mộng khi đọc một cuốn tiểu thuyết ngôn tình có hậu, tôi nhen nhóm một niềm ấm áp rằng một ngày sớm, ai đó yêu thương và đỡ đần cho tôi sẽ bảo rằng: “Mãi mãi tốt với em” rồi nắm tay tôi đi đăng ký kết hôn.

Tình yêu, ngoài bản thân tin tưởng vẫn cần sự công nhận, khẳng định của pháp lý và mong những người mình quý mến chúc phúc.

Tôi rất thương một người bạn đã tổ chức đám cưới linh đình ngọt ngào nhưng ở bên một người đàn ông cứ lần nữa mãi không đăng ký kết hôn. Hơn 1 năm sau, người đàn ông ấy bỏ đi, bạn ôm vết thương lòng nuôi con, đau xót khi con là con ngoài giá thú.

Nỗi bàng hoàng ấy, dù bạn có bao nhiêu sự lạc quan khi làm mẹ đơn thân, thành đạt khi còn trẻ tuổi, tôi vẫn nhìn trong đôi mắt bạn nét buồn.

Link gốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại